Bán đảo Sơn Trà - Ảnh: LÊ HẢI SƠN
Ở cái tuổi 85, với hơn nửa đời gắn với Sơn Trà, nguyên trưởng Ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Đình Bá tâm sự từ cuối năm 1972, lãnh đạo Khu ủy Khu 5 đã khẳng định "nếu giải phóng được TP Đà Nẵng sẽ lập tức thành lập vườn quốc gia "yết hầu" ở bán đảo Sơn Trà".
Chữ "yết hầu" ở đây được dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của Sơn Trà so với các vườn quốc gia khác như Cúc Phương ở Ninh Bình.
Lệnh... cấm phá
Hòa bình lập lại năm 1975, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục có những chỉ đạo mạnh mẽ để bảo vệ Sơn Trà.
Đó là chỉ thị ngày 24-6-1975 của phó chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Đức Nam gửi các cấp, ngành và lực lượng vũ trang về việc tăng cường tổ chức bảo vệ rừng.
Bảo vệ "yết hầu"
Việc đầu tiên là cấm hẳn, không ai được khai thác củi, gỗ cũng như các khoáng sản ở vùng Sơn Trà. Ty lâm nghiệp phối hợp với Ty an ninh, Sở Hải quân và bộ đội hải quân để thông báo cấm phá rừng và kiểm tra kiểm soát Sơn Trà.
Ngày 26-5-1976, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục ra quyết định số 233 về việc bảo vệ và khôi phục rừng ở bán đảo Sơn Trà.
Theo cụ Bá, lúc bấy giờ lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy hậu quả phá rừng gây ra các tổn thất nặng nề về thiên tai, lũ lụt như trận lụt kinh hoàng năm 1964.
Cùng với cấm hẳn khai thác gỗ, khoáng sản ở Sơn Trà, tỉnh cũng cấm khai thác củi gỗ và các lâm sản khác ở một số vùng cần thiết để dành cho các công trình nghiên cứu khoa học và du lịch nghỉ mát tại hệ thống đèo Hải Vân và Bà Nà.
Đồng thời, Ty lâm nghiệp phải có kế hoạch xây dựng lại các vùng rừng này.
Sau đó 1 năm, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 41 công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là một trong 10 khu rừng cấm quốc gia. Quyết định này cũng nêu rõ: Toàn bộ bán đảo Sơn Trà là khu rừng cấm quốc gia - từ chân núi kéo dài ra 500m là vùng bất khả xâm phạm.
Các tài liệu của Ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng ghi nhận sau ngày giải phóng, khi lực lượng kiểm lâm khảo sát thực tế thì bán đảo Sơn Trà bị phá khoảng 2,5ha rừng, do lực lượng quân đội Mỹ và VNCH dùng để làm sân bay trực thăng, trạm rađa và bãi tập kết...
Ông Hoàng Đình Bá và tư liệu về các chỉ thị bảo vệ Sơn Trà sau năm 1975 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Sự kiện 1977
Theo một vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, tại Sơn Trà đã xảy ra một sự kiện đỉnh điểm vào đầu năm 1977 mà đích thân 2 vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh phải nhiều lần đến làm việc với lực lượng kiểm lâm để có biện pháp giải quyết.
Đó là vụ phá rừng Sơn Trà diễn ra trong 15 ngày với gần 500 người tại khu vực Suối Đá và Bãi Nồm mà hậu quả là gần 20ha bị tàn phá để lấy củi, lấy gỗ.
Theo ông Phạm Vị - nguyên chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ, bán đảo Sơn Trà có đường chu vi chân núi khoảng trên 30km, trong đó giáp biển trên 20km, khoảng 10km tiếp giáp đất liền, có nhiều bãi bến có thể đậu được đủ các loại thuyền bè.
Do đó, việc ngăn chặn những người vào rừng Sơn Trà chặt cây, săn bắt chim thú rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác nữa là bán đảo Sơn Trà nằm trên đất Q.3 (TP Đà Nẵng). Số lượng dân của Đà Nẵng khoảng hơn 30 vạn, hằng ngày cần dùng một lượng củi để đun nấu sinh hoạt trong gia đình rất lớn. Trong khi đó, Nhà nước chưa đủ khả năng cung cấp chất đốt tối thiểu cho nhân dân trong TP.
Trước yêu cầu bức thiết đó, đã có một số người cố ý đi chặt cây lấy củi về đun. Hạt kiểm lâm nhân dân Q.3 bắt và xử lý nhiều lần nhưng họ vẫn cứ đi chặt củi, có những ngày người lên núi Sơn Trà tới 400-500 người.
Đặc biệt tháng 7, tháng 8 là những tháng chuẩn bị củi để phòng lũ lụt nên người dân đã lên rừng Sơn Trà lấy củi rất nhiều. Cùng với đó, một số người ở nơi khác không còn công ăn việc làm sau khi hòa bình đã lén lút lên núi Sơn Trà chặt gỗ, củi bán mưu sinh.
Hạt kiểm lâm nhân dân Q.3 càng ra sức canh giữ, ngăn chặn người vào rừng chặt cây thì họ cũng tìm mọi thủ đoạn trốn tránh, cố tình lấy được củi về bán.
Thậm chí, có một số người đem cả gạo lên Sơn Trà nấu ăn và ngủ nhiều đêm ở trên núi để chặt cây rồi đưa thuyền máy ra các bãi biển ở chân núi để chở củi về.
Lực lượng kiểm lâm lúc bấy giờ chỉ có 8 người, vì thế Chi cục Kiểm lâm đã rút 20 người của các hạt Hòa Vang, Duy Xuyên, Tam Kỳ về tăng cường cho Hạt kiểm lâm nhân dân Q.3 để có đủ sức bảo vệ rừng Sơn Trà.
Với quân số 30 người này và 2 chiếc canô, Hạt kiểm lâm nhân dân Q.3 chia làm 3 tổ đi tuần tra ngày đêm, phối hợp với địa phương lập tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Tuy vậy, vẫn thấy gay go, vất vả.
"Mặt khác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số kiểm lâm còn non kém, hạn chế nên có lúc giải quyết không khéo léo tạo nên những căng thẳng không cần thiết đối với dân" - cụ Hoàng Đình Bá cho biết.
Công an mổ xác chết của voọc chà vá chân nâu để phục vụ công tác điều tra săn bắt động vật quý hiếm trái phép ở Sơn Trà - Ảnh: BÙI VĂN TUẤN
Theo Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 2-1977, bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.404ha.
Trước khi tỉnh này có quyết định 233, rừng Sơn Trà đã bị chặt phá bừa bãi. Từ khi có quyết định này, tình hình phá rừng Sơn Trà đã giảm đi rõ rệt.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn khoảng năm 1864 đã viết về núi Sơn Trà như sau: “Tương truyền trên núi có ngọc, đêm đến thường chiếu sáng xuống biển.
Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây. Phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sừng sững ở cửa biển. Phía tây cửa biển là vũng Sơn Trà, là chỗ trú ẩn của tàu thuyền”.
Do vị trí quan trọng về quân sự, các vua nhà Nguyễn luôn tăng cường hệ thống phòng thủ ở đây.
*********
Kỳ tới: Trong trạng thái... báo động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận