
Trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hậu Giang sẽ được chuyển đổi công năng - Ảnh: L.DÂN
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tân Thịnh, cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nói: "Chúng tôi xác định việc sắp xếp, bố trí xử lý tài sản công là việc rất khó, cần có thời gian, cách làm cho phù hợp.
Vì thế trong hướng dẫn các bộ ngành địa phương về việc này, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì tài sản công. Không thể để cho tài sản xuống cấp, hư hỏng, thất thoát. Việc bố trí sắp xếp trụ sở, tài sản công phải đảm bảo hiệu quả, không gián đoạn".

Ông Nguyễn Tân Thịnh
* Xin ông cho biết cách xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy?
- Trước tiên, hướng xử lý các trụ sở là điều hòa giữa các cơ quan đơn vị để khai thác sử dụng hiệu quả nhất.
Bộ Tài chính hướng dẫn rõ ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước có nhu cầu.
Có thể bố trí nhiều cơ quan, đơn vị dùng chung một trụ sở để khai thác tối đa công năng tài sản đã có.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc ở các tỉnh, cần rà soát bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở của đơn vị mình. Trường hợp có tài sản dôi dư thì chuyển giao về địa phương quản lý, điều chuyển cho các cơ quan khác trên địa bàn.
Những tài sản nào mà đi theo được cán bộ, công chức khi sắp xếp, tổ chức bộ máy mới thì chúng ta điều chuyển những tài sản đó cho đơn vị, tổ chức mới sử dụng. Nguyên tắc là quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
* Nhà đất công dôi dư sẽ được xử lý ra sao, thưa ông?
- Trụ sở dôi dư sẽ ưu tiên số một cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...). Qua trao đổi, các địa phương đều quán triệt tinh thần này.
Chúng tôi có lưu ý các địa phương tính toán quỹ đất phục vụ cho y tế, giáo dục... của mô hình xã mới, tỉnh mới chứ không phải xã, tỉnh trước đây nên các địa phương cần tính toán để có xử lý phù hợp.
Chủ trương của Nhà nước là thu hút các nguồn lực để phát triển đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy chúng ta cũng thực hiện xã hội hóa thu hút nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này như tài sản công có thể dùng để cho thuê, liên doanh liên kết hay sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh.
Vừa rồi, chúng tôi đề xuất chuyển cơ sở nhà, đất dôi dư cho các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác cho hiệu quả, tránh để trống.
* Ngày 31-3 là kết thúc tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc. Vậy cả nước có bao nhiêu nhà, đất công sử dụng sai mục đích, để không?
- Hiện nay đang trong quá trình rà soát và chuẩn hóa số liệu kiểm kê tài sản công trước khi chính thức chốt số liệu, nên chưa đủ cơ sở để thông tin về nội dung này. Tới đây, ngay sau khi số liệu chuẩn hóa, Bộ Tài chính sẽ công khai vấn đề này.
Tính đến cuối năm 2024, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, cả nước có trên 11.000 cơ sở nhà đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, danh mục và số lượng nhà đất dôi dư sẽ biến động so với trước đây.
Hiện các bộ ngành địa phương đề nghị có thêm thời gian để xác định số nhà đất dôi dư. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất dôi dư phải hiệu quả vì nhà đất, trụ sở càng để lâu, không sử dụng thì càng suy giảm giá trị.
Chuyển đổi làm nhà ở công vụ
Theo dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP Cần Thơ (sau khi sáp nhập với tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng), TP này dự kiến tiếp tục sử dụng 2.558/2.811 trụ sở, dôi dư 255 trụ sở làm việc.
Một cán bộ tại TP Cần Thơ cho rằng đối với trụ sở làm việc dư ra khi sáp nhập tỉnh có thể nghiên cứu điều chỉnh công năng làm nơi phục vụ cho cộng đồng. Hiện nay có tình trạng gia đình có ma tang, hiếu hỉ nhưng do nhà cửa chật hẹp phải tổ chức dưới lòng đường, rất bất tiện và mất an toàn giao thông. Nếu có thêm những nơi dành phục vụ cộng đồng sẽ rất tiện cho người dân.
Một cán bộ hưu trí ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết song song với việc sáp nhập tỉnh, điều động, phân công cán bộ thì các địa phương cũng cần tính đến việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo vị này, khi Sóc Trăng, Hậu Giang nhập vào Cần Thơ, trung tâm hành chính đặt tại Cần Thơ, sẽ có nhiều cán bộ ở hai địa phương này phải về Cần Thơ làm việc. Thời gian đầu sẽ khó khăn trong việc ăn ở, đi lại. Có thể chuyển đổi công năng trụ sở cũ thành nhà công vụ cho cán bộ xa nhà ở tạm, an tâm công tác.
"Sau khi điều chỉnh công năng, mục đích sử dụng đúng quy hoạch, tổ chức bán đấu giá để có ngân sách đầu tư vào những việc đang cần. Không chỉ tại trung tâm, mà ở huyện hay xã, sau khi sắp xếp sẽ có tình trạng nơi thì thừa, nơi thiếu trụ sở làm việc, nhà ở công vụ. Bán đấu giá những tài sản dư thừa không sử dụng để lấy tiền đầu tư xây dựng ở những nơi thiếu là rất cần thiết và cần được quan tâm", vị cán bộ lão thành này đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận