15/12/2019 14:43 GMT+7

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 7: Chuyện lạ sơ ri Gò Công

THÁI LỘC - SƠN LÂM
THÁI LỘC - SƠN LÂM

TTO - Nhiều người cho rằng chuyện ngộ: cái nắng, cái gió và vùng đất giồng biển bị nhiễm mặn nặng nề Gò Công, Tiền Giang tưởng chừng 'không liên quan' gì đến cây trái lại rất thích hợp cho sơ ri.

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 7: Chuyện lạ sơ ri Gò Công - Ảnh 1.

Cây sơ ri 9 tháng đã cho thu hoạch - Ảnh: SƠN LÂM

Tôi hi vọng tương lai những mô hình chế biến sản phẩm từ trái sơ ri sẽ còn phát triển hơn nữa. Người dân Gò Công có thể yên tâm với cái cây dường như sinh ra để giúp vùng đất mặn này.

Nguyễn Trọng Thế

Cây chua nuôi vùng đất mặn

Về trung tâm thị xã Gò Công hỏi thăm cây sơ ri, nhiều người nói ngay muốn thấy cảnh thu hoạch hằng ngày thì đến nhà ông Nguyễn Văn Muống (Ba Muống) nằm giữa vườn sơ ri ngút ngàn ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông.

Dưới mái tôn rộng mấy trăm mét vuông nhà ông Muống, từng đống sơ ri vừa hái vào đổ đống tỏa hương thơm lừng. 

Một nhóm phụ nữ thoăn thoắt tay lựa trái cho vào từng sọt, một nhóm phụ nữ khác đang giở cơm đã chuẩn bị sẵn trong cặp lồng. Họ tranh thủ ăn rồi nghỉ ngơi chút, để lại ra chìm vào vườn sơ ri lặt trái.

Bà Hà Thị Mới, vợ ông Muống, mau miệng bảo sao chúng tôi không đến vào mùa trái rộ hơn 2 tháng trước. 

"Tầm tháng bảy, tháng tám âm lịch, vườn lúc nào cũng ba bốn chục người luôn tay, có ngày cả tấn sơ ri" - bà Mới cười vui vẻ. 

Giờ đương giao mùa, mỗi ngày vườn nhà ông Muống chỉ còn thu khoảng năm, sáu tạ nên cũng chỉ còn khoảng hai chục người làm. Bà Mới không giấu vẻ tự hào khi khoe vườn sơ ri rộng đến 3,5ha của mình thuộc hàng lớn nhất trong vùng.

Đã 83 tuổi, ông Ba Muống ưa kể chuyện xưa khi gặp khách. Toàn bộ đất nhà ông xưa trồng lúa 2 vụ, mà đất nhiễm mặn nên năng suất chẳng bao nhiêu, đói khổ triền miên. Khoảng năm 1978, người bạn kêu ông nên trồng sơ ri. 

"Tui giật mình bảo cái giống trái chua ghê gớm vầy trồng ra bán cho ai? Trồng không ai mua, lại chặt bỏ để trồng cây khác đâm khổ thì sao?" - ông Ba Muống cười kể.

Ấy vậy mà người bạn thuyết phục một chập, lại suy tính giống sơ ri chỉ tám, chín tháng là có thu hoạch, cùng lắm là mất một năm ruộng, ông Ba Muống xới luôn nửa ruộng nhà. 

Ông đánh liều lên luống trồng giống sơ ri chua "gốc Gò Công" mà nhiều người lúc đó đang trồng như cây cảnh kiếm trái ăn chơi.

"Đất này thiệt là ngộ à, sơ ri mọc tốt lắm, ít bữa lên xanh, chín tháng ra trái, năm sau trái trĩu, ngày càng nhiều". Biết tiếng vườn chuyên trồng, mùa đầu thương lái đã tìm đến, rồi từ đó đều đặn giao thương.

Đến năm 2010, Viện Cây ăn quả miền Nam tìm đến khuyên vợ chồng ông trồng sơ ri Brazil và hỗ trợ 1.000 cây giống. Song hành lúc đó là sự liên kết hỗ trợ mua của một công ty chuyên sản xuất nước ép sơ ri xuất khẩu vừa mở gần nhà. 

Vợ chồng ông Ba Muống đồng ý. Toàn bộ phần ruộng còn lại thành vườn sơ ri giống Brazil kể từ đó.

Loại giống ngoại nhập này phát triển tốt, năng suất cao hơn, lá không gây ngứa cho người hái như giống sơ ri Gò Công bản địa. 

Hiện mỗi năm vợ chồng ông Ba Muống vẫn đều đặn cung cấp khoảng 150 tấn sơ ri "tuyệt đối sạch" theo hợp đồng. Mỗi tấn sơ ri hiện có giá 5,4 triệu đồng, đủ để không chỉ chủ vườn làm giàu mà cả những người làm mướn quanh đó có thêm việc hái lựa sơ ri.

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 7: Chuyện lạ sơ ri Gò Công - Ảnh 3.

Bà Hà Thị Mới nay đã 71 tuổi, hằng ngày vẫn luôn tay lựa sơ ri cung cấp cho công ty gần nhà - Ảnh: SƠN LÂM

Người gặp khó vì giá cả bấp bênh

Vợ chồng ông Ba Muống nằm trong số hàng ngàn hộ có cuộc sống ổn định, thậm chí giàu có nhờ vào chuyên canh sơ ri ở vùng Gò Công. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ khác không suôn sẻ như họ. Phong trào trồng sơ ri Gò Công phát triển rầm rộ từ thị xã ra huyện, nguồn cung quá nhiều mà đơn vị mua có hạn. Nhiều nhà vườn phải chặt bỏ sơ ri để trồng rau màu...

Trong sân HTX Rau quả Gò Công (xã Long Thuận, thị xã Gò Công) giữa trưa nắng rát, bà Châu Thị Tuyết, thành viên hội đồng quản trị, đang trực tiếp cân mua sơ ri từ nhiều nông dân chở đến. 

Để giao đủ 50 tấn cho một thương lái khác tỉnh vừa mới đặt hàng, bà Tuyết phải "đánh tiếng" mua lẻ rất nhiều nơi. Những đơn hàng thế này cũng "năm thì mười họa" chứ không thường xuyên. 

Kể từ năm 2012, vì nhiều lý do mà HTX này đã không còn cung cấp sơ ri cho nhà máy trong vùng. Người trồng buộc lòng "chạy lòng vòng chỗ nào bán được thì bán"...

Vào thế bấp bênh, nhiều xã viên phải đốn bỏ sơ ri để hi vọng vào các giống cây khác. Nhưng Gò Công là đất khó, phải chịu thời gian ngập mặn lâu. Bưởi trồng cho trái 1-2 vụ đầu rồi không ra gì, lại phải chặt bỏ. 

Ổi giống Đài Loan năm đầu sai trái, năm sau cũng héo queo. Mấy loại chuối cũng chỉ được vài vụ... Người dân đã bỏ sơ ri hiện chỉ còn có thể trồng sang các loại rau màu ngắn ngày. 

HTX Sơ ri Gò Công cũng phải đổi tên thành HTX Rau quả Gò Công; 88 thành viên ngày nào đến nay chỉ còn hơn chục người. 

"Người dân ở đây vẫn rất... thương nhớ sơ ri, vẫn mong có đầu ra và giá cả ổn định để trồng cây sơ ri trở lại, để được tươi đời như mười năm trước..." - bà Tuyết nói xa xăm.

Kẻ kiên trì tìm hướng đi

Tuy nhiên, không phải tất cả đều nan giải. Nhiều người không đủ kiên nhẫn với cây sơ ri, nhưng cũng nhiều người quyết tâm gắn bó, đưa sơ ri Gò Công vang tiếng theo nhiều hướng khác. Như chuyện của anh Nguyễn Trọng Thế, giám đốc HTX Sơ ri Bình Ân, Gò Công Đông.

Từ công nhân may ở Đồng Nai, năm 2014 Thế về quê đắp đất sau nhà cha mẹ, tham gia HTX trong một sự tự hào về đặc sản sơ ri của quê hương. 

Nhưng anh Thế gắn bó với cây sơ ri vào thời điểm mà giá sơ ri có thể từ vài ngàn đồng bị thương lái ép còn vài trăm đồng ngay trong một ngày. 

"Thương lái cũng chỉ mua cho đủ số lượng của họ, khi thấy sản lượng dồi dào thì cho giá rớt xuống đến tận đáy. Người ta nối tiếp bỏ cây sơ ri cũng từ nhiều đợt bị ép giá thê thảm như vậy" - anh Thế kể.

Nhiều lần suy nghĩ căn nguyên loại trái bị ép giá như mau chín, mau hư, khó vận chuyển đi xa, anh Thế đã lóe lên ý nghĩ về những món mứt mà người quê thỉnh thoảng vẫn chế biến có thể khắc phục được điểm yếu này. 

Được vợ đồng lòng, anh Thế liền thử nghiệm cách nấu, thay đổi các loại nồi, tăng giảm từng công đoạn đến khi tìm được cách thức cho ra loại mứt sơ ri được nhiều người khen ngợi. 

Ngoài ra, anh Thế cũng học cách chế biến sơ ri thành nước xirô, rượu ngâm, kẹo... Những sản phẩm ấy sau khi được mua sạch tại nhiều hội chợ thì được những siêu thị lớn tìm đến đặt hàng...

Đến nay, HTX do anh Thế làm chủ tịch hội đồng quản trị có 51 xã viên trồng 27,5ha sơ ri đúng theo quy trình, không dùng thuốc kích thích mà để tự nhiên. 

Mỗi ngày, các xã viên cung ứng đều đặn 2-3 tạ trái tươi loại 1 với giá 6.500 đồng/kg cho xưởng bánh kẹo của HTX. Bình quân mỗi tháng các xã viên có thu nhập trên 4,5 triệu đồng tiền bán sơ ri cho HTX...

Sau khi xuất khẩu thành công sang Nga năm 2007, vú sữa Lò Rèn lại được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cuối năm 2017, khẳng định thương hiệu Việt của loại trái cây có vị "ngon như dòng sữa mẹ"...

Kỳ tới: Thăng trầm vú sữa Lò Rèn

THÁI LỘC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên