Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi - Ảnh: REUTERS
Ngày 20-10, báo Guardian dẫn lời ông Rafael Grossi, tổng giám đốc IAEA, cho rằng các nước khác có thể bắt chước Úc và xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân, một vấn đề gây nhiều quan ngại nghiêm trọng.
Theo thỏa thuận AUKUS công bố vào giữa tháng 9-2021, Úc sẽ có một hạm đội tàu ngầm với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh. Nếu kế hoạch được tiến hành như dự kiến, xứ sở chuột túi sẽ là quốc gia đầu tiên không có vũ khí hạt nhân sở hữu loại tàu ngầm này.
Thỏa thuận bộc lộ "vùng xám" của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân 1968, theo đó cho phép bên tham gia hiệp ước loại bỏ các nguyên liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát của IAEA để sử dụng cho tàu ngầm.
Quy trình để IAEA đảm bảo rằng các nhiên liệu này không bị sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, ông Grossi cho rằng các nước có thể coi Úc là tiền lệ để phát triển đội tàu ngầm hạt nhân riêng. Canada và Hàn Quốc đều đã dự tính đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể ở dưới nước lâu hơn và vận hành êm ái hơn so với các tàu ngầm thông thường. Brazil cũng đang có một dự án tàu ngầm hạt nhân.
IAEA cũng lưu ý rằng Iran đã thông báo cho cơ quan này năm 2018 về ý định bắt đầu chương trình động cơ đẩy hạt nhân cho hải quân.
Theo ông Grossi, thách thức về kỹ thuật sẽ là rào cản để các nước bắt chước Úc. "Để lò phản ứng hạt nhân trên tàu hoạt động an toàn là một điều rất khó", ông nhắc lại rằng thỏa thuận AUKUS nhằm đảm bảo việc chuyển giao công nghệ cho Úc một cách an toàn và không làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận