Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm trên đàn chim yếnTrong tháng 4-2013, kiểm tra H5N1 tất cả nhà nuôi yến ở TP.HCMBộ đề nghị công bố dịch, Ninh Thuận chưa chịu
Phóng to |
Nhân viên thu gom tổ yến tại rạp hát Thanh Bình - Ảnh: Tiến Thành |
Ngày 20-4, việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng bên trong rạp hát Thanh Bình (592 Thống Nhất, P.Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), nơi có đàn yến nuôi của Công ty cổ phần Yến Việt bị dịch cúm H5N1 vẫn tiếp tục diễn ra. Khu vực trước rạp hát khá thoáng đãng bởi các hộ dân bán bánh mì, quán cóc, thợ sửa xe... đã được giải tán. Hai nhân viên bảo vệ túc trực thường xuyên trước cửa rạp hát, không cho bất kỳ ai không có nhiệm vụ đến khu vực này.
Chưa diệt triệt để mầm bệnh
Lực lượng thú y đã lần thứ ba tiêu hủy chim yến chết được thu gom trong nhà nuôi yến ở rạp hát Thanh Bình với số lượng hàng chục ngàn con, riêng lần này số lượng chim yến chết do phun thuốc tiêu độc khử trùng ít hơn, khoảng 10kg.
Một nhân viên thú y cũng cho hay đã “dọn dẹp” sạch sẽ bên trong rạp hát Thanh Bình như lấy toàn bộ tổ yến, tiêu diệt chim yến yếu không đi kiếm mồi vào ban ngày và gom hết phân yến rồi vệ sinh, phun thuốc khử trùng. Hiện lực lượng chức năng không tiêu hủy toàn bộ đàn yến trưởng thành mà vẫn để chúng đi về để tiếp tục giám sát theo phương án đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo.
Đồng Nai lấy mẫu chim yến kiểm tra cúm H5N1 Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết sẽ lấy mẫu chim yến tại các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa để xét nghiệm virút cúm A/H5N1. Đồng thời sẽ có những khuyến cáo để những cơ sở nuôi yến biết cách hạn chế dịch bệnh có thể bùng phát. Theo kết quả điều tra vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 130 cơ sở nuôi chim yến. Tại TP Biên Hòa, việc nuôi chim yến đã bị UBND TP cấm từ ngày 4-5-2012, nhưng đến nay toàn TP vẫn còn hơn 10 cơ sở nuôi chim yến.T.Biên |
Việc không tiêu hủy ngay toàn bộ đàn yến nuôi ở ổ dịch tại rạp hát Thanh Bình khiến người dân lo lắng. Ông Hồ Văn Ninh (55 tuổi, ở hẻm 586 Thống Nhất, TP Phan Rang - Tháp Chàm, gần rạp Thanh Bình) nói suốt mấy tuần qua gia đình ông sống trong lo lắng cực độ. “Chúng tôi lo lắng nhất là chim yến lây virút H5N1 sang người như các loài gia cầm khác. Ở đây đã có trường hợp chim yến chết rơi trong hẻm nhà dân nên nguy cơ lan truyền dịch rất cao. Không bít hết các lối ra vào nhà nuôi yến và tiêu diệt “trọn gói” số yến này dẫn đến nguy cơ những con yến khi bị mất tổ, cảm nhận được mùi thuốc tiêu độc, chúng sẽ bay đi nơi khác tìm nơi trú ngụ và có thể trong số đó có nhiều con bị nhiễm virút H5N1 nhưng chưa phát bệnh. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến lan truyền dịch trên diện rộng” - ông Ninh bức xúc.
Thực tế, mối lo ngại này từng được ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) - nêu ra tại cuộc họp báo cáo kết quả giám sát đàn yến bị dịch bệnh H5N1 với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận. “Không diệt trọn mầm bệnh là không yên tâm” - ông Bình nói tại cuộc họp.
Chiều 20-4, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bình nói: “Việc xử lý phải theo từng bước một vì đây là lần đầu tiên xảy ra dịch trên chim yến nên cần phải vừa xử lý vừa giám sát, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt diệt sạch mầm bệnh trong nhà nuôi, tiếp đó theo dõi chặt chẽ, xét nghiệm tiếp tục đối với đàn yến trưởng thành có vẻ bề ngoài khỏe mạnh, sau đó tính tiếp việc xử lý đối với chúng”.
Ông Bình nói Cơ quan Thú y vùng 6 tạm chấp nhận phương án xử lý này vì qua giám sát nhiều ngày cho thấy chim yến khó lây bệnh lẫn nhau vì kiếm ăn đơn độc và chỉ cặp tối đa một chim khác khi về tổ, tỉ lệ chim yến sống mắc virút H5N1 không nhiều qua các xét nghiệm và có thể đó là mẫu lấy từ các chim yến yếu...
Tổ yến rớt giá nặng
Mấy ngày nay, ông Lê Văn Kim (60 tuổi, hộ nuôi yên trú tại số 75/17/224 Ngô Quyền, P.Đạo Long) như ngồi trên lửa vì nhà nuôi yến rộng 100m2 của gia đình ông đầu tư hơn 1 tỉ đồng mới hoạt động khoảng ba tháng nay, thu hút khoảng 200 con yến. “Tôi rất lo lắng khi tỉnh công bố dịch H5N1 trên chim yến. Lo vì một phần sợ dịch lây lan, bao nhiêu công sức và tiền của mình đầu tư mất sạch; phần khác là sản phẩm từ chim yến bị rớt giá, hiệu quả kinh tế không cao”. Còn ông chủ một nhà nuôi yến đang tiến hành xây dựng nói: “Mấy ngày nay, khi lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng rạp hát Thanh Bình, tôi thấy lượng yến về giảm rõ rệt, không biết mình làm nhà yến xong có dụ được yến vô không nữa”.
Chiều 20-4, chúng tôi đến một số cửa hàng mua bán sản phẩm yến sào ở TP Phan Rang - Tháp Chàm và nhận thấy những nơi này vắng hẳn khách đến mua so với mọi khi.
Chiều 20-4, ông Nguyễn Trọng Tấn - giám đốc marketing của Công ty cổ phần Yến Việt - cho biết việc tiêu hủy đàn yến gần 100.000 con ở rạp hát Thanh Bình khiến công ty này bị tổn thất đáng kể. “Chúng tôi nghĩ Nhà nước nên sớm xây dựng quy định về hỗ trợ người nuôi yến khi xảy ra dịch bệnh, phải tiêu hủy đàn. Nếu không thì các cá nhân, doanh nghiệp nuôi loài chim này sẽ bị thiệt hại về vật chất rất lớn”.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, đến chiều 20-4 lực lượng thú y đã thu được 110kg tổ yến ở rạp hát Thanh Bình và đã niêm phong, chờ xử lý nhiệt. “Chúng tôi sẽ kiểm tra mẫu tổ yến lấy tại ổ dịch này trước và sau khi xử lý nhiệt để đánh giá mức độ an toàn rồi mới quyết định có cho doanh nghiệp đưa ra thị trường hay không” - ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận