21/08/2013 07:10 GMT+7

Hợp lý ở hai chuyện chấm điểm

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Thời gian qua có hai sự kiện liên quan đến việc chấm điểm được dư luận quan tâm tưởng là trái ngược nhau nhưng nghĩ kỹ khá hợp lẽ.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục - đào tạo có văn bản quy định giáo viên tuyệt đối không cho điểm học sinh lớp 1 trong suốt quá trình học, trừ bài kiểm tra cuối năm. Thay vào đó giáo viên chỉ đánh giá bằng nhận xét để động viên và ghi nhận sự tiến bộ của học sinh trong từng mặt. Vấn đề này không quá mới nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện xuyên suốt trong năm học.

Thứ hai, Bộ Nội vụ đang triển khai kế hoạch xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực chất là chấm điểm cơ quan về cải cách hành chính.

Lâu nay cung cách học hành nhồi nhét, thi cử nặng nề đã thành nếp mà quên đi tâm lý giáo dục khoa học cho lứa tuổi lớp 1 là “học là chơi, chơi là học”. Trẻ em mầm non bước vào lớp 1 là sự chuyển đổi mạnh mẽ về tâm lý nên việc chấm điểm học tập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với học sinh. Các em sẽ so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn nên sẽ rơi vào tình trạng phải học đuổi, học quá tải. Hiện nay trước khi vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giáo dạy trước cho con nên các cháu có thể tập đọc, tập viết và làm toán tốt hơn những em chưa hề học trước. Chính vì vậy, việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng. Điều này cũng tạo ra phong trào khiến phụ huynh “chạy” theo việc cho con học trước lớp 1.

Còn về bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (PAR Index), thực chất là chấm điểm cơ quan về cải cách hành chính, thực hiện theo phương cách, kết hợp giữa phương pháp đánh giá bên trong - tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương - với phương pháp đánh giá bên ngoài do cơ quan nhà nước có trách nhiệm đánh giá (Bộ Nội vụ phối hợp với một số bộ, ngành khác), đồng thời kết hợp với sự đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước. Thông qua chỉ số cải cách hành chính có thể đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của việc thực hiện cải cách hành chính, qua đó sẽ có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu, nội dung cải cách hành chính hằng năm...

Hi vọng rằng với việc đánh giá thông qua cho điểm dựa trên chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) sẽ chấm dứt cái thời báo cáo tổng kết dùng các ngôn từ vô hồn, chung chung như “tiến thêm một bước...” hay “tuy nhiên còn bất cập, tồn tại...” mà không biết tiến bộ một bước là tăng thêm bao điểm và bất cập là sụt giảm đi mấy điểm?...

Cũng như vậy, quan trọng nhất với học sinh lớp 1 là các cháu thích đi học, đến trường thấy vui là trẻ sẽ hội đủ tố chất thể lực cũng như trí lực để có thể hấp thụ những kiến thức, kỹ năng trong chương trình lớp 1 một cách phù hợp nhất. Hi vọng việc không chấm điểm ở lớp 1 sẽ làm giảm cái tôi tự cao của những em học chữ trước và khích lệ được những em yếu. Phụ huynh cũng sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với con, không lo áp lực thành tích về điểm số với con để bắt trẻ học sớm.

____________

Tin bài liên quan:

Nên cho điểm HS tiểu học để khuyến khích học tập?Đề nghị bỏ cho điểm đối với học sinh tiểu họcNên hay không nên cho điểm học sinh tiểu học?Bỏ chấm điểm học sinh lớp 1, cần hướng dẫn kỹ giáo viên

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên