Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh tháng 6-2021 - Ảnh: GETTY
Tuy nhiên, người Pháp đã bị một cú "đâm sau lưng" như lời của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói về quan hệ đối tác ba bên Mỹ - Anh - Úc nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS.
Đừng đánh giá thấp phản ứng ở Paris. Đó không chỉ là sự tức giận mà còn là cảm giác bị phản bội thực sự vì Anh, Mỹ và Úc đã thương lượng sau lưng họ trong 6 tháng.
Cựu đại sứ Anh tại Pháp Peter Ricketts viết trên Twitter
Rạn nứt nghiêm trọng
Bị hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá khoảng 40 tỉ USD bởi một thỏa thuận bất ngờ từ ba quốc gia đồng minh khác vào phút chót không phải là một trải nghiệm dễ dàng đối với người Pháp.
Ngoại trưởng Drian tuyên bố một cách giận dữ: "Việc từ bỏ dự án tàu ngầm... là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác". Ông Drian cũng so sánh động thái của Mỹ với sự thay đổi chính sách hấp tấp và đột ngột thường thấy trong chính quyền Trump.
Về bản chất, cơn bão ngoại giao này xuất phát từ việc ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp bị mất một hợp đồng nhiều chục tỉ đôla.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là một hợp đồng ngon lành bị mất vào phút chót. Đó là việc nước Pháp cảm giác bị phản bội bởi các quốc gia đồng minh có cùng lợi ích và tầm nhìn chung về một thế giới dựa trên luật lệ.
Mỹ, Anh và Pháp đều là thành viên của nhóm các quốc gia dân chủ giàu có G7 và liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, trong khi Úc cũng là một đồng minh thân thiết của cả ba nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Do đó, việc Pháp bị chưng hửng với "phi vụ đi đêm" của Mỹ, Anh (đã rời EU) và Úc là điều có thể hiểu được.
Mỹ đã cố gắng kiềm bớt cơn giận của nước Pháp. Vào hôm 16-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh Pháp là "một đối tác quan trọng" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới, và "không có sự chia rẽ khu vực nào ngăn cách lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của chúng tôi".
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden sẽ nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "sớm" nhưng lại không đề cập liệu Washington đã liên lạc với Paris để lên kế hoạch hay chưa.
Tuy nhiên, mặc cho các xoa dịu mang tính ngoại giao từ Mỹ, Pháp vẫn quyết định triệu hồi các đại sứ của họ tại Mỹ và Úc vào hôm 17-9, đánh dấu một trong những rạn nứt nghiêm trọng nhất giữa các đồng minh kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Nước Pháp không thể dễ dàng xuống thang. Tổng thống Pháp Macron, hiện đang bị chỉ trích từ các đảng cực hữu về việc nước Pháp bị sỉ nhục bởi vụ AUKUS, sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 năm sau.
Paris sẽ đáp trả nếu không được bù đắp cho những gì họ đã mất trong năm chuẩn bị bầu cử này.
Nga, Trung "ngư ông đắc lợi"
Sự kiện thỏa thuận ba bên AUKUS về bản chất nhằm mục đích tăng cường khả năng phối hợp phòng thủ của các quốc gia này khi đối mặt với thách thức và đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với hợp đồng đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Mỹ hy vọng Úc sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ổn định khu vực quần đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thay vì củng cố sự đoàn kết thống nhất trong các quốc gia phương Tây, nó đã gây ra sự rạn nứt để các quốc gia khác lợi dụng.
Bất kỳ mâu thuẫn nào giữa các đồng minh phương Tây cũng đều là cơ hội tốt để Trung Quốc và Nga lợi dụng để cảnh báo với các quốc gia khác trong các thể chế đa phương do Mỹ lãnh đạo rằng Mỹ sẵn sàng theo đuổi lợi ích riêng và bỏ rơi các quốc gia đồng minh.
Chẳng hạn, khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan theo thỏa thuận và không còn ủng hộ trực tiếp Tổng thống Ashraf Ghani, chính quyền này đã sụp đổ. Trung Quốc đã nhấn mạnh đây là hành động Mỹ bỏ rơi đồng minh.
Điều này cũng đúng như tuyên bố chung của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Pháp rằng: "Việc Mỹ lựa chọn loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác mang tính cơ cấu với Úc, vào thời điểm chúng ta đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho dù xét về giá trị của chúng ta hay về sự tôn trọng chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng pháp quyền, đều cho thấy sự thiếu chặt chẽ. Pháp chỉ có thể ghi nhận và lấy làm tiếc".
Nước Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo các quốc gia đồng minh và đối tác khác không mất niềm tin vào một thế giới tốt đẹp hơn do Mỹ lãnh đạo.
Mâu thuẫn trong NATO
Đây không phải là lần đầu tiên mà người Pháp cảm thấy bị tổn thương bởi những hành động của Mỹ. Người Pháp luôn than phiền Mỹ đang làm xói mòn các nền tảng của liên minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) khi giảm mức độ cam kết với NATO và ít tham vấn các đồng minh.
Vào tháng 10-2019, Mỹ đã đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền bắc Syria mà không tham vấn với các thành viên chủ chốt NATO khiến Tổng thống Pháp Macron phải phàn nàn là "Mỹ không thèm phối hợp khi đưa ra các quyết định mang tính chiến lược với các đồng minh NATO".
Nhưng cao điểm của cuộc mâu thuẫn trong nội bộ NATO giữa Mỹ, Anh với các quốc gia châu Âu lục địa Pháp, Đức là cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003.
Tổng thống Pháp Jacques Chirac và thủ tướng Đức Gerhard Schroeder luôn công khai phản đối Mỹ mở cuộc tấn công lật đổ chính quyền Saddam Hussein ở Iraq. Còn trong thời kỳ Chiến tranh lạnh thì tổng thống Pháp De Gaulle từng rút nước Pháp ra khỏi khối NATO.
Pháp và Đức luôn có cảm giác NATO chỉ là công cụ quân sự của Mỹ thay vì một khối liên minh an ninh tập thể chung. Chính vì vậy, Pháp và Đức theo đuổi ý tưởng thành lập quân đội riêng cho Liên minh châu Âu (EU) thay vì lệ thuộc vào NATO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận