18/05/2018 16:24 GMT+7

Sơn Trà - 'hòn ngọc' luôn trong trạng thái... báo động

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Dù tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành nhiều chỉ thị mạnh mẽ để bảo vệ Sơn Trà, chi viện thêm cho lực lượng kiểm lâm nhưng Sơn Trà vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động.

Sơn Trà - hòn ngọc luôn trong trạng thái... báo động - Ảnh 1.

Bán đảo Sơn Trà - Ảnh: LÊ HẢI SƠN

Theo điều tra của Sở Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, 15-20% người phá rừng Sơn Trà là người dân cần chất đốt, còn lại 80% phá rừng chuyên nghiệp để mưu sinh

Một mặt phải bảo vệ rừng cấm, mặt khác, chính quyền cho phủ xanh rừng...

Chống... xâm nhập Sơn Trà

Theo trưởng Ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng Hoàng Đình Bá, vào năm 1987, làm việc trên và xung quanh khu rừng cấm Sơn Trà có hơn 30 đơn vị, cơ quan của T.Ư, địa phương. 

Nơi đây còn có cảng lớn Tiên Sa nên mật độ người, tàu thuyền, ôtô ra vào khá đông, việc kiểm tra bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. 

Trên bộ, kẻ phá rừng giả dạng công nhân đi làm hoặc theo các ôtô vào ra nhận trả hàng ở cảng rất phức tạp, khi Hạt kiểm lâm TP Đà Nẵng tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ thì số người phá rừng chuyên nghiệp này tìm mọi cách khiêu khích để hành hung kiểm lâm. 

Không chỉ vậy, một số thanh niên ở các phường khu vực 3 đã nhiều lần tổ chức phục đánh kiểm lâm ở mọi lúc, mọi nơi. Các đối tượng này còn tổ chức đón đường, vứt đá, cây vào người, xe của cán bộ, nhân viên kiểm lâm. Thậm chí họ còn tổ chức đánh con, em kiểm lâm đi chơi hay đi học.

Theo điều tra của Sở Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, 15-20% người phá rừng Sơn Trà là người dân cần chất đốt, còn lại 80% phá rừng để mưu sinh.

Theo ông Bá, việc bảo vệ rừng Sơn Trà luôn gặp phải những khó khăn, thách thức suốt từ những năm sau 1975 đến nay. 

Các đối tượng tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để vào rừng rồi móc nối với một số lái xe của Tổng kho An Đồn, Công ty đại lý vận tải đường biển 2 và kho vận ngoại thương. Họ đưa tiền cho số lái xe này để đưa họ vào rừng và kết hợp vận chuyển củi, than, gỗ ra khỏi rừng.

Riêng con đường ôtô từ chân núi lên Đỉnh 696 ở bán đảo Sơn Trà, số người phá rừng đóng xe trượt chở củi, gỗ và người chạy từ trên đỉnh xuống tận chân núi. 

Không chỉ vậy, trên đường biển, một số ngư dân dùng tàu, thuyền máy và thúng chai chở người đột nhập các bến bãi xung quanh rừng cấm Sơn Trà để chặt cây, đốt than, khai thác gỗ và săn bắt chim thú.

Sơn Trà - hòn ngọc luôn trong trạng thái... báo động - Ảnh 3.

Cùng nhau trồng rừng trên báo đảo Sơn Trà những năm 1980 - Ảnh: BÙI VĂN TUẤN

Bắt tay trồng lại rừng

Trước tình hình này, ngày 21-9-1987, Sở Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã bàn những biện pháp cấp bách phải làm để bảo vệ rừng cấm quốc gia Sơn Trà, nếu không muốn rừng tiếp tục suy thoái nghiêm trọng và một số loài động vật cư trú trong đó bị diệt vong. 

Lực lượng kiểm lâm nhân dân TP Đà Nẵng nhận được chỉ thị phải kết hợp với các đơn vị quân đội, công an, UBND các phường tham gia bảo vệ rừng Sơn Trà và vận động các tổ chức, nhân dân tham gia trồng rừng ở Sơn Trà.

Tính đến tháng cuối năm 1987, Hạt Kiểm lâm nhân dân TP Đà Nẵng đã tổ chức, giao 140ha đất trống để trồng rừng và trồng được 63ha rừng đã có độ xanh phủ. 

Trong đó, Xí nghiệp Lâm nghiệp TP Đà Nẵng trồng 50ha, HTX mỹ nghệ Tự Cường trồng được 8ha, các trường phổ thông cơ sở trong thành phố Đà Nẵng trồng 3ha và tổ hưu ông Lê Mạnh Thắng trồng 2ha...

Sở Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có kiến nghị sớm trồng lại 168ha rừng nghèo kiệt dọc chân khu rừng cấm quốc gia Sơn Trà và đề nghị Bộ Lâm nghiệp trích công trình PAM cấp cho tỉnh 50 tấn lương thực, hỗ trợ tiền vốn ban đầu để tỉnh có điều kiện trồng rừng ở Sơn Trà.

Không chỉ lực lượng dân sự, mà đơn vị quân đội như Vùng 3 Hải quân, ngoài việc xin nhận và đang trồng gần 80ha rừng dọc đường ôtô từ cổng 1 đến cảng Tiên Sa vào trận địa pháo 352, vùng còn tổ chức, thành lập một trạm gác liên hợp cùng kiểm lâm trực 24/24 giờ, ngăn chặn người và các phương tiện ra vào khu rừng cấm trên trục lộ vào cảng. 

Những đơn vị tích cực tham gia bảo vệ rừng thời kỳ đó là đồn biên phòng 252, Công an Thọ Quang, An Hải Bắc, Hải đội 8 biên phòng...

Hòa trong khí thế phủ xanh rừng cấm Sơn Trà đó, ngày 4-9-1990, ngay cả Ban khoa học - kỹ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Lê Khắc Thanh làm trưởng ban đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho ban này tham gia việc khôi phục, xây dựng và bảo vệ sinh thái khu bán đảo Sơn Trà. 

Đơn xin ngày đó vẫn còn lưu trữ đến tận bây giờ. Chúng tôi xin trích lại hầu bạn đọc để thấy tinh thần trồng rừng thời điểm đó ở Quảng Nam - Đà Nẵng như thế nào: "Ý thức được trách nhiệm của công dân, Ban khoa học - kỹ thuật xin tham gia việc khôi phục, xây dựng và bảo vệ hệ thống sinh thái bán đảo Sơn Trà. 

Xin đảm nhận 60ha đất bãi hoang trọc, rừng tàn kiệt để trồng lại cây xanh và có thể kết hợp tổ chức chăn nuôi khảo nghiệm các động vật thuộc về sinh thái rừng".

Theo ông Lê Khắc Thanh, do nhiều nguyên nhân tác động có chiều hướng có hại đến Sơn Trà khiến thực vật bị tàn phá, động vật quý hiếm bị săn bắn, tiêu diệt dần. 

Hệ sinh thái, môi trường địa lý của Sơn Trà bị phá hoại dần và điều này đang có hại trước mắt và lâu dài không chỉ cho Quảng Nam - Đà Nẵng mà cả đất nước.

Không bảo vệ, Sơn Trà chỉ còn lại đất đá

cap bach phu xanh rung cam 4 1(read-only)

Bản đồ thiết kế trồng rừng ở Sơn Trà thời điểm 1987 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo thống kê của Sở Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1987, rừng cấm quốc gia Sơn Trà có diện tích tự nhiên là 4.370ha, trong đó rừng trung bình có 1.530ha, rừng cây tái sinh 1.252ha, rừng cây leo, thảm cỏ cây bụi 1.000ha, còn lại gần 600ha rừng là đồi trọc.

Còn theo bản báo cáo về việc cấp bách phải làm để bảo vệ Sơn Trà thì do rừng bị phá khiến nguồn nước ngọt phục vụ các cơ quan đơn vị, quân đội và nhân dân xung quanh khu rừng cấm Sơn Trà luôn trong tình trạng báo động.

Lượng nước chảy, chứa ở các bể năm 1987 chỉ bằng 6/10 lượng nước chảy, chứa năm 1980. Nước thì giảm nhưng số lượt người vào rừng cấm Sơn Trà chặt phá lại tăng lên.

Số lượt người vi phạm đông nhất là vào các tháng nghỉ hè, những tháng biển động và những ngày thứ năm, chủ nhật hằng tuần.

Những thời điểm này, nếu kiểm lâm thiếu tích cực, không tăng cường ngăn chặn tại các cửa rừng từ 0h-13h thì trên toàn khu rừng cấm Sơn Trà sẽ có hàng trăm người phá rừng.

Với số lượng người này, chỉ cần mỗi người 0,1 ster gỗ củi thì mỗi ngày rừng cấm Sơn Trà sẽ bị trọc trắng 1,5ha. Nếu tình hình này không được ngăn chặn kịp thời, đến năm 1983 khu rừng cấm quốc gia Sơn Trà chỉ còn trơ đất đá.

Kỳ tới: Vườn thực nghiệm

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên