18/09/2021 13:12 GMT+7

Toan tính của Mỹ với Hiệp định AUKUS

ThS LỤC MINH TUẤN (Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
ThS LỤC MINH TUẤN (Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Nước Mỹ không chỉ đang tăng cường đối trọng với các đối thủ chiến lược bên ngoài mà còn phải ra sức ứng phó với các mâu thuẫn và sự cạnh tranh lẫn nhau từ chính các khối đồng minh.

Toan tính của Mỹ với Hiệp định AUKUS - Ảnh 1.

So sánh ảnh hưởng của Mỹ với ảnh hưởng của trục Nhật - Ấn trong bối cảnh khối QUAD mở rộng - Nội dung: Lục Minh Tuấn - Đồ họa: T.ĐẠT

Sự xuất hiện của Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) giữa Mỹ, Úc và Anh đã khiến nước Pháp tức giận không chỉ vì mất đi hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD cho Úc.

Xích mích Anh - Pháp

Với tư cách là quốc gia xuất phát chậm hơn trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thật khó khăn cho nước Anh thời Thủ tướng Boris Johnson khi phải tìm kiếm một chiến lược tiếp cận hiệu quả dựa trên nền tảng các hiệp ước đã lỗi thời như Liên minh Ngũ nhãn (FVEY) từ năm 1941 hay Hiệp ước Phòng thủ ngũ cường (FPDA) ký kết từ năm 1971.

Trong khi đó, Pháp đã cơ bản kiện toàn "ba mũi giáp công" theo hướng chủ lực từ khu vực Nam Thái Bình Dương (Hội nghị thượng đỉnh Pháp - châu Đại Dương) rồi tiếp cận sang Ấn Độ Dương (tam giác đối thoại Pháp - Ấn - Úc, từ tháng 9-2020) và biển Hoa Đông (tam giác hải quân Pháp - Mỹ - Nhật, từ tháng 5-2021).

Do đó chỉ cần xây dựng thêm nền tảng hợp tác ba bên Pháp - Nhật - Úc thì xem như nước Pháp thời Tổng thống Emmanuel Macron đã hoàn thành tiếp cận với cả 3 cạnh chủ lực của Bộ tứ (QUAD) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.

Nếu thành công, Pháp sẽ duy trì lợi thế ảnh hưởng tuyệt đối ở khu vực trong tương quan so sánh với nước Anh. Nhiều chỉ dấu cho thấy ông Macron đang đẩy nhanh hướng đi đầy triển vọng này, khi vừa hoàn thành đối thoại chiến lược không chính thức theo định dạng 2+2 với Úc vào tháng 8 năm nay.

Đúng thời điểm này, sự ra đời của khối AUKUS đã giáng một đòn nặng nề vào viễn cảnh thắng lợi mà nước Pháp đang tiệm tiến, khi Úc quyết định hủy hợp đồng xây dựng hạm đội tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Pháp để chuyển sang "ký" hợp đồng mới với Mỹ và Anh.

Quyết định "đổi phe" của Úc qua AUKUS không chỉ khiến Pháp bị thiệt hại tài chính, tạo nên khủng hoảng niềm tin của dư luận trong nước đối với các dự án chiến lược thời chính phủ Macron, mà còn giảm hẳn lợi thế so sánh của cường quốc này trong tương quan với trục Anh - Mỹ.

Để xoa dịu Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã liên tục liên lạc để nhấn mạnh rằng Paris là một đồng minh quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ muốn kiểm soát trục Nhật - Ấn

Sau thất bại của chính quyền tiền nhiệm trong việc chuyển hóa khối QUAD thành "NATO châu Á" với sự lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ, chính quyền ông Joe Biden đã khéo léo nương theo các định hướng "phi quân sự hóa" mà trục Nhật - Ấn chủ trương kiến tạo, gồm ba trụ cột hợp tác: môi trường, chuỗi cung ứng và y tế. Người Mỹ đã mong muốn bằng cách này sẽ giữ được trục Nhật - Ấn trong quỹ đạo điều phối.

Tuy nhiên, Nhật - Ấn không chỉ tự củng cố các trụ cột hợp tác chiến lược song phương mà còn sớm kiến tạo thêm một loạt 3 tam giác mới. 

Đó là chuỗi cung ứng Nhật - Ấn - Úc với Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng từ tháng 8-2020, về đầu tư Nhật - Ấn - Nga nhằm tập trung phát triển khu vực Viễn Đông của Nga từ tháng 1-2021 và mới đây là tam giác đối thoại Nhật - Ấn - Ý từ tháng 6-2021. 

Mục đích của Nhật - Ấn là vừa tăng cường độc lập đối ngoại vừa giảm thiểu ảnh hưởng một chiều từ phía Mỹ, trong kịch bản QUAD có thể mở để bao gồm các thành viên thân Mỹ trong tương lai gần.

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của tam giác AUKUS đã giúp Mỹ ngăn được Úc tham gia quỹ đạo của trục Nhật - Ấn. 

Mặt khác, mở thêm khả năng mở rộng khối QUAD cho các quốc gia có ràng buộc đồng minh với trục Mỹ - Úc như Anh trong khuôn khổ AUKUS, New Zealand theo khuôn khổ Hiệp ước an ninh Úc - New Zealand - Mỹ (ANZUS) và Canada trong khuôn khổ FVEY.

Nhờ vào đó, Washington sẽ tăng đối trọng với các tam giác không có Mỹ tham gia do trục Nhật - Ấn tự xây dựng. Sự tham gia của Úc vào quỹ đạo tiệm cận với Mỹ khiến cho trục Nhật - Ấn mất đi nhiều lợi thế ảnh hưởng, trong bối cảnh QUAD mở rộng mạng lưới liên kết về sau.

Không quá khó hiểu khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi quyết định "chuyển phe" của Úc là một đòn "đâm sau lưng". Sự tồn tại của AUKUS cho thấy chính quyền ông Biden đã "lựa chọn đồng minh" thay vì "bảo toàn đại cuộc" như thời của người tiền nhiệm Donald Trump.

EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hôm 16-9, Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi bị bất ngờ với thỏa thuận hợp tác AUKUS của bộ ba Mỹ - Úc - Anh.

Theo báo South China Moring Post, chiến lược này cho rằng căng thẳng tại các điểm nóng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và thịnh vượng của châu Âu, khi khoảng 40% thương mại của châu Âu đi qua khu vực này.

Do đó, EU sẽ tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực về quốc phòng, chính trị và cả thương mại, y tế, hạ tầng, dữ liệu, môi trường… cũng như triển khai hải quân để bảo vệ sự tự do đi lại và các đường liên lạc dưới biển tại đây.

Thỏa thuận AUKUS của Mỹ, Úc, Anh có phải là liên minh chống Trung Quốc? Thỏa thuận AUKUS của Mỹ, Úc, Anh có phải là liên minh chống Trung Quốc?

TTO - Mỹ, Anh và Úc đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Cú bắt tay này không chỉ đơn thuần là cùng hợp tác để chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Úc.

ThS LỤC MINH TUẤN (Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên