Tên lửa Hyunmoo của quân đội Hàn Quốc bắn ra vùng biển phía Đông trong cuộc tập trận ngày 4-9 - Ảnh: REUTERS
Mỹ đe dọa bằng ngôn từ, Hàn Quốc giương oai với màn tấn công tên lửa trúng mục tiêu ở khoảng cách tương đương các bãi thử hạt nhân của láng giềng phương Bắc.
Luôn luôn là những cuộc họp khẩn, những lời lẽ lên án và những đe dọa đáp trả với nhiều phương án quân sự.
Nhưng lần nào cũng như thế, các đe dọa đáp trả hoặc tấn công phủ đầu đều cũng chỉ là "nói cho hả tức" hay "nói cho có nói".
Triều Tiên không phải Syria
Thực tế cho thấy Mỹ hoặc Hàn Quốc đều có khả năng tấn công phủ đầu. Mỹ thậm chí đã biểu diễn hình thức này với việc dội gần 60 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria.
Nhưng tất cả các chuyên gia (và hẳn nhiên kể cả các chính trị gia sừng sỏ của Mỹ) đều nhận thấy một điều: Triều Tiên không phải Syria.
Vấn đề ở đây là thiệt hại (con người và vật chất) có thể xảy ra cho các đồng minh trong khu vực của Mỹ gồm Hàn Quốc và Nhật Bản đều quá cao.
Trả lời trên CNN ngày 4-9, ông Mark Hertling, tướng Mỹ về hưu trở thành nhà phân tích quân sự nói thẳng: "Chúng tôi luôn có các lựa chọn quân sự, nhưng chúng rất xấu (về hậu quả)".
Các ước tính đều cho thấy đại đô thị Seoul 25 triệu dân nằm trong tầm pháo và tên lửa của Triều Tiên nên nếu chiến tranh xảy ra thì ít nhất vài chục ngàn thường dân Hàn Quốc sẽ thiệt mạng.
Bởi vậy vấn đề hiện nay của các chuyên gia và nhà phân tích là "đọc vị" ý đồ những lần thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Các ý kiến cũng khá khác nhau nhưng đều tựu trung ở chỗ Triều Tiên cũng chưa đi đến "lằn ranh đỏ".
Như chuyên gia Mark Hertling nhận định với đài CNN: "Triều Tiên có đe dọa sự tồn tại của Mỹ hay bất kỳ đồng minh nào của chúng ta ngay bây giờ không? Không, không hề có".
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un (giữa) họp bàn với Bộ chính trị chóp bu trong ảnh được hãng thông tấn KCNA tung ra ngày 4-9. Sáng 3-9, sau tấm ảnh thăm và chỉ đạo về hạt nhân là vụ thử lần thứ 6 gây chấn động thế giới - Ảnh: REUTERS
Phải đọc được mong muốn của Bình Nhưỡng
Trong khi đó ông Jean-Vincent Brisset, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và chiến lược ở châu Á, nhận định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ cố đẩy tăng tốc các thử nghiệm tên lửa và hạt nhân nhằm xoa dịu vấn đề trong nước và củng cố vị trí lãnh đạo của mình.
Theo ông Brisset, sau vụ thử "thành công mỹ mãn" bom H vào ngày 3-9, Bình Nhưỡng sẽ xuống thang vì đã đủ để chứng minh với người dân trong nước theo kiểu "chúng ta đã có bom hạt nhân, sẽ không ai bắt nạt, tấn công chúng ta được nữa. Chúng ta sẽ không cần đi xa hơn nữa".
Hoặc như ông John Delury, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên ở ĐH Yonsei tại Seoul (Hàn Quốc), bình luận với nhật báo Anh The Guardian rằng vụ thử hạt nhân vào sáng 3-9 của Bình Nhưỡng "nhằm đẩy tổng thống Donald Trump đến việc phải đưa ra yêu cầu đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un".
Bởi thế, như đã nói, cái khó hiện nay là đọc vị được trận đấu.
Có thể Trung Quốc và Nga không còn "chống lưng" mạnh mẽ cho Triều Tiên trên các diễn đàn quốc tế và có thể thực thi các giải pháp trừng phạt kinh tế theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế nhưng ở chiều ngược lại, Bình Nhưỡng đã thực sự có trong tay uy lực hạt nhân (bằng chứng là vụ thử nghiệm thành công) và sức mạnh tên lửa (bắn được tên lửa liên lục địa).
Không phải là Bình Nhưỡng không thể làm gì
"Nếu ta tấn công họ sau khi họ có vũ khí hạt nhân, thì đây không còn là một cuộc chiến phủ đầu. Nó chỉ là một cuộc chiến tranh hạt nhân kiểu cũ" - ông Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định.
Mỹ đắc lợi?
Vì vậy khả năng xảy ra chiến tranh trực diện là không cao dù không phải không có. Và tình hình này cũng không phải là mới, có chăng nó bị đẩy lên cao hơn trong quá khứ ở một số thời điểm.
Như trong tình hình hiện nay, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tổng thống Donald Trump đã hứa không bỏ đồng minh của Mỹ ở Đông Á và sẵn sàng sử dụng cả khả năng hạt nhân nếu…
Với Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo đã điện đàm ngay với người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford.
Tướng Jeong đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có "những biện pháp đáp trả quân sự hiệu quả" đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, nhằm mục đích chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của liên minh Hàn - Mỹ.
Phía Hàn đã có ngay sự cam kết bao che từ Mỹ khi tướng Dunford đã lên tiếng ủng hộ lời đề nghị này và cam kết hợp tác.
Hai quan chức cũng nhất trí thảo luận tất cả các biện pháp quân sự đối với Triều Tiên theo tinh thần của liên minh. Hai bên nhất trí sẽ có những biện pháp quân sự phối hợp đối với Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD sẽ đem lại cho các nhà thầu Mỹ hàng tỉ USD nếu bán được - Ảnh: REUTERS
Và chỉ hơn nửa ngày sau đó, Hàn và Mỹ đã có cuộc tập trận bắn đạn thật với những cú phóng tên lửa đạn đạo Hyunmoo và sự tham gia của máy bay chiến đấu F-15K.
Những hãy nhớ rằng hình như tình hình căng thẳng càng kéo dài thì các nhà thầu vũ khí của Mỹ lại càng có lợi. Hàn Quốc đã đặt mua gần đây và Nhật cũng tăng chi phí quốc phòng lên cao nhất…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận