Hướng tới miễn viện phí toàn dân: Bài toán cần tính kỹ

Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chú trọng phát triển ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và xem xét tiến tới năm 2030 có thể miễn được viện phí cho toàn dân là hướng đến mục tiêu rất nhân văn mà người dân mong chờ.

miễn viện phí - Ảnh 1.

Người dân nộp tiền khám sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tại buổi gặp mặt các cán bộ công an từng chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ chú trọng phát triển y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.

Trước đó tại buổi họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15-3, Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho nhân dân được hay không?". Và ông đề nghị nếu có thể, các cơ quan hãy bổ sung ngay mục tiêu này vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia y tế và người dân đều cho rằng cùng với chính sách miễn học phí đang chuẩn bị được thực hiện, định hướng miễn viện phí cho toàn dân sẽ là bước tiến lớn hướng tới công bằng, mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội.

Bệnh nhân nghe rất mừng

Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã từng chứng kiến không ít người bệnh phải bán cả gia tài để điều trị bệnh nan y. Hay có những bệnh nhân phải dừng điều trị vì không đủ điều kiện kinh tế. Bởi vậy nếu người dân - ai cũng như ai - được chăm sóc sức khỏe tốt, được giải quyết gánh nặng kinh tế đều rất vui mừng.

Bà Ngô Thị Loan (55 tuổi, bệnh nhân ung thư vú tại Đà Nẵng) nói rằng nhà ai có người bệnh ung thư là gần như khánh kiệt. Nếu Nhà nước lo được phần viện phí thì không chỉ cứu bệnh nhân mà cứu luôn cả người thân của họ.

"Tôi nghe Nhà nước đang định hướng miễn 100% viện phí mà vừa mừng vừa rưng rưng. Tôi mong chính sách này được thực hiện sớm, để những người như chúng tôi bớt lo mà có thêm hy vọng", bà Loan chia sẻ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30 đến 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, cho thấy rào cản tài chính vẫn đang khiến nhiều người dân chưa thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết.

Tại TP.HCM - nơi tập trung những bệnh viện tuyến cuối hàng đầu cả nước, không khó để bắt gặp hình ảnh những bệnh nhân phải vượt hàng trăm cây số để được điều trị. Trong hành trình đi tìm sự sống, có những người bệnh không gục ngã trước căn bệnh mà lại vỡ vụn trước những khoản chi phí điều trị quá đắt đỏ. 

Thực trạng này đang diễn ra mỗi ngày tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Ung bướu TP.HCM - nơi không thiếu kỹ thuật tiên tiến và bác sĩ giỏi, nhưng lại có quá nhiều bệnh nhân phải rời viện giữa chừng vì… hết tiền.

miễn viện phí - Ảnh 2.

Người dân làm các thủ tục tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thách thức và nhiều khó khăn

Trong bối cảnh đó, mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân là "cứu cánh" cho rất nhiều người bệnh, đặc biệt là các gia đình khó khăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, để hiện thực hóa ý tưởng này tại nước ta trong giai đoạn hiện nay thì vô cùng thách thức và nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực kinh tế phải dồi dào và cần nhiều thời gian.

Hiện nay trên thế giới cũng không nhiều các quốc gia chăm sóc y tế miễn phí cho người dân. Các nước đã thực hiện chính sách này chủ yếu là các nước có thu nhập bình quân đầu người cao, dân số ít. 

Một số nước hiện miễn phí toàn bộ chăm sóc y tế cho người dân gồm Phần Lan (5,5 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người hiện nay vào khoảng 64.400 USD), Thụy Điển (10,2 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 71.700 USD), Canada (40 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 60.800 USD), New Zealand (5,2 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 52.000 USD).

Trong khi đó nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ (70.000 USD) nhưng dân số đông lên đến 350 triệu dân cũng chưa thể miễn phí y tế cho toàn dân được. Tại nước ta, hiện GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 5.000 USD/năm, dân số hơn 100 triệu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, việc miễn 100% viện phí không đơn giản như miễn học phí bởi chi phí điều trị của mỗi bệnh nhân khác nhau, có người chỉ vài trăm nghìn cho một lần khám, nhưng cũng có người phải chi trả đến vài tỉ đồng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. 

Ngoài phần được bảo hiểm y tế chi trả, còn nhiều loại thuốc mới, đắt tiền mà bảo hiểm chưa hỗ trợ, đòi hỏi sự chia sẻ thêm từ người bệnh.

"Trong bối cảnh các bệnh viện đang thực hiện tự chủ, đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ hưởng lương như người lao động thông thường, nếu triển khai chính sách miễn viện phí cần có song song các cơ chế đảm bảo nguồn lực, giữ chân nhân lực chất lượng cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị. Đây là bài toán của trung ương cần tính toán kỹ lưỡng", bác sĩ Hùng nêu vấn đề.

miễn viện phí - Ảnh 3.

Người dân làm thẻ đăng ký khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bắt đầu từ bảo hiểm y tế

Để tiến đến miễn phí y tế đòi hỏi sự phân bổ ngân sách rất lớn cho ngành y tế và cần thời gian. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiến đến miễn phí y tế toàn dân thì phải đi từng bước. 

Nghĩa là không phải tất cả bệnh nhân khi vào bệnh viện điều trị bất kỳ bệnh lý nào cũng miễn viện phí toàn bộ, mà thời gian đầu chỉ miễn phí cho những nhóm đối tượng đặc biệt như bệnh nhân cao tuổi, khuyết tật, người có cống hiến xã hội… và miễn phí cho những nhóm bệnh lý chi phí điều trị thấp hoặc các bệnh mãn tính điển hình như tim mạch, đái tháo đường…

Ngoài việc chuẩn bị nguồn tài chính, làm từng bước, từng nhóm đối tượng, theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, nên tập trung bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, cải thiện hơn nữa những dịch vụ y tế, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người dân đều có thể tiếp cận các kỹ thuật điều trị cần thiết… sẽ đem đến sự thay đổi lớn trong công tác chăm sóc, phục vụ sức khỏe người dân tại nước ta.

Theo đại biểu Quốc hội - GS.TS Nguyễn Anh Trí, cần có lộ trình rõ ràng và cần chia thành các nhóm đối tượng để lần lượt thực hiện miễn viện phí từ nay đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên các nhóm như người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, trẻ em dưới 6 tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, mãn tính phải điều trị lâu dài, người già... 

Với những nhóm ưu tiên này có thể nghiên cứu thực hiện ngay từ năm 2026 và sau đó tiếp tục thực hiện với các nhóm còn lại, đến năm 2030 có thể tiến tới thực hiện toàn dân.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Bùi Đức Nguyên (Hà Nội) cho rằng việc triển khai chính sách này sẽ cần một lộ trình rõ ràng, cần sự đồng thuận từ các bộ ngành và đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và nhất là nguồn tài chính. 

Trong đó quan trọng nhất cần có sự gắn kết với bảo hiểm y tế để tăng dần tỉ lệ hưởng và các dịch vụ được hưởng bảo hiểm y tế chi trả. Đồng thời có chính sách hỗ trợ chi phí mua cũng như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng nghèo, thu nhập thấp, người cao tuổi... từ đó giúp giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh.

"Đồng thời nên có quy định cụ thể để xác định mức hỗ trợ tối đa hoặc quy định rõ danh mục thuốc, dịch vụ y tế được miễn phí. Kèm theo cơ chế quản lý, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, trục lợi có thể xảy ra. 

Ngoài ra vẫn nên duy trì hệ thống khám chữa bệnh tự nguyện, nâng cao để người dân có thể bỏ chi phí thực hiện bên cạnh việc miễn phí", bác sĩ Nguyên đề nghị.

miễn viện phí - Ảnh 4.

Dữ liệu: D.Liễu - Đồ họa: T.ĐẠT

Nghiên cứu miễn viện phí thông qua BHYT

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, để thực hiện được việc hỗ trợ kinh phí để miễn viện phí cho toàn dân cần phải phối hợp song hành, gắn kết chặt chẽ cùng với bảo hiểm y tế. Nói cách khác, việc hỗ trợ để miễn viện phí có thể được thực hiện thông qua bảo hiểm y tế toàn dân.

"Nếu mỗi người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không cần phải lo lắng về chi phí. Bởi vậy cần nghiên cứu nâng mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho những nhóm yếu thế, người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ, bị bệnh hiểm nghèo" - ông Trí đề xuất.

Cần chuẩn bị hết sức thận trọng và chắc chắn

Đại biểu Quốc hội - TS.BS Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng việc miễn viện phí sẽ phức tạp hơn nhiều so với miễn học phí. Bởi với học phí, số học sinh phụ thuộc vào dân số và theo từng vùng, địa phương và thường có thể dự tính được cũng như ít có sự thay đổi lớn...

Còn với chi phí y tế tại Việt Nam hiện đang tăng nhanh theo từng năm. Thêm vào đó, hiện nay nhiều cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ tài chính và nguồn thu chủ yếu từ các dịch vụ khám chữa bệnh.

"Vì thế nếu thực hiện miễn viện phí cần phải có một sự chuẩn bị hết sức thận trọng và chắc chắn, đặc biệt là nguồn lực tài chính đảm bảo cho việc thực hiện. Không để tạo áp lực và cản trở việc nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật của các cơ sở y tế" - bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức khẳng định gợi ý của Tổng Bí thư về việc miễn viện phí vào năm 2030 là mong ước lớn không chỉ của người dân mà cả của đội ngũ y bác sĩ. Nhưng để đạt được mục tiêu này, còn rất nhiều việc phải làm.

"Ngành y tế rất áp lực, nhưng chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác để phấn đấu thực hiện mục tiêu mà Tổng Bí thư đề ra, bởi đó là mong ước của toàn dân", ông Thức nói.

Lấp khoảng trống bảo hiểm y tế

Hướng tới miễn viện phí toàn dân: Bài toán cần tính kỹ - Ảnh 5.

Người dân làm các thủ tục có bảo hiểm y tế trong bệnh viện tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong nhiều ý kiến cho rằng để hướng tới mục tiêu miễn viện phí toàn dân, trước tiên từ bảo hiểm y tế (BHYT). Vậy vấn đề là BHYT tại nước ta hiện ra sao?

Theo bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT đã tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng.

Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, từ 46,1% dân số (năm 2008) lên 94,2% dân số (2024). Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc để chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục chi trả.

Mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, bệnh nhi sinh năm 2019 (Hải Dương) sau thời gian điều trị đã được quỹ BHYT chi trả hơn 4,4 tỉ đồng. Hay một bệnh nhi sinh năm 2018 ở Hòa Bình cũng được quỹ BHYT chi trả hơn 4,3 tỉ đồng khi điều trị bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền. Những con số lên đến hàng tỉ đồng, có lẽ nếu không có BHYT "chung tay" những người dân nghèo khó có thể trang trải.

Hiện nay có 9 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ 70% đến 100%. Mới đây Bộ Y tế cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ tối thiểu từ 30% lên 50% mức đóng BHYT đối với học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12. Một số đối tượng khác tăng từ 50% lên 70%.

Bà Trần Thị Trang cho biết Luật BHYT sửa đổi đang hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó luật đã quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.

Đặc biệt trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu. Việc tham gia BHYT đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên theo Bộ Y tế, hiện nay tỉ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Theo đó hằng năm bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87 - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả 11 - 13%.

Hiện còn gần 6% dân số chưa tham gia BHYT, các chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ để lấp khoảng trống này.

Bao phủ BHYT toàn dân

Theo TS.BS Trần Thanh Tùng - Trường đại học Y Hà Nội, BHYT giúp người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn giảm gánh nặng tài chính khi đau ốm, bệnh tật.

"Chúng ta cần hướng đến bao phủ BHYT toàn dân để người bệnh được hỗ trợ như nhau. Đối với người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ngân sách có thể hỗ trợ 100% chi phí BHYT, đây là giải pháp thiết thực để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân", ông Tùng chia sẻ.

Các hệ thống chăm sóc y tế miễn phí và toàn dân ở các nước

Hướng tới miễn viện phí toàn dân: Bài toán cần tính kỹ - Ảnh 5.

Bệnh nhân khám tại Bệnh viện thành phố Raphael de Paula Souza ở Rio de Janeiro, Brazil tháng 2-2024 - Ảnh: AFP

Theo trang Citizens International, các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc chăm sóc sức khỏe toàn dân thường có hạ tầng y tế hiện đại, đảm bảo tất cả người bệnh đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng cao và các phương pháp điều trị y tế tiên tiến.

Tại Brazil: Nước này cung cấp quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe miễn phí và toàn dân cho bất kỳ ai sinh sống hợp pháp tại quốc gia này, theo quy định của hiến pháp. Hệ thống Y tế đơn nhất (SUS) của quốc gia Nam Mỹ này được thành lập vào năm 1989, là hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng do chính phủ điều hành lớn nhất thế giới.

Bệnh nhân ở nước này sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế miễn phí bao gồm: chăm sóc ngoại trú, chăm sóc phòng ngừa, tiêm chủng, chăm sóc tại bệnh viện, phẫu thuật.

Tại Anh: Đây là quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho công dân. Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) được thành lập vào năm 1948, là hệ thống y tế được tài trợ bởi thuế.

Tất cả cư dân hợp pháp được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công miễn phí bao gồm: tiêm chủng, sàng lọc và phòng ngừa, dịch vụ bác sĩ, sức khỏe tâm thần, xe cứu thương cho các trường hợp khẩn cấp, chăm sóc nội và ngoại trú, thuốc điều trị nội và ngoại, chăm sóc thai sản, các thiết bị hỗ trợ như xe lăn, máy trợ thính...

Tại Canada: Hệ thống y tế của nước này gọi là Medicare, là hệ thống y tế một người trả do nhà nước tài trợ, có từ năm 1966. Nó cung cấp miễn phí các dịch vụ chăm sóc cơ bản như khám bác sĩ, cấp cứu và sức khỏe tâm thần, phòng và điều trị bệnh thường, chăm sóc thai sản; các dịch vụ thứ cấp như điều trị dài hạn, mãn tính và chăm sóc giảm nhẹ... Đây được xem là hệ thống giúp Canada duy trì tuổi thọ trung bình cao.

Tại Úc: Hệ thống Medicare của Úc được thành lập năm 1984, là chương trình bảo hiểm y tế toàn dân. Nó cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí hoặc chi phí thấp cho công dân Úc và New Zealand, thường trú nhân và một số khách nước ngoài đủ điều kiện.

Các dịch vụ bao gồm: bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe tâm thần, dịch vụ nha khoa trẻ em cơ bản. Ngoài ra Medicare của Úc cũng còn có chương trình hỗ trợ chi phí thuốc kê đơn.

Vẫn có điểm yếu

Tuy nhiên, các hệ thống Medicare này vẫn có một số điểm yếu. Chẳng hạn như ở Brazil, cơ sở chăm sóc sức khỏe công có thể rơi vào tình trạng quá tải, thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh nhân phải chờ lâu, người ở vùng nông thôn khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hạn chế về số lượng thuốc, chất lượng dịch vụ không đồng đều, theo trang International Insurance.

Hướng tới miễn viện phí toàn dân: Bài toán cần tính kỹ - Ảnh 10.Từ ngày 1-7, khám chữa bệnh BHYT không phân biệt địa giới

Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, một số điều có hiệu lực từ ngày 1-7 người tham gia bảo hiểm y tế sẽ có thêm nhiều quyền lợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên