19/05/2018 16:29 GMT+7

'Hòn ngọc' Sơn Trà từng có vườn thực nghiệm

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Nay, dù Sơn Trà đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn vết tích về một "Vườn thực nghiệm" có hầu hết các loại cây của Việt Nam và thế giới...

Hòn ngọc Sơn Trà từng có vườn thực nghiệm - Ảnh 1.

Bán đảo Sơn Trà - Ảnh: LÊ HẢI SƠN

"Hòn ngọc độc nhất vô nhị"

Nhiều người đến bán đảo Sơn Trà hay tìm đến Sơn Trà Tịnh Viên để thưởng ngoạn khu bảo tồn tre trúc tại đây, nhưng ít người biết trước đây nó chính là một góc nhỏ của Vườn thực nghiệm Sơn Trà. 

Chỉ ra hàng thông già Caribê trước cổng, sư thầy Thích Thế Tường cho biết đó là một trong số ít cây của Vườn thực nghiệm mà ông đã giữ lại được trước sự đe dọa đốn bỏ của những người mở đường trên bán đảo Sơn Trà.

Ông Hoàng Đình Bá, nguyên trưởng Ty lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cho biết ngay sau "ngày giải phóng", những nhà khoa học đầu tiên đã tiếp cận Sơn Trà. Đó là đoàn điều tra quy hoạch của trung ương của vụ trưởng phụ trách KHKT cùng Viện nghiên cứu lâm nghiệp, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội... 

Chuyến đi này thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Sơn Trà là vườn quốc gia. Đoàn chuyên gia này vào Sơn Trà để điều tra, khảo sát thực địa tại Sơn Trà.

Theo lời ông Bá, "sau gần 1 năm ròng rã, đoàn chuyên gia đã lập xong bản luận chứng Vườn quốc gia Sơn Trà và nêu rõ ý nghĩa của nó. Họ cho rằng Sơn Trà là địa điểm đạt mức đẳng cấp, với độ che phủ hơn 99% bằng rừng cận nguyên sinh.

Có đầy đủ chủng loại hỗn giao, mật độ cây, trữ lượng cây vào loại đẳng cấp cao của thế giới. Là nơi còn lại những động vật quý hiếm sắp bị tuyệt chủng như voọc chà vá... Đoàn cũng đánh giá Sơn Trà là hòn ngọc độc nhất vô nhị của quốc gia, tượng trưng linh khí, hồn thiêng của đất nước... Là biểu tượng cho cuộc cách mạng xanh".

Không chỉ tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát, đoàn chuyên gia này cũng đã mang theo 20 cây thông Caribê do nhân dân Cuba tặng nhân dân Việt Nam lên Sơn Trà để trồng. Và đó là những cây thông mà sư thầy Thích Thế Tường đã giữ gìn được cho đến hôm nay.

Cũng từ chuyến đi đó, gần 100 nhà lâm nghiệp, khoa học, lãnh đạo, quân đội... đã cùng "cam kết" đóng góp để xây dựng vườn quốc gia đặc dụng Sơn Trà.

Hòn ngọc Sơn Trà từng có vườn thực nghiệm - Ảnh 2.

Khu bảo tồn tre trúc Việt trong Sơn Trà Tịnh Viên

Vườn thực nghiệm

Năm 1983, Ủy ban Khoa học - kỹ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã có văn bản gửi BQL nhà đất và công trình công cộng của TP Đà Nẵng xin địa điểm xây dựng vườn thực nghiệm. 

Hà Nội đã cử hai chuyên gia vào giúp các cán bộ địa phương tiến hành điều tra các thông số về tự nhiên, thổ nhưỡng, quyết định chọn bán đảo Sơn Trà làm vườn thực nghiệm với quy mô 20ha tại Suối Đá, Bãi Nồm của Sơn Trà. Đất rừng được giao để làm vườn thực nghiệm là đất trống đồi trọc, bị xói mòn nghiêm trọng.

Ông Hồ Duy Diệm - nguyên phó BQL nhà đất và công trình công cộng TP Đà Nẵng - cho biết thêm: "Lãnh đạo TP lúc bấy giờ rất ủng hộ việc xây dựng vườn thực nghiệm. Việc làm này phù hợp với quyết định của Bộ Lâm nghiệp đưa Sơn Trà thành vườn quốc gia sinh thái tự nhiên, phục hồi một số diện tích đã bị hoang hóa, hư hại..."

Theo ông Hoàng Đình Bá, phương thức hoạt động của vườn thực nghiệm là tự làm, tự có, tự quản và tự chịu trách nhiệm. Các cán bộ lâm nghiệp mà trực tiếp là ông Bá đã phác thảo cụ thể, chi tiết về vai trò, mục đích Vườn thực nghiệm Sơn Trà. 

Đây là vườn thực nghiệm khoa học và công nghệ về bảo vệ môi sinh, bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn và phát triển lợi ích đa dạng sinh học rừng ở phân khu dịch vụ - sản xuất rừng đặc dụng Sơn Trà ở hai mái sườn Đông và Tây Suối Đá, độ cao từ 10-100m. 

Vườn hoạt động với tính chất là một đơn vị khoa học quần chúng xã hội, công dân tự nguyện hoạt động khoa học và công nghệ. Vườn thực nghiệm sẽ nuôi trồng các loại cây con nguyên liệu cho công nghiệp, cây con đặc sản xuất khẩu, di thực và tập hợp gen các loại cây con quý hiếm, cây thuốc, cây gỗ quý, cây có bộ rễ sâu, ong mật, trăn... 

Vườn có mục tiêu cải tạo, phục hồi, xây dựng và bảo vệ rừng Sơn Trà. Việc thực nghiệm theo hướng bốn mục tiêu trong quy chế rừng đặc dụng: bảo tồn sinh cảnh, nguồn gen động thực vật, cảnh quan văn hóa, lịch sử, nghiên cứu... Thời gian thi công từ quý 2-1987.

Hòn ngọc Sơn Trà từng có vườn thực nghiệm - Ảnh 3.

Dấu tích vườn thực nghiệm là các cây thông Caribê - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Theo ông Bá, Vườn thực nghiệm Sơn Trà được xây dựng rất bài bản, không dùng thuốc trừ sâu hay chất hóa học, dùng phân hữu cơ, vi sinh; xử lý chất thải bẩn bằng thủy sinh vật; tạo môi trường yên tĩnh có nhiều thức ăn thiên nhiên thích hợp để dẫn dụ chim thú có ích đến cư trú. Sưu tập nguồn gen, xây dựng cơ sở dữ liệu tiêu bản sống về thực vật và động vật quý hiếm, đặc sản, dược liệu, gỗ quý...

Không chỉ vậy, ông Hoàng Đình Bá cũng đã làm dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho một vườn giống gen dược liệu gồm nuôi trồng, bảo tồn và phát triển 300 chủng loại gen dược liệu trên phạm vi 3ha ở bán đảo Sơn Trà, có mối tương quan với 60 loại bệnh án thuộc 19 nhóm bệnh trong y học cổ truyền của dân tộc...

Nhưng rồi, vì nhiều lý do, vườn thực nghiệm đã không còn nguyên vẹn, một phần bị thu hồi, một phần bị phá hoại, giờ đây chỉ còn lại chút vết tích mà sư thầy Thích Thế Tường đang gìn giữ.

Hướng về Sơn Trà

Không chỉ các nhà khoa học lâm nghiệp mà bấy giờ, rất nhiều kiều bào cũng như dân trong nước đã hướng về Sơn Trà với hi vọng xây dựng nơi đây thành một vườn vạn vật có giá trị.

Lật giở những tư liệu cũ kỹ, ông Hoàng Đình Bá đọc cho chúng tôi nghe tên những người đã đóng góp cho Vườn thực nghiệm Sơn Trà. Người nước ngoài như ông Robert W.Huff, quốc tịch Canada, đã giúp 5 cây chà là Nam Mỹ. Việt kiều có ông Trần Văn Não - trưởng tiểu ban lâm nghiệp của Liên Hiệp Quốc - đã gửi cho 30 hạt giống cây châu Mỹ.

Nhiều người trong nước như vợ chồng ông Lê Tự Cường - bà Nguyễn Thị Bình của Trung tâm Bảo vệ cây di sản đã mang cây trầm hương từ Lào về tặng cho vườn thực nghiệm. Cụ Giang Thị Lang ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã tặng 10 cây gáo...

Giữ gìn Giữ gìn 'hòn ngọc' Sơn Trà

TTO - Thấy hậu quả phá rừng gây ra với các tổn thất nặng nề về thiên tai, lũ lụt như trận lụt kinh hoàng năm 1964, từ năm 1975, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã có những chỉ đạo mạnh mẽ để bảo vệ Sơn Trà.

Sơn Trà - "hòn ngọc" luôn trong trạng thái... báo động Sơn Trà - 'hòn ngọc' luôn trong trạng thái... báo động

TTO - Dù tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành nhiều chỉ thị mạnh mẽ để bảo vệ Sơn Trà, chi viện thêm cho lực lượng kiểm lâm nhưng Sơn Trà vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động.

***********

Kỳ tới: Giá trị bảo tồn thiên nhiên

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên