19/04/2013 17:36 GMT+7

Nên cho điểm HS tiểu học để khuyến khích học tập?

NGUYỄN ĐƯỚC
NGUYỄN ĐƯỚC

TTO - Bên cạnh nhiều ý kiến hoan hô đề xuất bỏ chấm điểm HS tiểu học của trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng nên tiếp tục cho điểm để tạo ra động lực học tập cho HS.

Không có điểm làm sao đánh giá nổ lực?

Việc đề nghị bỏ cho điểm đối với học sinh tiểu học trong một số môn học là cần thiết nhưng phải nghiên cứu, xem xét và đánh giá trên bình diện của toàn xã hội, đặc biệt cần lấy ý kiến của những người trực tiếp làm công tác giảng dạy và chính bản thân người học là các em.

EGIK1ciG.jpgPhóng to
Một buổi học của học sinh Trường tiểu học Minh Tân B (xã Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Đề nghị bỏ cho điểm đối với học sinh tiểu họcNên hay không nên cho điểm học sinh tiểu học?

Theo tôi, có thể thấy việc kiểm tra bài vở, đánh giá năng lực của học sinh tiểu học bằng cách cho điểm các em từ bao nhiêu năm qua vẫn là một cách làm rất thuần túy trong việc giáo dục và đào tạo các em học sinh nói chung.

Việc cho điểm trong các lần kiểm tra bài tập tại lớp, dò bài, làm bài tập về nhà… đối với các em là điều cần thiết.

Thông qua số điểm mà giáo viên cho trên lớp là cách để đánh giá, phân loại năng lực học tập, sự tiếp thu bài vở của các em trong suốt quá trình học tập các môn học tại trường, nhất là các môn học quan trọng, chính thống như môn văn, tiếng Việt, toán, đạo đức, lịch sử...

Có một thực tế, nhiều em học sinh tiểu học đạt kết quả học tập tốt ở lớp và được giáo viên cho điểm 9, điểm 10 trong vở, sau giờ học là rất hớn hở, tự hào với thành tích học tập của mình, có em vội vàng khoe điểm số của mình đạt được ngay cho cha mẹ hoặc người thân trong gia đình ngay tại cổng trường học khi đến đón.

Và bản thân các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình cũng thường xuyên khuyên bảo, khuyến khích, khen thưởng cho các em mỗi lần các em đạt được điểm cao trong học tập của mình.

Việc đánh giá năng lực của học sinh tiểu học cũng như cho điểm các em đối với mỗi giáo viên phải làm sao thể hiện được sự khuyến khích, động viên tinh thần học tập của các em, để từ đó các em luôn cố gắng, phấn đấu trong học tập chứ không phải việc cho điểm chỉ là nhằm chăm bẵm phê phán sự yếu kém của các em…

Giả sử nếu bỏ, không cho điểm trong toàn bộ các môn học trong giờ kiểm tra ở lớp ở trường thì việc đánh giá năng lực, sự sáng tạo, trí thông mình… trong việc tiếp thu bài vở của các em sẽ ra sao?

Thử hỏi nếu trong bài vở không còn hiện hữu những điểm 9, điểm 10 các em có còn động lực để phấn đấu trong việc học của mình nữa hay không…?

Có thể việc không cho điểm học sinh tiểu học đối với các môn học khác như: hội họa, âm nhạc, thể dục... là điều cần quan tâm, xem xét. Vì suy cho cùng đây là các môn học phụ, thiên về năng khiếu nhiều hơn, việc đánh giá các em bằng điểm số nhiều khi chỉ là dựa trên quan điểm chủ quan, cách nhìn nhận riêng của người thầy giáo trong việc dạy học.

Thêm nữa, việc đánh giá bằng cách không cho điểm đối với các bộ môn này cũng là cách giảm bớt áp lực trong việc học của các em trên trường lớp và chắc chắn sẽ được đa số các em và cả phụ huynh ủng hộ, đồng tình.

Chẳng hạn như môn thủ công, hội họa, khi có bài tập của giáo viên cho về nhà làm thì hầu hết các em có thể nhờ cha mẹ, anh chị vẽ, cắt dán thủ công để giúp các em có một bài tập về nhà hoàn hảo và đương nhiên sẽ đạt số điểm cao mà hoàn toàn không phải là do công sức, khả năng hay sự sáng tạo của các em... Điều này giáo viên giảng dạy hoàn toàn có thể biết được?

Do vậy, việc bỏ cho điểm đối với học sinh tiểu học trong một số môn hiện nay là điều cần thiết để tránh áp lực nặng nề trong việc học hành, thi cử đối với các em còn đang trong độ tuổi “vừa học vừa chơi”.

Đối với các môn chính thống là môn học chính từ bao đời nay thì cần thiết phải đánh giá năng lực học tập, trí thông minh, sự chuyên cần, sáng tạo… Điểm số nhận được sẽ chính là nguồn động lực khuyến khích tinh thần hiếu học của các em trong thi cử, học tập.

Điểm cao là cho phụ huynh hay cho các em?

Tôi có con lớn học cấp I ở Đức và con nhỏ học ở Việt Nam, nên tôi có thể so sánh thấy rằng con học ở Đức học nhiều hơn con ở VN nhưng cảm thấy ít áp lực hơn.

Theo tôi nên cho điểm để tạo động lực phấn đấu cho các em.

Vấn đề là chương trình tiểu học quá nặng nề đối với tuổi các em. Có những bài học khó tôi thấy tuổi của chúng chưa hiểu hết mà cứ cố nhét vào đầu chúng thì thật là tội nghiệp.

Có những điều người lớn còn chưa thông nói chi là trẻ em, chỉ làm phản tác dụng mà thôi. Tôi nghĩ phải tập trung giáo dục về đạo đức, nhân cách để các em biết yêu thương chia sẻ với mọi người.

HOANG HA (anhthumhb@...)

Khi con tôi sang Đức vào lớp 3 cháu chỉ mất 6 tháng để hòa nhập và sau đó học bình thường. Hằng ngày tôi thấy thầy cô giao bài về nhà gấp 3 lần cháu nhỏ của tôi hiện học ở Việt Nam. Làm toán không bao giờ cháu băn khoăn xem làm có giống cách của thầy không, mà chỉ cần "tư duy lành mạnh" là được. Cấp I đâu có gì là khó, mà ở Việt Nam mình tự làm khổ các con mình về cách trình bày, do đó các cháu không mạnh dạn làm bài và sợ điểm kém hay bị la, việc học trở thành vô cùng áp lực.

Tôi thường sốt ruột vì bài vở của cháu nhỏ hiện giờ ở Việt Nam đơn giản và quá ít so với anh nó ngày xưa ở cùng trình độ. Mọi môn đều đơn giản quá và thiếu sự chủ động của học sinh.

Nghe nói có khi phụ huynh làm giùm con do sợ điểm kém. Vì sao vậy? Làm không tốt thì điểm thấp chứ sao, trong lớp ai cũng giỏi như nhau sao và mọi cố gắng như nhau sao?

Tôi có cảm giác điểm cao là để cho phụ huynh chứ không phải cho các em. Bố mẹ muốn con điểm cao nên 50/51 học sinh xuất sắc, 1 học sinh tiên tiến thôi là tai họa rồi.

Còn một điểm nữa là bây giờ thầy cô tư duy máy móc hơn xưa rất nhiều. Vì sao? Vì cải cách nhiều quá, mà có đem lại gì tốt thật không, hay ngày càng làm thầy cô bối rối trở thành máy móc.

Thế hệ chúng tôi (hiện giờ đã gần 50 tuổi) không như vậy. Có bao giờ chúng tôi bị buồn vì 7, 8 điểm đâu. Hồi ấy bố mẹ không gây áp lực gì cho chúng tôi và thầy cô cũng vậy. Ai điểm cao là giỏi thật, ai điểm kém thì cần cố gắng hơn. Những em luôn được điểm cao ở phổ thông mà không thực học thì liệu sau này làm được cái gì? Nếu vì sợ điểm không tốt mà cứ học ít đi hay không dám cho điểm thì trình độ học sinh Việt Nam ngày càng kém đi. Theo tôi nhận định thì học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam hiện giờ khả năng tư duy ngày càng yếu. Tôi có cơ sở nói điều này vì tôi dạy ở đại học và mỗi năm đều làm việc với một khóa sinh viên mới.

Vậy tôi đề nghị học nhiều hơn, cho bài nhiều hơn, cho thêm bài tự tìm hiểu, sưu tầm cho học sinh cấp I, kết hợp tham quan thực tế và viết thu hoạch.

Và cứ cho điểm theo tư duy lành mạnh chứ không máy móc theo khuôn mẫu.

nguyenvannguyen0@...

Ý kiến của bạn trong chuyện này: nên hay không nên cho điểm đối với học sinh tiểu học. Mặt mạnh cũng như mặt yếu của mỗi hình thức: cho điểm và không cho điểm. Những kinh nghiệm khác của bạn trong quá trình dạy dỗ con em mình...

Hãy chia sẻ cùng bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến ngay bên dưới bài. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, Unicode, không CAPSLOCK.

NGUYỄN ĐƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên