Nhãn Bạc Liêu gắn liền với văn hóa lịch sử lâu đời của người Kinh - Khmer - Hoa trong vùng - Ảnh: SƠN LÂM
Mặn mà vị nhãn biển trăm tuổi
Trên con đường này, ấp Giồng Nhãn ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, như chứng tích trăm năm cho vùng chuyên canh nhãn nối liền hai tỉnh ven biển miền Tây.
Giữa trưa, chúng tôi men theo đường tỉnh 31 hai bên đầy nhãn sum suê để tìm về quán A Mật, quán bánh xèo đặc sản ấp Giồng Nhãn. Chưa kịp vào quán, một cô gái bán nhãn có khuôn mặt trái xoan, da trắng đứng sau những rổ nhãn đủ kích cỡ khác nhau ở cổng quán khiến chúng tôi phải dừng chân.
Hỏi ra, cô hàng nhãn tên Cao Xuân Kiều, một họ khá phổ biến ở Bạc Liêu. "Nhãn xuồng, thanh nhãn, nhãn tiêu... đều có. Chứ nhãn biển Bạc Liêu đang nghịch vụ nên ít ai bán lắm", Kiều cười tươi duyên dáng. Rồi không để chúng tôi kịp hỏi thêm, Kiều nói tiếp: "Nhưng mà sau vườn này có mấy cây nhãn biển cổ thụ nè, thích ăn thì ra đây em hái ăn cho biết".
Làm sao mà không nhận lời mời mọc dễ thương đến thế! Chúng tôi theo Kiều ra phía sau, tới gốc nhãn to hơn vòng tay người lớn. Phần gốc này chỉ hơn 1m, bị rễ cây xanh sát bên chồm rễ qua vấn chặt cả phần cụt phía trên.
Nhưng từ gốc nhãn lớn này cho ra hai nhánh to hơn bắp chân người lớn vươn lên cao, xòe lá che rợp cả khoảng đất đủ mấy chục người đứng nương nhờ bóng mát. Thân nhánh của cây có vỏ xù xì, nhiều đoạn nứt toạc lõm sâu đậm vết thời gian. Đặc biệt, trên nhánh có gắn tấm bảng "cây 100 tuổi" nổi bật.
Trong khi chúng tôi đang săm soi cây nhãn cổ thụ thì Kiều đã thoăn thoắt qua nhà hàng xóm cạnh đó mượn một cây sào dài hơn 4m, thọc mạnh lên một chùm nhãn lạc mùa trên cây. Những trái nhãn từ cây trăm tuổi khá nhỏ, vỏ vàng nhạt rơi lụp bụp xuống đất.
Trái cầm vào có vẻ mềm hơn các loại nhãn vẫn bán trên thị trường, vỏ cũng mỏng hơn. Xé ra bên trong hạt khá lớn, thịt cơm bó quanh hạt nhão, trong suốt, chỉ cần ấn mạnh tay đã tan thành nước, tỏa hương thơm lừng.
Chúng tôi thưởng thức vừa có vị ngọt, vừa có vị mặn nhẹ hài hòa nên vị giác lưu lâu nơi cuống lưỡi. Nhãn biển nhìn không bắt mắt như những loại nhãn có cơm dày, khô, có thể dễ dàng dùng tay xé từng thớ thịt như nhiều loại nhãn đang bán trên thị trường hiện nay, nhưng chúng có hương thơm và vị đậm đà rất khác biệt, dễ khiến người ta nhớ lâu hương vị đúng như lời đồn.
"Ngon thơm vậy đó mà nó ướt quá, không khô, nên bán ra thị trường không được như nhiều loại nhãn có cơm khô ráo hiện nay. Giờ chỉ còn mấy cây cổ thụ tới mùa ra trái thì người ta hái bán, chứ ít trồng mới nhãn biển lắm", Kiều dịu dàng nói.
Câu chuyện những loại trái cây cầm bị dính tay, chúng tôi từng được nghe PGS.TS Nguyễn Minh Châu - nguyên viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - kể. Ông cho biết những loại trái cây có cơm ướt, nhão thường mang hương vị đậm đà, thơm ngon hơn như sầu riêng hay mít, chôm chôm...
Nhưng chỉ vì khi ăn dễ bị dính tay, bất tiện nên không phát triển rộng rãi hơn so với các giống có thể cho loại cơm khô. "Thân phận" nhãn biển Bạc Liêu cũng vậy.
Cụ Chu Thị Chương bên gốc nhãn khoảng 140 năm tuổi do ông nội cụ trồng - Ảnh: SƠN LÂM
Một đời nhãn nối bao thế hệ
Cây nhãn cổ chúng tôi vừa thưởng thức hương vị được đính bảng 100 tuổi nhưng tuổi thật thì cao hơn nhiều. Nó cùng tuổi đời với năm cây nhãn trong khuôn viên quán bánh xèo A Mật.
Chúng tôi biết điều đó khi gặp được cụ Chu Thị Chương đang ngồi bán bên sạp nhãn trong chòi gỗ ngăn nắp ngay khuôn viên quán. Cụ Chương đã 82 tuổi, là cháu nội người đã trồng những cây nhãn trên. "Quán này là của cháu gái ruột tui, trước kia đều là đất ông nội tui để lại", giọng cụ Chương phúc hậu.
Bà cụ vừa được con cháu mừng thượng thọ tuổi 82 giữa tháng 9-2019, nhưng từ dáng đi đến bàn tay cân nhãn vẫn giữ được vẻ lanh lẹ từ thời con gái. "Tui sinh ra ngay đất này, đi trên cát biển quen rồi, giờ mấy người trẻ đi bộ chưa chắc lại tui", cụ Chương vui vẻ.
Ông nội cụ Chương về đây kết duyên với cô gái xứ Bạc Liêu và cùng khai khẩn đất này. "Ông nội kể hồi mới về thì đã có giống nhãn biển này rồi. Lúc đó bờ biển gần hơn chứ không xa như giờ. Ông khai phá và trồng gần trăm gốc nhãn", cụ Chương kể.
Trăm gốc cổ thụ trải mấy đời người đó gồm cả gốc nhãn đính bảng "cây 100 tuổi" và những cây đang trong khuôn viên quán. "Chính xác thì tuổi của chúng phải cỡ khoảng 140 năm. Hồi tui còn con gái, chúng đã ra dáng cổ thụ rồi", cụ Chương khẳng định.
Theo cụ Chương, vốn dĩ trái nhãn biển nếu được chăm sóc tốt thì hạt nhỏ và nhiều nước chứ không phải hạt to và ít nước như giờ. "Cây cổ thụ mà để mặc nên cũng dễ suy kiệt, nước ít đi", cụ Chương nói.
Vân vê vào vỏ gốc nhãn xù xì do chính ông nội mình trồng, cụ Chương trải lòng thêm về cả quãng đời hơn 80 năm. Sinh ra bên gốc nhãn, thời con gái cụ Chương cũng đi bán nhãn rồi gặp được chồng, theo chồng ngược ra sống ở Phan Rang, Cam Ranh vào đầu những năm thập niên 1960. Được hơn bảy năm thì cha mẹ già yếu, vườn nhãn không ai chăm, vợ chồng cụ Chương lại về đây gắn bó với vườn nhãn.
Tuổi tác như chớp mắt, con cháu cụ Chương lớn lên đều có nghiệp riêng ổn định. Vườn cổ nhãn từ đời ông nội trồng, cha mẹ cụ Chương chăm bón dần dần cũng tách ra theo từng mảnh đất giao lại cho con cháu. Cụ Chương giờ chỉ chừa lại vườn nhãn nhỏ để hương hỏa ông bà.
Tuổi tác đời người không đua lại những cây nhãn cổ thụ sinh ra trên vùng đất biển. Nhưng cây vườn không có người chăm sóc thì cũng khó tốt tươi. May sao năm 2012, đề án "Bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch" được UBND tỉnh Bạc Liêu tiến hành.
Những cây nhãn của cụ Chương nằm trong số hơn 1.000 gốc nhãn được gắn bảng hiệu "cao tuổi", đưa vào diện đã đền bù và "bất khả xâm phạm" để bảo tồn. "Vậy là nhãn của ông nội tui giờ được Nhà nước giữ cho, khỏi lo bị chặt", cụ già cười giòn buông lời tếu táo sang sảng.
Đề án "Bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch" ra đời năm 2012, khảo sát được 1.190 cây nhãn có tuổi thọ từ 70 đến hơn 100 tuổi, trong đó có nhiều cây hơn 300 tuổi. Chủ nhân các cây nhãn này sẽ được hỗ trợ tiền đền bù để tiếp tục giữ gìn, không đốn bỏ, trồng cây mới.
Bà Cao Xuân Thu Vân, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện đề án đã kết thúc giai đoạn 1 và được UBND tỉnh Bạc Liêu giao nhiệm vụ cho UBND TP Bạc Liêu tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Mục tiêu là tập trung bảo tồn đối với những hộ dân có số lượng nhãn cổ nhiều, diện tích rộng, quy hoạch thành ba cụm khoảng 339 cây nhãn phát triển gắn liền với các đặc điểm văn hóa, ẩm thực của Kinh - Khmer - Hoa để thu hút du lịch.
Chuyện ngộ là cái nắng, cái gió vùng đất giồng biển bị nhiễm mặn nặng nề Gò Công tưởng chừng "không thương" cây trái, lại rất thích hợp cho sơri, loài cây đặc sản bổ dưỡng xuất thân từ bên kia bán cầu...
Kỳ tới: Chuyện lạ sơri Gò Công
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận