Hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy

Bộ Nội vụ vừa có hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc khi sắp xếp bộ máy theo quy định tại nghị định 178 và 67.

Hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy - Ảnh 1.

Công chức TP Thủ Đức (TP.HCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 178 và nghị định 67 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Những khoản phụ cấp không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng

Theo nghị định 67, tiền lương hằng tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm:

Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

Các khoản phụ cấp lương, bao gồm phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề.

Phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang, và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Tại công văn hướng dẫn, Bộ Nội vụ nêu rõ các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng...) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.

Còn phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.

Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau.

Riêng mức lương cơ sở được tính toán trên mức lương liền kề của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 nghị định 67).

Chính sách, chế độ với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc

Tại văn bản này, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn cụ thể về cách tính chính sách, chế độ đối với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc.

Ví dụ ông Nguyễn Văn C, công chức ở sở A, sinh ngày 15-1-1966, có 22 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đã xếp bậc 8 hệ số lương 4,65 ngạch chuyên viên kể từ ngày 1-5-2024.

Ông C hưởng các chế độ phụ cấp sau: phụ cấp chức vụ hệ số 0,6; phụ cấp công vụ 25% (tiền lương tháng hiện hưởng 15.356.250 đồng/tháng).

Do cơ quan trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy (từ1-3-2025) nên ông C tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-5-2025 và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Theo phụ lục I nghị định 135/2020, thời điểm nghỉ hưu của ông C là tháng 11-2027 nên tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi (ngày 1-5-2025), ông C nghỉ hưu trước 2 năm 6 tháng so với quy định.

Ngoài được hưởng ngay lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, ông C còn được tổng 3 khoản trợ cấp 744.788.125 đồng.

Gồm, trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm: 30 x 15.356.250 = 460.687.500 đồng.

Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm: 2,5 x 5 x 15.356.250 = 191.953.125 đồng.

Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội: 6 x 15.356.250 = 92.137.500 đồng.

Bộ Nội vụ cũng lấy ví dụ bà Nguyễn Thị D, công chức ở ban tổ chức huyện ủy (có 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Bà D. sinh ngày 2-9-1975, có 19 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đã xếp bậc 7 hệ số lương 4,32 ngạch chuyên viên kể từ ngày 1-5-2024 và hưởng các chế độ phụ cấp sau:

Phụ cấp công tác đảng - đoàn thể 30%, phụ cấp công vụ 25% (tiền lương tháng hiện hưởng là 15.668.640 đồng/tháng).

Do kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện nên bà D tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1-7-2025 (ngày kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện).

Theo phụ lục II nghị định 135/2020, thời điểm nghỉ hưu của bà D là tháng 6-2028 nên tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi (ngày 1-7-2025), bà D nghỉ hưu trước 2 năm 11 tháng so với quy định.

Ngoài việc được hưởng ngay lương hưu theo quy định về bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, bà D còn được tổng 3 khoản trợ cấp 877.443.840 đồng.

Gồm trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm: 35 x 15.668.640 = 548.402.400 đồng.

Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm: 3 x 5 x 15.668.640 = 235.029.600 đồng.

Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội: 6 x 15.668.640 = 94.011.840 đồng.

Ở một ví dụ khác, Bộ Nội vụ dẫn chứng ông Nguyễn Văn M, công chức của vụ thuộc bộ, có tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là 15 năm.

Ông đã xếp bậc 5 hệ số lương 3,66 ngạch chuyên viên và hưởng phụ cấp công vụ 25% (tiền lương tháng hiện hưởng: 10.705.500 đồng/tháng).

Do cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy, ông M thuộc đối tượng phải nghỉ việc từ ngày 1-6-2025 và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ngoài ra còn được tổng số tiền trợ cấp 786.854.250 đồng.

Gồm trợ cấp thôi việc: 60 x 0,8 x 10.705.500 = 513.864.000 đồng.

Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội: 15 x 1,5 x 10.705.500 = 240.873.750 đồng.

Trợ cấp tìm việc làm: 3 x 10.705.500 = 32.116.500 đồng.

Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy - Ảnh 3.6 bước giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo nghị định 178

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có hướng dẫn 6 bước giải quyết chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo nghị định 178.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên