06/02/2025 10:27 GMT+7

Lương hưu tại Việt Nam đang cao hay thấp?

Chuyên gia cho rằng mức lương hưu bình quân ở nước ta không hề thấp và cần có giải pháp để duy trì quỹ hưu trí lâu dài.

Lương hưu tại Việt Nam đang cao hay thấp? - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu khoảng 78 tuổi, cao hơn 4-5 tuổi so với tuổi thọ bình quân chung - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua 23 lần điều chỉnh, lương hưu tăng từ 21 - 26 lần so với thời điểm năm 1995. Gần nhất, nghị định 75/2024 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vào ngày 1-7 tăng thêm 15% lương hưu.

Thách thức già hóa dân số

Gửi tới Tuổi Trẻ Online, độc giả có tên mr.t*** cho hay: “Nếu tính theo giá tiêu dùng và những dịch vụ cho người già thì tăng lương chỉ là "lương danh nghĩa" . Còn "lương thực tế" là không tăng mà còn giảm xuống. Đấy là mấu chốt của vấn đề”.

Còn bạn đọc Trần Kim Bình tâm sự đã về hưu năm 2017, hiện đã hơn 70 tuổi nhưng lương hưu chỉ ở mức trên 1,8 triệu đồng/tháng. “Nếu nhà nước không cho lên lương thì cuộc sống khó khăn nhiều lắm”, bạn đọc bày tỏ.

Nói về mức lương, bạn đọc Hạnh Đoàn bày tỏ "lương hưu hiện nay còn thấp và nhà nước cần tăng đều qua các năm".

Theo ông Phạm Trường Giang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo nghiên cứu vào năm 2025, cứ 6 lao động (từ 15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người không trong tuổi lao động.

Nhưng đến năm 2055, hai người lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.

Nếu vẫn duy trì tốc độ, mức hưởng, không có cải cách, đến năm 2055, thế hệ sau sẽ phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay (tức tới 66%).

Về lâu dài, với kết dư quỹ hưu trí khoảng 1,3 triệu tỉ đồng, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1-7-2024 định hướng đầu tư quỹ sẽ bảo đảm tăng trưởng quỹ. Việc này đồng nghĩa với quyền lợi tốt hơn cho người đóng.

Luật này còn tăng cơ hội hưởng lương hưu cho “người tham gia muộn” qua chính sách như giảm năm đóng bắt buộc từ 20 năm xuống 15 năm, thống kê cho thấy có gần 600.000 người từ 45 tuổi trở lên sẽ ở lại lưới an sinh.

Lao động Việt đang ở nước ngoài và người lao động nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cũng tăng cơ hội nhận chế độ hưu trí qua việc Việt Nam - Hàn Quốc đã ký hiệp định song phương về công nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nhau. 

Dự kiến, khoảng 50.000 người Việt sẽ được đảm bảo lưới an sinh trong giai đoạn 2025 - 2030. 

Theo ông Giang, bài toán cân bằng quỹ hưu trí đang hiện hữu ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp. Ví dụ, nước Pháp tăng tuổi nghỉ hưu vì mỗi năm ngân sách nước này phải chuyển vào quỹ hưu trí hàng tỉ euro.

Con số này ngày càng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. “Đấy là một thách thức, bài học mà chúng ta nhận diện được”, ông chia sẻ.

Lương hưu tại Việt Nam đang cao hay thấp? - Ảnh 3.

Ông Phạm Trường Giang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: HÀ QUÂN

Lương hưu Việt Nam đang thế nào?

Về thắc mắc lương hưu nước ta thấp hay cao, lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội lấy ví dụ tại Hàn Quốc, trợ cấp lương hưu tuổi già bình quân khoảng 13 triệu đồng/tháng, tương đương 156 triệu đồng/năm. Còn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, tương đương 864 triệu đồng.

Qua tính toán, lương hưu ở Hàn Quốc chỉ khoảng 18% GDP.

Còn ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, tương đương 114 triệu đồng, trong khi lương hưu bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/năm.

Như vậy, lương hưu ở Việt Nam bằng khoảng 63% GDP.

Năm 1995, tỉ lệ hưởng lương hưu ở Hàn Quốc là 50%, tương đương với 40 năm đóng góp, song do áp lực cân đối, mỗi năm giảm 0,5%, dẫn tới tỉ lệ dự kiến còn 40% vào năm 2028. Song tỉ lệ 40% quá thấp, nên tỉ lệ lương hưu đang giữ ở mức 42%.

Theo tính toán năm 2023, quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc đạt 1.775 tỉ won, tương ứng hơn 7.000 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới, song sẽ thâm hụt từ năm 2041 và cạn kiệt vào năm 2055. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc trình Quốc hội tăng tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Do áp lực vào quỹ hưu trí, Hàn Quốc dự kiến tăng dần tỉ lệ đóng từ 9% lên 13%, song giữ tỉ lệ hưởng ở mức 42%, tương đương 40 năm đóng góp nêu trên.

“Do áp lực của già hóa dân số, số người đóng góp vào sẽ giảm đi và ngược lại số người thụ hưởng tăng lên, gia tăng áp lực cho quỹ”, ông bày tỏ.

Hết năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động. Số đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 17,8 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người.

Lương hưu tại Việt Nam đang cao hay thấp? - Ảnh 1.Tuổi thọ bình quân của người có lương hưu và không có lương hưu thế nào?

Qua thống kê, tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu khoảng 78 tuổi, cao hơn 4-5 tuổi so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên