Theo ILO, an sinh xã hội không chỉ là hỗ trợ ứng phó khẩn cấp mà còn là việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh thu nhập, đặc biệt là các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai hay trường hợp người mất đi thu nhập chính, gia đình có trẻ em... - Ảnh: HÀ QUÂN
Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2020 - 2022 của ILO vừa ra mắt chỉ ra rằng dịch COVID-19 là thời điểm then chốt để các nước ban hành những chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp chuẩn bị và sẵn sàng chống chịu với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Báo cáo nêu, có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội. Trong khi đó, còn 4,1 tỉ người (chiếm 53% tổng dân số) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Chẳng hạn, Châu Âu và Trung Á là những nơi có tỉ lệ bao phủ cao nhất với 84% dân số được hưởng ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, tiếp theo là Châu Mỹ với 64,3%. Tỉ lệ này ở Châu Á và Thái Bình Dương là 44% và giảm dần ở các quốc gia Ả-rập, châu Phi lần lượt là 40% và 17,4%.
Trên toàn cầu, chỉ khoảng 1/3 người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp khuyết tật, 45% phụ nữ mới sinh được hưởng trợ cấp thai sản bằng tiền mặt hay chỉ 26,4% trẻ em toàn cầu được hưởng một loại hình trợ cấp an sinh xã hội như tiếp cận giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin…
Bên cạnh đó, diện bao phủ trợ cấp thất nghiệp thậm chí thấp hơn, chỉ 18,6% lao động toàn thế giới được thụ hưởng. Mặc dù, có 77,5% người trên tuổi nghỉ hưu được các quốc gia chi trả trợ cấp hưu trí nhưng sự chênh lệch giữa nông thôn - thành thị, phụ nữ - nam giới còn rất lớn.
Điểm đáng chú ý nữa là các nước chi trung bình 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho an sinh xã hội (không bao gồm y tế). Trong khi, các nước có thu nhập cao chi tới 16,4% GDP cho an sinh xã hội thì có nước thu nhập thấp chỉ chi 1,1% GDP.
Để đảm bảo an sinh xã hội cơ bản, ILO khuyến nghị các nước thu nhập thấp sẽ phải đầu tư thêm 77,9 tỉ đô la Mỹ (USD) mỗi năm, con số ở các nước thu nhập trung bình tương ứng với gần 16% GDP.
Bà Shahra Razavi, Vụ trưởng Vụ An sinh xã hội của ILO, cho biết: "Các quốc gia hiện đứng trước sức ép lớn phải củng cố các chính sách tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng. Nhưng nếu các quốc gia cắt giảm an sinh xã hội, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Đây mới chính là lĩnh vực cần thiết phải được đầu tư ngay lúc này".
Theo bà Shahra Razavi, an sinh xã hội là nền tảng giúp tạo sự bình đẳng, quản lý di cư tốt hơn, thậm chí là hệ thống kinh tế bền vững hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận