11/07/2014 11:31 GMT+7

In sao: ba vòng bảo vệ

H.BÌNH - NGỌC HÀ
H.BÌNH - NGỌC HÀ

TT - Đề thi sau khi soạn xong sẽ được gửi từ “trại làm đề” về Bộ GD-ĐT để chuyển cho các cơ sở in sao trong cả nước.

s79dyTn4.jpg
Đề thi, sau khi in sao, được đóng thành từng kiện để chuyển đến từng điểm thi - Ảnh: Trần Huỳnh

Việc in sao đề thường do một số đơn vị như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM in cho trường mình và những trường khác.

Trước kỳ thi ĐH một tháng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đi tìm thuê khách sạn để làm khu vực in sao đề thi. “Khách sạn C, khách sạn S ở Hà Nội là một trong những nơi đóng quân của ĐH Quốc gia Hà Nội trong việc in sao đề thi ĐH” - một cựu cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội kể lại. Cũng như làm đề, 14 ngày ở nơi in sao đề thi là những ngày “không điện thoại, không thư từ nhắn gửi gì với bên ngoài”.

Mảnh giấy vụn cũng không lọt được ra ngoài

Khu vực in sao đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội đặt tại một khách sạn bí mật và có ba vòng bảo vệ nghiêm ngặt. “Vòng ngoài cùng là mấy anh công an mặc thường phục cấm người bên ngoài vào trong. Vòng thứ hai cũng mấy anh công an canh giữ không cho... người bên trong ra ngoài và ngược lại. Trong cùng là khu vực in sao đề cũng có công an bảo vệ. Khách sạn được chọn là nơi in sao đề thi được rào, lắp cửa thép, tất cả cửa sổ được kiểm tra và niêm phong lại sao cho không thể nhét một mảnh giấy vụn ra ngoài” - vị cán bộ trên kể thêm.

Theo cán bộ này, đĩa chứa dữ liệu đề thi phải có phần mềm chuyên dụng mới mở được. Một người giữ đĩa và một người giữ mật khẩu của đĩa. Người giữ đĩa muốn mở thì không có mật khẩu và người biết mật khẩu thì không có đĩa để mở. Việc mở đĩa dữ liệu được niêm phong phải có mặt của chủ tịch hội đồng tuyển sinh, thanh tra Bộ GD-ĐT và công an. “Ba ông này phải chứng kiến việc mở đĩa và lập biên bản xong mới cho đĩa vào máy xuất dữ liệu” - vị cán bộ kể.

Bên trong khu vực in sao có 8-10 nhân viên phụ trách các công việc như đứng máy in, kiểm tra, đóng gói. Những cán bộ in sao đề thi được triệu tập trong bí mật và địa điểm in sao cũng được giữ kín. Bên trong, sáu máy photocopy siêu tốc được chuyển đến với ba máy làm việc và ba máy để dự phòng. “Dù bất kỳ lý do gì cũng không cho phép máy in bị hỏng. Máy chạy liên tục, in nhiều nghìn đề cho nhiều trường ĐH” - cán bộ in sao đề cho biết thêm.

Sự cố lúc nửa đêm

22g ngày thí sinh làm thủ tục dự thi đợt 1 (ngày 3-7 hằng năm) cũng là lúc các máy in bên trong khu vực in sao đề thi bắt đầu hoạt động. Việc in sao đề dựa vào số lượng các trường đã đặt. Tiếng máy photocopy siêu tốc hoạt động hết công suất. Ông trưởng khu vực in sao đề thi bắt đầu đi qua đi lại kiểm tra, quan sát, đôn đốc. Một cán bộ chuyên đóng túi đề và cầm viết lông màu xanh ghi lên bên ngoài: “Trường ĐH Ngân hàng, phòng thi số 16”. Xong, ông lại ghi vào túi đề khác: “Trường...”.

Máy in đang chạy thì... kẹt mực vì nóng máy quá. Có túi đề tưởng bỏ vào 20 đề nhưng kiểm tra lại chỉ có 19 đề và một... tờ giấy trắng. Để chính xác, cán bộ in sao đề sẽ đếm và kiểm tra từng túi đề một theo đúng số lượng. “Nếu có 20 phòng thi sẽ in 21 túi đề. In như thế để dự trữ phòng trường hợp mỗi phòng thi thiếu một tờ đề thi vẫn có thể xử lý được” - cán bộ in sao đề kể. Cả tổ làm việc và hạ quyết tâm “đúng 4g xong là đúng 4g, không được phép 4g01 phút”.

Thế nhưng, vị cán bộ này kể thêm: có năm in đến 2g, khi đã bỏ đề thi vào 180 túi thì phát hiện một sự cố khiến cả tổ toát mồ hôi hột: đề thi in ra thiếu một câu. Từ đề thi mẫu in ra không hiểu sao một câu mực không ra. Các túi đã niêm phong rồi nên không thể cắt ra để thay vào được. Dùng túi của môn thi hôm sau cũng không được vì những túi đề đó khác màu. Cuối cùng cả tổ nảy ra sáng kiến lấy kéo tỉa cho túi đề thi ngắn lại một tí và gấp xuống được, sau đó thay đề thi khác vào. Cuối cùng đề thi vẫn đúng mà túi niêm phong vẫn nguyên dù... ngắn hơn một tí.

Đúng 4g sáng, các trường sẽ đến nhận đề thi để chuyển về các hội đồng thi.

Buổi sáng trước buổi thi, khi thí sinh được giám thị gọi tên vào phòng thi, hồi hộp chờ nhận đề thì bên trong trại ra đề thi tất cả giáo viên đều tập trung trước chiếc điện thoại để nhận thông tin phản hồi từ bên ngoài. Và cứ mỗi lần điện thoại “reng, reng, reng...” là những người làm đề lại giật thót vì không biết có chuyện gì liên quan đến đề thi hay không.

aupD9XEy.jpg
Trước giờ thi - Ảnh: Như Hùng

Thót tim nghe tiếng điện thoại reng

Sáng sớm ngày thi ĐH, trên các nẻo đường ở những thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ...thí sinh và phụ huynh tất tả đến hội đồng thi.

Cũng thời điểm ấy, tại điểm ra đề thi ở một khách sạn Hà Nội những giáo viên cũng tập trung trong một phòng lớn để trực đề. Sau ba tuần dồn tâm sức làm ra đề thi, họ cũng hồi hộp không kém thí sinh sắp cầm trên tay đề thi. “Đề thi có khó quá, dễ quá với thí sinh hay không, có sai sót nào mình không lường trước được không, xã hội đón nhận đề thi như thế nào. Hàng ngàn câu hỏi của người ra đề ập đến lúc thí sinh bước vào phòng thi” - một cán bộ ra đề từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) kể.

“Reng, reng, reng...” - thí sinh vừa được phát đề ít phút thì điện thoại trong khu vực làm đề đổ chuông dồn dập. Mọi người đổ dồn sự chú ý của mình vào đó. “Nghe xem có chuyện gì” - tiếng ai đó nói. “Này, chuông của ông đấy” - một ông giáo sư nói đùa. Nhấc máy, đầu dây bên kia nói: “Thầy vui lòng ra nhận báo vừa chuyển đến ạ”. Cả tổ ra đề thở phào nhẹ nhõm.

Cũng thời điểm ấy, nơi in sao đề thi trong cả nước túc trực để xử lý những tình huống liên quan đến thiếu - đủ đề thi từ các hội đồng thi...

Một cán bộ ra đề thi kể đến ngày thi, thí sinh vào thi môn nào thì giáo viên ra đề môn thi đó sẽ “trực đề”. Bắt đầu từ thời gian mở đề sẽ có người trực để xem hội đồng thi có thắc mắc gì về đề thi phải giải thích. Trực xem đề thi có sai sót gì không. Người làm đề sẽ trực với trưởng ban ra đề và công an. Môn nào cũng có người trực như thế. Môn hóa có người trực môn hóa, môn toán có người trực môn toán. Sau 2/3 thời gian làm bài mà không có vấn đề gì sẽ không trực nữa. “Khi ấy mà nghe điện thoại lo chứ. Chẳng biết đề mình làm có sai sót gì không”- vị cán bộ kể thêm.

Sau 2/3 thời gian làm bài thi, thí sinh lác đác nộp bài để rời phòng thi. Công việc trực đề đã xong, các cán bộ ra đề trở về phòng mình và... theo dõi tình hình thi cử qua tivi. “Xong buổi thi đó ai cũng chú trọng xem tivi. Những bản tin thời sự về tình hình đề thi, đáp án được theo dõi sát sạt. Đề thi của mình ra thế nào, học sinh, giáo viên, dư luận xã hội đánh giá thế nào, bình luận ra sao. Khi ấy các kênh như HTV, VTV, truyền hình thanh niên đưa tin về kỳ thi được theo dõi không bỏ một giây...” - vị cán bộ kể lại.

Môn thi cuối cùng kết thúc, giáo viên mới được “xả trại” để về nhà.

Kỳ tới là “nhật ký” của một trưởng ban in sao đề tại TP.HCM, vừa được gửi đến tòa soạn.

Kỳ tới: 20 ngày trong “trại in sao”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Cuộc gọi từ Bộ Giáo dục-đào tạo Kỳ 2: Trong “đại bản doanh” làm đề Kỳ 3: Làm đề như thế nào? Kỳ 4: Electron hay êlectrôn? Kỳ 5: Mời giáo viên... đóng vai thí sinh Kỳ 6: “Dậy, dậy đi, tất cả dậy” Kỳ 7: Đi mua... đề thi Kỳ 8: “Đề thi” bị... say rượu

H.BÌNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên