20/11/2019 11:46 GMT+7

Hội 'ký sinh'

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Để không còn 'miếng bánh' béo bở cho nhiều cán bộ níu giữ chút quyền lợi, tiếng nói của mình, để thực trạng loạn hội 'ký sinh', sống bám vào ngân sách nhà nước chấm dứt, đã đến lúc phải rà soát, phân loại để có chính sách chấn chỉnh.

Hội ký sinh - Ảnh 1.

Thông tin "hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội" mà Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra trong buổi thảo luận tại Quốc hội một lần nữa cho thấy có tình trạng loạn hội "ký sinh" vào ngân sách nhà nước.

Lâu nay, hội trở thành "miếng bánh" béo bở để nhiều cán bộ níu giữ chút quyền lợi, tiếng nói của mình.

Những hội này khi xin thành lập đều lấy danh nghĩa tự chủ, tự quản nhưng thực tế lại là những hội đặc thù hưởng nhiều "lợi lộc" như được phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động...

Kèm theo đó là hàng loạt quỹ hội, nguồn tiền tài trợ... thu vào nhưng không được quản lý, giám sát chặt chẽ. Thậm chí nguy hại hơn, có hội chỉ thành lập "trá hình" để bảo vệ cho những doanh nghiệp thuộc bộ mà cán bộ này quản lý trước đó.

Khi còn đương chức với tư cách lãnh đạo quản lý nhà nước, nếu cán bộ đó đứng ra phát biểu bảo vệ doanh nghiệp dễ bị dư luận "ném đá", nhưng khi đã về hưu với "mác" nguyên cán bộ và nhân danh hiệp hội để bảo vệ, lobby chính sách, bảo vệ cho doanh nghiệp thì dễ dàng hơn.

Nhận nhiều ưu ái nhưng hiệu quả hoạt động của những hội này rất khó đánh giá, quản lý. Ngân sách gánh nặng thêm nhưng hiệu quả hoạt động của hội lại không rõ.

Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh về lập hội, trong đó nêu rõ hội hành động để đạt mục đích chung, mục đích ấy không phải để chia lợi tức.

Các hội tự chủ, tự quản được thành lập nhằm khắc phục, bổ khuyết những hoạt động mà cơ quan nhà nước không với tới hoặc hoạt động nhưng không đạt hiệu quả.

Trong khi đó hiện nay, nhiều hội đặc thù được thành lập giống như một "bản sao" của cơ quan nhà nước. Có nhiều hội có quyền tổ chức tập huấn, ban hành các loại chứng chỉ, giấy chứng nhận...

Những hội này vừa không gần dân, vừa không giúp gì cho công tác quản lý nhà nước, như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: "không những không tốt cho đất nước mà còn ngược lại".

Quan trọng hơn, nếu như cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chất vấn về hoạt động thì các hội này lại không chịu sự giám sát chặt chẽ như vậy.

Khách quan mà nói cũng không loại trừ có những cán bộ sau thời gian công tác, với kinh nghiệm quản lý, chuyên môn dày dạn, khi về hưu muốn lập hội để hoạt động cống hiến cho xã hội ở lĩnh vực chuyên môn cán bộ đó từng đảm nhiệm. Đây vừa là quyền, vừa là hành động cần được tôn vinh, khuyến khích.

Tuy nhiên, việc thành lập này phải trên nguyên tắc Nhà nước chỉ phân bổ ngân sách, biên chế và các chế độ cho những hội được thừa nhận trong Hiến pháp. Còn cán bộ về hưu muốn lập hội thì chỉ thành lập với tư cách công dân, ngân sách không nên bao cấp, nuôi dưỡng những hội này.

Trước thực trạng "loạn hội" sống bám vào ngân sách nhà nước như hiện nay, rất cần phải rà soát, phân loại để có chính sách chấn chỉnh. Cần mạnh dạn cắt bỏ một bộ phận hội đặc thù, chuyển sang hội tự quản vừa là cách trả lại mục đích thành lập, hoạt động của hội, vừa cắt gánh nặng mà ngân sách phải "đeo" bao lâu nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội’ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội’

TTO - 'Hầu hết các bộ, ngay bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ chủ tịch một hội', Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên