Sáp nhập tỉnh thành, thay đổi địa chỉ thửa đất do đổi tên đơn vị hành chính có thu hồi sổ đỏ?

Sáp nhập tỉnh thành, thay đổi địa chỉ thửa đất do đổi tên đơn vị hành chính, thay đổi kích thước, số hiệu thửa đất do đo đạc lại… thì có thu hồi sổ đỏ cũ để cấp sổ mới theo Luật Đất đai 2024?

Sáp nhập tỉnh thành, thay đổi địa chỉ thửa đất do đổi tên đơn vị hành chính có thu hồi sổ đỏ? - Ảnh 1.

Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính - Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong đó công văn nêu rõ: người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.

Gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Giang thắc mắc: vậy khi sáp nhập tỉnh, thành sẽ không còn trường hợp thu hồi sổ đỏ phải không?

6 trường hợp thu hồi sổ đỏ

Thạc sĩ Ngô Gia Hoàng (giảng viên khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM) cho biết:

Thu hồi sổ đỏ (cách người dân gọi các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là việc nhà nước thu lại giấy chứng nhận đã cấp khi giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý hoặc giấy chứng nhận đã cấp không đúng với quy định của pháp luật.

Tại khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024 quy định về 6 trường hợp nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, bao gồm:

- Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận đã cấp.

- Cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp.

- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

- Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.

- Giấy chứng nhận đã cấp bị tòa án có thẩm quyền tuyên hủy.

- Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp.

Những trường hợp phát sinh có thể bị thu hồi sổ đỏ 

Dựa vào các quy định hiện hành, việc sáp nhập tỉnh, thành không phải là căn cứ để nhà nước thu hồi sổ đỏ. 

Tuy nhiên trong quá trình cập nhật địa giới hành chính hoặc thực hiện các thủ tục đất đai sau sáp nhập, nếu phát sinh các trường hợp theo điều 152 Luật Đất đai năm 2024 thì có thể bị thu hồi sổ đỏ.

Cụ thể:

- Khi người dân thực hiện thủ tục như hợp thửa đất hoặc tách thửa đất, đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận, chuyển nhượng, tặng cho, các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi…, phải cấp mới giấy chứng nhận thì sổ đỏ cũ sẽ bị thu hồi (điểm c khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024)

Theo khoản 6 điều 18 nghị định số 101/2024/NĐ-CP, nếu người yêu cầu đăng ký có nhu cầu thực hiện đồng thời nhiều thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, các cơ quan giải quyết thủ tục có trách nhiệm liên thông với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, không bắt buộc công dân phải thực hiện riêng lẻ từng thủ tục.

- Nếu sau khi sáp nhập, người sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp đổi (như có nhu cầu đổi giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1-8-2024 sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Giấy chứng nhận đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng.

Thay đổi địa chỉ thửa đất do đổi tên đơn vị hành chính, thay đổi kích thước, số hiệu thửa đất do đo đạc lại…) thì cơ quan nhà nước sẽ thu hồi sổ đỏ cũ để cấp sổ mới (điểm b khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024).

- Trong quá trình cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau sáp nhập, nếu cơ quan nhà nước phát hiện sổ đỏ trước đây được cấp không đúng thẩm quyền, sai diện tích, sai mục đích sử dụng, sai đối tượng... thì sẽ bị thu hồi (điểm d khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024).

- Nếu sau sáp nhập, nhà nước cần thực hiện các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dẫn đến việc thu hồi toàn bộ thửa đất ghi trên sổ đỏ (thu hồi để làm đường, công trình công cộng…) thì sổ đỏ sẽ bị thu hồi (điểm a khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024).

Bên cạnh đó, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn nêu rõ: Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận đã cấp. 

Việc chỉnh lý thông tin thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ...) chỉ thực hiện khi:

- Người sử dụng đất có nhu cầu

- Có thủ tục hành chính khác về đất đai được thực hiện đồng thời (như tách thửa, chuyển nhượng...)

- Nếu hết dòng trống để xác nhận thay đổi trên sổ, thì sẽ cấp mới sổ và thu hồi sổ cũ.

Đây chính là trường hợp thu hồi sổ đỏ do cấp đổi theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 152 Luật Đất đai năm 2024.

Tóm lại, sáp nhập tỉnh, thành không phải là căn cứ để thu hồi sổ đỏ.

Tuy nhiên các tình huống phát sinh trong quá trình cập nhật địa giới hành chính hoặc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai có thể dẫn đến việc thu hồi sổ theo quy định pháp luật.

Sáp nhập tỉnh thành, sổ đỏ có bị thu hồi? - Ảnh 2.Bỏ cấp huyện, khoảng 6.000 xe công được chuyển cho cấp xã

Sắp xếp lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện, khoảng 6.000 xe công cấp huyện sẽ được chuyển cho cấp xã.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên