18/04/2013 08:58 GMT+7

Bộ đề nghị công bố dịch, Ninh Thuận chưa chịu

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Chiều 17-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp để bàn, thống nhất xây dựng thông tư tạm thời về quản lý, nuôi chim yến.

Sau khi kết thúc cuộc họp, trao đổi về việc cơ quan chức năng đã phát hiện cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại hai hộ nuôi ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, nhưng tỉnh Ninh Thuận đang chờ ý kiến của bộ công bố dịch, ông Vũ Văn Tám cho biết Cơ quan thú y vùng 6 là cơ quan chuyên môn của Cục Thú y, là cơ quan tham mưu giúp Bộ NN&PTNT. Vì thế, những kết luận, khuyến cáo của Cơ quan thú y, của Cục Thú y cũng là những kết luận, khuyến cáo của Bộ NN&PTNT.

“Tại cuộc họp chiều 16-4, ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, đã khuyến cáo, đề nghị tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến nuôi. Đây là quy định trong phòng chống dịch cúm gia cầm đã được Bộ NN&PTNT hướng dẫn từ rất lâu rồi. Còn nếu vì lý do nào đó mà địa phương cho rằng chưa nên công bố dịch thì Ninh Thuận cần có văn bản báo cáo với Bộ NN&PTNT” - ông Tám nói.

Về thông tư tạm thời về quản lý, nuôi chim yến, ông Tám cho biết đây là một vấn đề rất mới, việc quản lý chim hoang dã rất khó. Mà chim yến không hẳn là nuôi, người nuôi không phải cho ăn, chỉ dẫn dụ về rồi tổ chức khai thác.

Trong khi đó, đến cuối giờ chiều 17-4, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa công bố dịch cúm A/H5N1 xảy ra trên chim yến nuôi tại hai hộ ở P.Đạo Long (TP Phan Rang - Tháp Chàm).

Ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 (Cục Thú y) - cho biết lần đầu tiên cơ quan này phát hiện virút cúm A/H5N1 trong các mẫu chim yến sống và phân chim yến lấy tại nhà nuôi ở rạp hát Thanh Bình (P.Đạo Long). “Đây là số mẫu được lấy trong ngày 15-4, ngày giám sát cuối cùng của cơ quan chúng tôi tại các ổ dịch. Kết quả này cho thấy mầm bệnh H5N1 trên chim yến nuôi tại đây đã bắt đầu phát triển, lây lan. Virút H5N1 xuất hiện trên phân chim là rất đáng ngại, nếu chậm công bố dịch và tiêu hủy đàn yến, sản phẩm yến ở hai hộ nuôi yến tại P.Đạo Long thì nguy cơ mầm bệnh lan nhanh, rất nguy hiểm” - ông Bình nói. Trước đó, hôm 12-4, Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu chim yến sống nuôi ở rạp hát Thanh Bình đưa đến Viện Dịch tễ trung ương xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính với virút H5N1.

Trong diễn biến liên quan, chiều 17-4, ông Nguyễn Đình Thạnh - trạm trưởng Trạm thú y huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) - cho biết kết quả xét nghiệm của Cơ quan thú y vùng 6 cho thấy mẫu vịt chết tại thôn Trà Giang 1 (xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn) bị nhiễm virút cúm A/H5N1. Theo Cơ quan thú y vùng 6, nếu không tính hai ổ dịch chim yến nuôi vừa phát hiện, thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005 tại Ninh Thuận xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm nuôi. Cơ quan thú y đã tiêu hủy toàn bộ 2.000 con vịt tại hộ này, đồng thời tiếp tục khoanh vùng tiêu độc khử trùng các hộ nuôi vịt khu vực lân cận.

Ngày 17-4, ông Lê Minh Khánh, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết trong những ngày qua, tỉnh đã phát hiện hai ổ cúm A/H5N1 trên đàn chim trĩ nuôi tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành và đàn gà 740 con, nhưng có 130 con chết ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. Ngành thú y đã tiêu hủy toàn bộ hai đàn này và xử lý tiêu độc, sát trùng, tiêm phòng cho đàn gia cầm trong phạm vi bán kính 1km.

* Ngày 17-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định 40% trường hợp nhiễm virút cúm gia cầm H7N9 không hề tiếp xúc với gia cầm. Do đó không thể loại trừ khả năng virút H7N9 lây lan từ người sang người.

Còn nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố hiện đã có 77 người nhiễm virút H7N9, trong đó có 16 trường hợp tử vong.

Hôm 16-4, thành phố Nam Kinh xác nhận mẫu thử chim bồ câu chết tại thành phố này cho kết quả dương tính với virút H7N9.

4 tháng nữa có văcxin ngừa cúm H5N1 trên người

Sau tám năm nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật, người tình nguyện nhóm nhỏ và nhóm lớn, ngày 17-4, Bộ Y tế đã làm việc với nhóm nghiên cứu văcxin ngừa cúm gia cầm H5N1 trên người và Công ty Sản xuất văcxin và sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư). Theo thông tin từ Bộ Y tế, thử nghiệm trên 1.000 người tình nguyện tiêm ngừa bằng văcxin H5N1 đã cho kết quả văcxin đảm bảo an toàn và hiệu quả phòng bệnh, với phác đồ tiêm 2 mũi trong 28 ngày. Theo Bộ Y tế, nhanh nhất là sau bốn tháng nữa, văcxin này có thể có mặt trên thị trường.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên