Bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm corona được Bệnh viện Chợ Rẫy cho xuất viện sáng 4-2 - Ảnh: D.PHAN
Với sự điều trị thành công này, cộng với sự giải thích của các chuyên gia y tế, bản thân tôi được tăng thêm niềm tin vào cuộc chiến chống bệnh tật. Và với sự nỗ lực của Trung Quốc và sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam, hi vọng dịch corona sẽ sớm được đẩy lùi.
Đại diện Tổng lãnh sự Trung Quốc nói.
Phía sau sự hồi sinh của chàng trai này là nguy cơ lây nhiễm và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Những ngày lo lắng
"Khu vực cách ly đặc biệt, cấm thân nhân ra vào" - dòng chữ in hoa trên nền tấm bảng màu đỏ đủ để mọi người cảm thấy độ nghiêm trọng của những gì phía sau nó. Một nửa hành lang tầng 2, khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) 14 ngày nay đều trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" chỉ vì virus corona.
Li Zichao sống ở Long An từ tháng 10-2019 và chưa từng đến khu vực bùng phát virus corona hoặc tiếp xúc với ai từ vùng dịch. Thế rồi kể từ khi gặp cha tại Nha Trang, ở chung phòng khách sạn, chàng trai vốn có cơ địa khỏe mạnh bỗng chốc gục ngã trước virus corona chủng mới này. Những ngày sau, các biểu hiện ho khan, sốt, nôn mửa và tiêu chảy... bắt đầu hành hạ Li Zichao. "Tôi chỉ nghĩ mình bị cảm sốt bình thường và mua thuốc uống" - chàng trai kể.
Cho đến khi từ Nha Trang vào TP.HCM, rồi người cha phát bệnh đi các bệnh viện huyện Bình Chánh, Chợ Rẫy..., chàng trai trẻ này vẫn không nghĩ mình nhiễm virus corona. "Lúc chúng tôi yêu cầu cách ly, anh ấy không đồng ý, phải mất một thời gian phân tích, cuối cùng người này mới chịu. Nếu không có sự cảnh giác cách ly từ đầu có thể chính anh ấy gieo rắc nhiều nguy cơ ngoài cộng đồng" - ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.
Ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cũng cho rằng khi dịch đang còn ở đâu đó thì Bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt là kíp trực, có các nghi ngờ "rất nghiệp vụ". Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp. "Về mặt lâm sàng, anh Li Zichao chưa nhất thiết phải nhập viện, nhưng khi nhận thấy các yếu tố nguy cơ nên các bác sĩ lập tức vận động ở lại bệnh viện điều trị. Và ngay trong đêm, bệnh viện kết nối với viện làm xét nghiệm, ngày hôm sau cho ra kết quả dương tính", ông Lân kể.
Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế) và ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) trao giấy xuất viện cho anh Li Zichao - Ảnh: D.PHAN
Không dễ đưa ra phác đồ điều trị
Bác sĩ Lê Quốc Hùng - trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - nói rằng khi nhập viện, bệnh nhân được phối hợp điều trị bằng thuốc kháng virus, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ...
"Không có thuốc điều trị đặc hiệu nên để tiêu diệt nCoV, điều quan trọng nhất là điều chỉnh những rối loạn về hô hấp, huyết học, đường huyết, diệt vi khuẩn đồng nhiễm để bệnh nhân có thời gian hồi phục bệnh. Dựa theo tình hình lâm sàng và kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ điều chỉnh các loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn của bệnh" - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Và điều may mắn, với cơ địa khỏe mạnh cộng với sự vận dụng điều trị khoa học của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Li Zichao thực sự vượt qua virus corona sau 4 lần xét nghiệm đều âm tính.
Được ra viện, chàng trai Li Zichao xin các bác sĩ ở lại để tiện chăm sóc cho người cha, vốn đang được cách ly đặc biệt để tiếp tục điều trị virus corona. Và để đáp ứng tình cảm này, bệnh viện thiết kế phòng riêng để mỗi ngày anh đều có thể nắm được thông tin cha mình một cách nhanh nhất.
"Bệnh viện còn bố trí hai cha con mỗi người một chiếc điện thoại để tiện gọi điện trao đổi. Phải cách ly nên việc gọi điện sẽ làm cho cha con cảm thấy tự tin, thoải mái hơn trong điều trị" - một bác sĩ kể.
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng để đạt được kết quả điều trị thành công cho người bệnh nhiễm virus, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện rất nghiêm phác đồ điều trị. Ông Khuê đề nghị bệnh viện tiếp tục phát huy, tìm tòi, sáng tạo trong việc điều trị bệnh, không được phân biệt đối xử mà phải chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, đặc biệt là người Trung Quốc.
Thủ tướng tặng bằng khen cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM
Với thành công trong điều trị cho ca bệnh nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam, hai tập thể gồm Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen. Ngoài ra, còn có 10 tập thể và 7 cá nhân của hai đơn vị được bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen.
Người cha còn dương tính với virus corona
Về tình hình sức khỏe của ông Li Ding (66 tuổi, cha của bệnh nhân Li Zichao), bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết so với lúc nhập viện không thể tự đi đứng, ăn uống được, phải thở oxy liều cao liên tục thì nay bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt bình thường, các chức năng gan, thận, rối loạn tiêu hóa được điều trị thành công. "Với một bệnh nhân nhiều bệnh nền như thế và diễn biến lâm sàng đến thời điểm hiện tại là một điều hết sức khả quan" - bác sĩ Hùng đánh giá.
"Cảm ơn bác sĩ Việt Nam"
Sáng 4-2, Li Zichao bước ra từ khu cách ly đặc biệt ở khoa bệnh nhiệt đới trong sự chờ đón của nhiều người, trong đó có các bác sĩ trực tiếp điều trị, đại diện Bộ Y tế và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM.
Chia sẻ với mọi người, Li Zichao không giấu nổi sự xúc động. "Tôi xin gửi lời cảm ơn tập thể đội ngũ bác sĩ bệnh viện trong những ngày qua đã chăm sóc cho tôi và cha tôi. Các bác sĩ không chỉ chăm sóc cho chúng tôi về mặt thể chất mà còn lo cả mặt tinh thần. Hôm nay được xuất viện nhưng tôi có nguyện vọng được ở lại để tiện chăm sóc cho cha tôi đến lúc phục hồi" - Li Zichao nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận