11/12/2019 12:50 GMT+7

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 3: 'Nữ hoàng trăm tuổi' giữa cù lao Tân Quy

SƠN LÂM - THÁI LỘC
SƠN LÂM - THÁI LỘC

TTO - Nếu sầu riêng được mệnh danh là "vua trái cây nhiệt đới" thì măng cụt được gọi là "nữ hoàng". Khác với sầu riêng khiến nhiều người ghiền, nhiều người lại "không ngửi nổi"; măng cụt có thể dễ dàng chinh phục khẩu vị của những người khó tính nhất

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 3: Nữ hoàng trăm tuổi giữa cù lao Tân Quy - Ảnh 1.

Măng cụt được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” vì hương vị chua ngọt cân bằng rất đặc biệt - Ảnh: SƠN LÂM

Thân toạc đạn vẫn sung trái

Trong "vương quốc" trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh là địa danh được nhắc liền với măng cụt bởi đến nay vẫn còn nuôi dưỡng được nhiều "nữ hoàng" trăm năm tuổi.

Muốn được đắm chìm trong những con đường rợp tán măng cụt, không thấy mặt trời, cứ xuống phà qua cù lao Tân Quy. Phía sau những rặng bần phủ mặt nước sông Hậu, bờ bao cù lao như một vòng tay ôm lấy những vườn măng cụt ngút ngàn có thể khiến những người lạc vào đây như mất phương hướng.

Hỏi về măng cụt, người dân sẽ chỉ ngay đến vườn ông Lưu Văn Nhiều. Bởi từ hơn 20 năm nay, măng cụt ông Nhiều đem dự hội thi trái cây ngon nào thì ẵm giải đó, góp phần đưa tên tuổi măng cụt cù lao Tân Quy nức tiếng. Căn nhà to rộng, bề thế giữa vườn măng cụt 2,7ha của ông Nhiều cũng dễ tìm. Trong gian phòng khách, hàng loạt bằng khen, giấy chứng nhận đoạt giải... treo chi chít. 

"Căn nhà này cũng cất lên từ tiền bán măng cụt đó", ông Nhiều cười rổn rảng kể, rồi dẫn khách đi thăm vườn măng cụt phía trước nhà.

Trong vườn măng cụt sạch sẽ, nhánh lá đan nhau từ cây này sang cây khác rợp mát giữa trời giao mùa. Và dễ dàng nhận ra 16 cây măng cụt trăm tuổi của ông Nhiều nổi bật với thân hình to lớn bằng cả người ôm, cao hơn 20m, vượt lên hẳn so với tất cả các loại cây trên đất cù lao. Thân cây chi chít những vết thẹo do dao băm vào trước mỗi mùa vụ trái. 

"Đó là kinh nghiệm trồng măng cụt, mỗi khi cây ra hoa, người ta thường bằm vào thân để mủ cây chảy ra bớt, giúp cho trái măng cụt ít bị sùng, giảm lượng múi ung không ăn được", ông Nhiều giải thích.

Đặc biệt, nhiều cây măng cụt trăm năm tuổi bị toác từng mảng vỏ lớn, lộ ra cả phần cốt thân chi chít mối đục khoét, sâu mòn xuyên qua cả thân. Nhưng bên trên phần thân vẫn tua tủa lá tốt. Đó là những cây măng cụt đã trúng phải đạn bom trong những năm tháng chiến tranh ác liệt... 

Rờ vào từng vết đạn cũ, ông Nhiều (năm nay đã 71 tuổi) dường như đang chạm vào được những tháng năm gian khó nhất của cuộc đời, gắn bó với người vợ cùng tuổi Võ Thị Lệ Thủy. Đây là vùng đất từ đời ông nội bà Thủy về khai phá, băm xuống những nhát cuốc đầu tiên để gieo trồng.

"Cha vợ tui sinh năm 1901, đến khoảng năm 1919, đúng trăm năm trước, ông có chuyến đi chơi ở Lái Thiêu và mua về mấy chục cây măng cụt giống gieo trồng", ông Nhiều kể. 

Vườn măng cụt do cha bà Thủy trồng cũng là vườn măng cụt đầu tiên ở cù lao Tân Quy, cho đến khi vùng này trở thành điểm oanh kích thường xuyên giữa cuộc chiến, người người lũ lượt kéo nhau đi sơ tán. Cả gia đình bà Thủy phải dắt díu chạy về Vĩnh Long tránh bom đạn. Rồi bà Thủy gặp và kết duyên cùng ông Nhiều, kỹ sư đang làm việc ở Cần Thơ.

Cho đến khi hòa bình lập lại, ông Nhiều đưa cả gia đình về lại cù lao, nơi chôn nhau cắt rốn của vợ mình và xúc động nhìn sức sống mãnh liệt của vườn cây: "Vườn lúc đó còn gần 50 cây măng cụt, có đến mười mấy cây bị đạn xé toạc thân mà đến mùa vẫn cho trái oằn cành".

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 3: Nữ hoàng trăm tuổi giữa cù lao Tân Quy - Ảnh 2.

Ông Nhiều bên gốc măng cụt trăm năm tuổi, thân toác gãy do trúng đạn thời chiến - Ảnh: SƠN LÂM

"Cây vàng" dễ trồng

Về lại cù lao, những cây măng cụt từ đời trước truyền lại trở thành nguồn sống quý giá cho cả gia đình ông Nhiều. Gạo không có mà ăn, nhưng măng cụt thì tới mùa rền trái. Có điều thời ấy ai ai cũng đói kém, trái cây chưa được buôn bán nhiều như bây giờ và bán cũng không biết mấy người có tiền mà mua.

Vì tiếc măng cụt để không, ông Nhiều đánh bạo dùng tre lát mỏng, đan hai giỏ cần xé chở gần 50 ký măng cụt trong vườn thả xuồng chèo lên Cần Thơ bán. Lần đầu tiên đem măng cụt ngược dòng sông Hậu ấy, ông Nhiều không nhớ mình bán bao nhiêu hào một ký. Nhưng việc vợ chồng bán hết được măng cụt rồi lấy tiền mua được hai giạ lúa đem về nhà thì suốt đời ông không bao giờ quên. 

"Đó cũng là lần đầu tiên đủ tiền mua được hai giạ lúa, cả nhà mừng không tả nổi", ông Nhiều kể.

Thấy bán được, ông Nhiều lại nhân giống măng cụt trong vườn ra trồng. Nhưng kỹ thuật nông nghiệp thuở ấy còn là điều xa lạ, việc chiết ghép cành không mấy được như ý, ông lại phải lặn lội sang tận vùng Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre để mua giống măng cụt mới. 

Thấy ông Nhiều trồng măng cụt có tiền, người dân trên cù lao Tân Quy cũng bắt đầu dọn vườn, trồng măng cụt theo. Từ đó, những vườn măng cụt rộng ra cả các xã lân cận trên đất liền huyện Cầu Kè, Trà Vinh.

"Măng cụt là thứ cây khá dễ trồng, lại rất phù hợp với đất cù lao này, đặc biệt cây càng lâu năm càng cho trái tốt", ông Nhiều vui vẻ tâm sự. 

Thông thường, măng cụt trồng khoảng 4 năm bắt đầu cho ra trái, 5 năm thì thu hoạch bán có lời. Trong khi đó, việc chăm sóc gần như chỉ vỏn vẹn ở chỗ bồi đất vào gốc, thỉnh thoảng bón thêm các loại phân hữu cơ tự nhiên để tăng dinh dưỡng cho đất.

Ông Nhiều trồng theo lối tự nhiên, không xử lý các loại phân kích thích trái, không xử lý ép nước để kiếm trái nghịch mùa. Chi phí chăm sóc vườn măng cụt vì thế gần như không là gì so với lợi tức mà cây mang lại, dù mỗi năm cây măng cụt chỉ có chừng 3 tháng cho trái. 2,7ha măng cụt của ông Nhiều, những năm được mùa thường thu hoạch gần cả 40 tấn. 

"Còn những cây trăm tuổi này, có mùa trái mỗi cây bán được một cây vàng", ông Nhiều cười hiền lành.

Trái của những cây trăm tuổi trong vườn ông Nhiều thường nhỏ, nhưng múi rất săn, trắng nõn và ít bị mưng mủ, hạt nhỏ. Mỗi múi đều chứa đầy đủ vị chua, ngọt thanh, như cân bằng được tất cả các vị giác trên lưỡi người thưởng thức. Bất cứ ai ăn trái măng cụt này rồi sẽ hiểu vì sao nó được mệnh danh là "nữ hoàng trái cây".

Biến đổi thời tiết uy hiếp măng cụt miền Tây

Sau đợt xâm nhập mặn kỷ lục đầu năm 2016, độ mặn lên đến 45‰ và có nơi xâm nhập sâu đến 70km tính từ cửa sông, cộng với thời tiết thất thường, những mùa mưa kéo dài thay đổi chu kỳ khiến các vườn cây măng cụt ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Trong 4 năm qua, hầu hết các vườn măng cụt đều bị thất trái, giảm sản lượng rất nhiều. Riêng tại cù lao Tân Quy, nơi hiện vẫn có hơn 80ha vườn măng cụt, có nhiều vườn bị giảm gần nửa sản lượng so với khi điều kiện thời tiết thuận lợi và không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà vườn ở Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long... gần đây đốn bỏ măng cụt, chuyển sang nhiều loại cây trồng khác.

Trên những tuyến đường từ Bến Tre qua Trà Vinh trước đây, cứ vào dịp tháng 5, tháng 6 thường rất dễ bắt gặp hàng loạt sạp măng cụt được bày bán dọc hai bên đường, thậm chí người dân còn đổ luôn từng đống măng cụt ra đất để bán vì quá nhiều, những năm gần đây đã không còn thấy cảnh đó nữa.

Nói đến dừa, người ta thường nghĩ về Bến Tre, nhưng ở Cầu Kè, Trà Vinh lại được thiên nhiên ưu đãi giống dừa sáp đặc biệt có giá cao gấp cả chục lần các giống dừa khác.

Kỳ tới: "Trời cho" dừa sáp Cầu Kè

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 2: Thèm quá sầu riêng hạt lép Cái Mơn Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 2: Thèm quá sầu riêng hạt lép Cái Mơn

TTO - Với nhiều người dân trong họ đạo Cái Mơn, chữ Cái Mơn rất giống âm phát ra khi nói Cảm Ơn. Họ cảm ơn vùng đất màu mỡ đã sinh ra nhiều giống trái cây quý hiếm, đặc biệt sầu riêng, thời tiết thuận lợi để vườn tược xanh tốt cho cuộc sống sung túc.

SƠN LÂM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên