Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu trong cuộc họp ngày 4-9 - Ảnh: Reuters
"Sự kiên nhẫn không phải là vô hạn"
Trước khi cuộc họp diễn ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi cần có những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm "cô lập hoàn toàn Triều Tiên".
Mở đầu phiên họp, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley kêu gọi Hội đồng Bảo an cần áp đặt "các biện pháp mạnh nhất có thể" lên Triều Tiên vì "cái gì cũng có giới hạn của nó" mà Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân đến 6 lần.
Bà Haley cho rằng việc gia tăng các biện pháp cấm vận của Hội đồng Bảo an lên Triều Tiên từ năm 2006 đến nay không hiệu quả, và mô tả hành động của Bình Nhưỡng hiện nay là "xin được chiến tranh".
"Bất chấp nỗ lực của chúng ta, chương trình hạt nhân của Triều Tiên giờ đây phát triển và nguy hiểm hơn bao giờ hết" - bà Haley nói. "Chiến tranh là thứ Mỹ không bao giờ muốn. Chúng tôi không muốn chiến tranh lúc này. Nhưng sự kiên nhẫn của đất nước chúng tôi không phải là vô hạn".
Lần lượt các đại diện Pháp, Anh và Ý cũng phát biểu, nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên dừng chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, đồng thời giục Hội đồng Bảo an tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng.
Đại sứ Haley sau đó cho biết phía Mỹ sẽ bắt đầu soạn nghị quyết trừng phạt mới dành cho Triều Tiên nội trong tuần này, và dự kiến sẽ đưa ra biểu quyết vào thứ hai tới.
"Giữ cái đầu lạnh"
Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất kêu gọi Triều Tiên "ngưng các hành động sai trái" và cam kết "Bắc Kinh sẽ không bao giờ để hỗn loạn và chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên".
Ông Lưu cũng kêu gọi các bên nghiêm túc xem xét kế hoạch "đóng băng kép" do Bắc Kinh và Matxcơva đề xuất, bao gồm việc ngưng cùng lúc chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên làm đe dọa hòa bình khu vực, song nhấn mạnh các giải pháp quân sự sẽ không giải quyết được rốt ráo vấn đề ở bán đảo Triều Tiên.
Nga kêu gọi các bên "giữ cái đầu lạnh và tránh xa các hành động có thể làm căng thẳng leo thang". Đại sứ Nga cũng cho rằng vấn đề Triều Tiên chỉ có thể giải quyết qua kênh ngoại giao, bao gồm việc "tận dụng các nỗ lực hòa giải của Tổng thư ký LHQ".
Quang cảnh phiên họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày 4-9 - Ảnh: Reuters
Cuộc họp khẩn ngày 4-9 được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Hàn Quốc sau vụ thử hạt nhân mới nhất và mạnh nhất của Triều Tiên, vốn vi phạm các nghị quyết trước đó của LHQ.
Đây cuộc họp khẩn liên quan đến Triều Tiên lần thứ 2 chỉ trong vòng một tuần của Hội đồng Bảo an. Trước đó, trong cuộc họp ngày 29-8, Hội đồng Bảo an cũng lên án vụ thử tên lửa bắn qua Nhật Bản của Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình này.
Cũng trong tháng 8, Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp cấm vận mới lên Triều Tiên để trừng phạt việc nước này phóng hai tên lửa tầm xa hồi tháng 7. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm nước này xuất khẩu than, sắt, chì và thủy sản, nhằm giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu (hiện đang ở mức 3 tỉ USD/năm).
Theo Reuters, Mỹ thường đề xuất các biện pháp cấm vận Triều Tiên, sau đó đàm phán trước với Trung Quốc rồi mới đưa ra biểu quyết với 13 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an.
Để được thông qua, nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong tối 4-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump đã điện đàm và nhất trí xóa bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn của Seoul sau vụ thử hạt nhân mới nhất từ Triều Tiên.
Theo thỏa thuận về phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ ký kết năm 2012, tên lửa do quân đội Hàn Quốc tự phát triển bị giới hạn tầm bắn ở mức 800km và trọng lượng ở mức 500kg. Ông Moon và Trump đã đồng ý gỡ bỏ giới hạn này, theo Reuters.
Theo thông cáo từ Nhà Xanh, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo trước đó cũng đồng ý đây là thời điểm thích hợp để áp đặt các biện pháp mạnh mẽ nhất lên Triều Tiên, đồng thời Hội đồng Bảo an LHQ cũng cần phải có các biện pháp cấm vận nặng hơn với Bình Nhưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận