16/12/2019 11:40 GMT+7

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn

THANH TÚ - SƠN LÂM
THANH TÚ - SƠN LÂM

TTO - Trái với thương hiệu vú sữa Lò Rèn ngày càng vang xa, diện tích giống cây đặc trưng Nam Bộ này lại bị thu hẹp.

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Ngàn bên gốc vú sữa Lò Rèn gần 90 năm tuổi được công nhận là cây đầu dòng - Ảnh: THANH TÚ

Năm 2007, vú sữa Lò Rèn vươn ra khỏi thị trường nội địa khi xuất khẩu thành công sang Nga. Tháng 12-2017, nó lại được xuất sang thị trường Mỹ, đánh dấu một thập niên phát triển mạnh mẽ thương hiệu của loại trái cây có vị "ngon như dòng sữa mẹ" này.

Ký ức sung túc nhờ vú sữa Lò Rèn

Nhưng trái với thương hiệu ngày càng vang xa, diện tích giống cây đặc trưng Nam Bộ này lại bị thu hẹp. Đặc biệt ngay tại xã Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang, vùng đất gắn liền với vú sữa Lò Rèn suốt trăm năm qua, những cây cho trái hàng chục năm tuổi gần đây đang bị đốn bỏ từng ngày.

Đứng bên cây vú sữa có gốc to bằng cả hai người ôm trong vườn nhà, ông Nguyễn Văn Ngàn - chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim - nhìn những tán lá mặt xanh mặt nâu dày đặc, cười: "Có khi nó mọc từ hạt trái vú sữa của ông Lò Rèn".

Cây vú sữa của ông Ngàn đã gần 90 năm tuổi, được công nhận là một trong những cây đầu dòng của giống vú sữa Lò Rèn từ thuở ban đầu giống cây này bắt đầu được trồng nhiều.

Sở dĩ ông Ngàn cười vì câu tếu táo của ông liên quan đến giai thoại về cái tên Lò Rèn, câu chuyện vốn rất thân thuộc với người dân nơi đây.

Về nguồn gốc, cây giống vú sữa Lò Rèn đầu tiên được xác định nằm ở khu vực ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, kế bên xã Vĩnh Kim. Nhưng vì sao gọi là Lò Rèn thì có hai cách lý giải.

Theo nhiều tài liệu thì ông Lê Văn Kỳ là người đầu tiên có cây vú sữa cho trái da bóng láng, khi chín ngả từ xanh sang màu hột gà, vỏ mỏng, ít hạt, thịt trắng dẻo, mềm mại, khi nắn nhẹ xung quanh trái sẽ cho ra sữa trắng thơm ngọt ngào nơi cuống trái, đặc trưng của giống vú sữa Lò Rèn.

Cây vú sữa đầu dòng của ông Kỳ được trồng bên cạnh một cái lò rèn ở ấp Thạnh Hòa nên từ đó gọi là vú sữa Lò Rèn.

Nhưng người dân ở Vĩnh Kim hiện nay thì kể nhiều hơn về giai thoại của ông Ngô Ngọc Quang, thường gọi là ông huyện Trụ, một địa chủ giàu có đầu thế kỷ 20.

Theo đó, ông huyện Trụ trong một lần tổ chức đám tiệc, được biếu trái vú sữa rất ngon nên sau đó lấy hạt chia ra cho nhiều người trồng. Và chỉ có anh thợ rèn Hồ Văn Lễ ở ấp Thạnh Hòa là trồng được, cho trái sum sê.

Sau đó, nhiều người ở Vĩnh Kim sang xin hạt của anh chủ lò rèn về trồng. Khi ra trái, quen gọi là vú sữa Lò Rèn riết trở thành tên giống cây.

Song song giai thoại này, người ta còn đặt giả thiết có thể do trong quá trình trồng, anh thợ rèn này thường xúc than trong lò đã nguội ra đổ vào gốc, khiến cây bị đột biến gen nên mới cho ra loại trái ngon kỳ lạ...

Hợp thổ nhưỡng, giống vú sữa Lò Rèn gần như chỉ việc chiết cành, giâm xuống đất là mọc lên. Khoảng thập niên 1940, toàn bộ Vĩnh Kim và các vùng lân cận ngập tràn bóng mát vú sữa Lò Rèn.

Lúc đó, chợ Vĩnh Kim là điểm thương mại trung tâm của vùng, ngày đêm vận chuyển vú sữa nhộn nhịp. Trái vú sữa cũng từ đây được gói ghém cẩn thận, đưa thẳng lên Sài Gòn, trở thành một trong những loại trái cây thượng hạng được ưa thích rộng rãi.

Cái tên Vĩnh Kim nghiễm nhiên gắn liền phía sau thương hiệu giống vú sữa Lò Rèn.

Giống trái quý cũng đưa kinh tế vùng đất này trở nên khấm khá. Những người lớn tuổi nơi đây vẫn còn nhớ như in vào đầu thập niên 1970, hễ nhà nào có vài ba cây vú sữa trong nhà là khỏi lo đói.

Cây vú sữa cho trái sung nhất từ khoảng tháng 10 đến tháng 2 âm lịch năm sau, xuyên qua mùa tết. Cho nên hễ cứ có một số cây vú sữa trong nhà để bán trái thời điểm tết nhất có giá nhất trong năm là lúa đầy bồ, thịt cá chẳng lo...

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn - Ảnh 2.

Vú sữa Lò Rèn da bóng láng, khi chín ngả màu hột gà đặc trưng - Ảnh: THANH TÚ

Thoái trào khó khôi phục

Nhưng giai đoạn khoảng cuối những năm 1970 đến những năm 1980, việc khủng hoảng lương thực chung của đất nước khiến diện tích vú sữa Lò Rèn lần đầu bị thu hẹp, thay bằng những cây trồng ngắn ngày khác.

Phải đến đầu những năm 2000, vú sữa Lò Rèn mới bắt đầu được "hồi sinh".

PGS.TS Nguyễn Minh Châu - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - nhớ lại: "Đó là loại cây độc đáo của riêng Tiền Giang, chẳng phải lo cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó viện đã nghiên cứu, tìm tòi những quy trình trồng trọt, chăm sóc đủ tiêu chuẩn để nâng cấp giống cây này, đủ tiêu chuẩn chinh phục thị trường khắp nơi".

Năm 2007, vú sữa Lò Rèn tại Tiền Giang sau khi vượt thương hiệu ra khỏi biên giới đã nhanh chóng phát triển diện tích lên đến hơn 3.200ha. Nhưng chỉ vài năm sau đó, nó lại rơi vào lần thoái trào thứ hai. Năm 2017, diện tích giống cây đã mất 10 năm đàm phán để có thể xuất qua Mỹ này thực sự chỉ còn khoảng 500ha.

Những ngày này đang mùa rộ chín của vú sữa, nhưng dạo một vòng quanh chợ Vĩnh Kim, vốn là đầu mối từng kẹt cứng xe tranh nhau bỏ mối vú sữa, chỉ còn lác đác vài nơi đang đóng gói vú sữa để chuyển đi. Nhìn kỹ, có cả nhiều đống vú sữa trái tím, to bản.

"Ngay chợ Vĩnh Kim lại bán vú sữa tím", chúng tôi buột miệng. Một chị thương lái cười nói thẳng: "Thì nay Vĩnh Kim còn mấy vú sữa Lò Rèn đâu mà bán, chủ yếu phải gom từ Sóc Trăng, Cần Thơ về để đủ hàng cung cấp cho các mối lâu năm ở Sài Gòn, Hà Nội thôi".

Không giấu nỗi ngậm ngùi, ông Trần Thanh Hải, chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, nói thêm: "Thời hoàng kim qua rồi. Trước đây nhà ai cũng trồng vú sữa Lò Rèn, nhưng nay diện tích cả xã Vĩnh Kim chỉ còn khoảng 30ha".

Thiếu hàng, thương lái ở chợ Vĩnh Kim phải gom hàng vú sữa Lò Rèn từ các tỉnh khác về bán, dù giống này trồng ở nơi khác thì thường có vỏ dày, thịt pha vị chát hơn so với trồng tại vùng Vĩnh Kim. Hoặc phải lấy cả vú sữa tím đem về để cung ứng cho các thành phố lớn.

"Vú sữa Lò Rèn rơi vào thoái trào vì cỡ 10 năm trở lại đây, cây trong vùng bị nhiều đợt thối rễ, khô cành chết hàng loạt. Nhiều người cố trồng lại cũng không thành, nên đổi luôn sang các loại trái cây khác như sapoche, dừa, bưởi...", ông Hải nói nguyên nhân.

Việc cây vú sữa Lò Rèn bị khô cành, thối rễ đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị tốt. Trong khi đó, những dòng trái cây lâu năm khác khi đã thành vườn cũng bắt đầu tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thay thế vị trí độc tôn của cây vú sữa Lò Rèn tại vùng Vĩnh Kim suốt trăm năm qua.

"Vú sữa Lò Rèn từng giúp tui nuôi năm đứa con học đại học nên người. Bỏ cũng tiếc. Nhưng cứ trồng rồi chết ba, bốn lượt. Tui cũng phải đổi qua trồng dừa, bưởi, chuối để vườn có thu nhập chứ không còn cách nào khác", bà Lương Thị Phấn, một người gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn từ khi sinh ra đến nay đã bạc đầu, nói bằng một giọng nuối tiếc...

Miệt đất phù sa nhiều loại cây trái thơm ngon, quyến rũ không chỉ người Việt mà cả thực khách nước ngoài. Làm gì để nâng thêm giá trị kinh tế của cây trái đặc sản, đem lại đời sống sung túc cho người trồng?

Dự án khôi phục chưa thành

Trước tình trạng diện tích vú sữa Lò Rèn sụt giảm, tháng 1-2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Dự án khôi phục vú sữa Lò Rèn với diện tích 13ha tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, có tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do nhiều người dân đang thu hoạch các vườn cây trồng loại mới đang cho trái nên không chịu phá vườn để trồng lại vú sữa, khiến dự án đến nay vẫn còn bỏ ngỏ...

Miệt đất phù sa nhiều loại cây trái thơm ngon, quyến rũ không chỉ người Việt mà cả thực khách nước ngoài. Làm gì để nâng thêm giá trị kinh tế của cây trái đặc sản, đem lại đời sống sung túc cho người trồng?

Kỳ cuối: Làm gì để nâng giá trị cây trái miền Tây?

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 7: Chuyện lạ sơ ri Gò Công Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 7: Chuyện lạ sơ ri Gò Công

TTO - Nhiều người cho rằng chuyện ngộ: cái nắng, cái gió và vùng đất giồng biển bị nhiễm mặn nặng nề Gò Công, Tiền Giang tưởng chừng 'không liên quan' gì đến cây trái lại rất thích hợp cho sơ ri.

THANH TÚ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên