Phóng to |
Các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Theo một thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, tính đến 9g ngày 17-4, về việc cho điểm đối với học sinh tiểu học, đã có 2.153 bạn đọc tham gia. Trong đó 316 bạn đọc đồng tình với việc không cho điểm, 522 bạn đọc cho rằng nên cho điểm tùy theo môn học, 551 bạn đọc đề nghị vẫn giữ nguyên hình thức cho điểm như hiện nay và 764 bạn đọc cho rằng có thể đánh giá bằng thang điểm A, B, C.
Tuy nhiên, trong các ý kiến cụ thể gửi về Tuổi Trẻ Online, phần lớn ý kiến nghiêng về hướng ủng hộ bỏ việc cho điểm đối với HS tiểu học.
Một phụ huynh có địa chỉ email thienhungdo@... đánh giá nếu thực hiện sẽ là một bước đột phá lớn trong giáo dục. Bạn đọc thienhungdo@... nhận xét về chương trình học: "Tôi là phụ huynh mỗi ngày đưa con đi học còn phát ngán chứ đừng nói đến con trẻ mà 8 tiếng đã ngồi học ở trường, tối về còn học thêm ở ngoài. Còn thời gian đâu nữa để phát triển nhân cách cho trẻ. Nếu vẫn giữ cách giáo dục hiện nay thì còn lâu Việt Nam mới theo kịp được trình độ phát triển của thế giới".
Cùng quan điểm này bạn đọc ngoan38@... cho biết: "Nếu thực hiện được thì đây quả là một sáng kiến rất tốt trong cải cách nền giáo dục bởi không gây áp lực cho các em, không gây tiêu cực cho thầy cô giáo ở cấp này, tạo sự phát triển tự nhiên của lứa tuổi này".
Trong văn bản kiến nghị gửi lên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nhân đoàn này làm việc tại TP.HCM về chương trình, sách giáo khoa phổ thông), ban giám hiệu Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM đề nghị bỏ hẳn việc cho điểm đối với học sinh tiểu học. Theo ban giám hiệu Trường Lương Định Của, lứa tuổi tiểu học mới bắt đầu làm quen với trường học, cần có những kiến thức cơ bản làm nền tảng. Tuy nhiên, các em vẫn cần được hướng dẫn rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm với gia đình, thiên nhiên, loài vật… vì vậy chỉ nên nhận xét sự tiến bộ từng mặt của học sinh, bỏ hẳn việc cho điểm để tránh áp lực, căng thẳng cho học sinh và cả giáo viên. |
Bạn đọc nguyenvinh@... cho rằng: "Nên bỏ việc cho điểm để nhẹ chương trình, khỏi gây áp lực lên tương lai con em chúng ta".
Bạn đọc minhtuantdh@... nhấn mạnh: "Trẻ em bên cạnh tri thức cần được chú trọng đến giáo dục về tình cảm gia đình, bạn bè và xã hội". Nhưng vì điểm số của con ở lớp nên bản thân bạn đọc minhtuantdh@... trong vai trò một phụ huynh "vẫn chưa toàn tâm toàn ý để hướng dẫn con nhiều điều cần học khác ngoài kiến thức ở lớp, mặc dù đã hạn chế hết mức việc gây áp lực cho con trong việc học...".
Bạn đọc thanhvanhoa@... phân tích: Trẻ em cấp tiểu học chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học, các em phải được trải nghiệm nhiều trong các kỹ năng sống, chứ không phải cứ nhồi nhét và cho điểm nhiều là được. Nên bạn đọc này cho rằng việc bỏ chấm điểm là cực kỳ hợp lý.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Bảo "hoan hô" đề xuất này nhưng cũng bày tỏ sự lo lắng và đề nghị "cần mổ xẻ ở các hội thảo và nên thực hiện thí điểm vài nơi trước khi phổ biến rộng".
Ở chiều ngược lại, bạn đọc chucbanvuive20@... đã cho rằng: Việc bỏ cho điểm là vô lý. Cần có hình thức xếp loại bằng điểm, bằng thang đánh giá A, B, C để thúc đẩy sự cầu tiến của các em. Nếu không trẻ chỉ ham chơi hơn ham học.
Bạn đọc lantrando@.... nhận xét "việc cho điểm cũng sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được sức học của con để có sự đầu tư, hỗ trợ phù hợp, cần thiết". Bạn lantrando@... lý giải "Việc cho điểm cũng là cách để khuyến khích hay chấn chỉnh chuyện học của con em mình. Một điểm 10 cũng như một phần thưởng khiến trẻ thêm hăng say học tập. Và một điểm 2, điểm 3 cũng làm trẻ biết xấu hổ để nỗ lực hơn".
Ý kiến của bạn trong chuyện này: nên hay không nên cho điểm đối với học sinh tiểu học. Mặt mạnh cũng như mặt yếu của mỗi hình thức: cho điểm và không cho điểm. Những kinh nghiệm khác của bạn trong quá trình dạy dỗ con em mình... Hãy chia sẻ cùng bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ mail tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến ngay bên dưới bài. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, Unicode, không CAPSLOCK. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận