Học sinh lớp 1 ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đi học trực tiếp từ ngày 20-11 - Ảnh: NGỌC CHI
Nếu nhà trường đảm bảo công tác phòng dịch tốt sẽ tạo sự đồng thuận từ phía phụ huynh.
Cô LÊ THỊ EM (hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Bà Trưng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Tại Đà Nẵng, để đón học sinh khối lớp 1 đến trường ngày 6-12, các trường đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời động viên phụ huynh cho con đến trường. Theo kế hoạch, khối lớp 1 tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, các phường cấp độ 3 sẽ không cho học sinh lớp 1 đi học trở lại.
Dự phòng cả phương án "3 tại chỗ"
Theo ghi nhận tại một số trường ở Đà Nẵng, đến ngày 4-12 công tác chuẩn bị đón học sinh đã hoàn tất. Các trường đã cho khử khuẩn lại toàn bộ các phòng học lần cuối, chuẩn bị hệ thống đo thân nhiệt, sát khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly tạm thời... Giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường đều đã thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Nhiều trường tiểu học ở Đà Nẵng cho biết qua khảo sát, tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho con đến trường không cao. Cô Trương Thị Hồng Thanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu - cho biết: "Khó khăn lớn nhất là lo lắng của phụ huynh. Các giáo viên chủ nhiệm đang làm công tác tư tưởng cho phụ huynh và đến ngày đi học mới biết chính xác số học sinh đến lớp. Nếu số lượng học sinh đi học quá ít sẽ có sự chênh lệch về chất lượng học giữa em đi học và em không đi học".
Cô Thanh cho biết ngoài xây dựng phương án xử trí khi xuất hiện ca nghi nhiễm trong trường, nhà trường còn chuẩn bị cả trường hợp dự phòng sẽ có phương án "3 tại chỗ" đối với học sinh và giáo viên. Về việc đảm bảo 5K cho học sinh lớp 1, theo cô Thanh, vẫn xác định giáo viên sẽ nhắc nhở thường xuyên, các em sẽ được giải lao tại chỗ để hạn chế tiếp xúc giữa các lớp với nhau.
Cô Lê Thị Em - hiệu trưởng Trường tiểu học Hai Bà Trưng, quận Sơn Trà - cho biết không chỉ lo bên trong trường, việc đảm bảo phòng dịch trước cổng trường khi phụ huynh đưa đón con cũng rất quan trọng. Vì vậy, nhà trường sẽ phân luồng cho từng khối lớp, có giáo viên đón học sinh trước cổng trường ở những vị trí khác nhau để đảm bảo giãn cách.
Lớp học "2 trong 1"
Hôm qua 4-12, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, thực hiện phân luồng, giãn cách học sinh, nhiều trường THPT tại Hà Nội phải rà soát để phân loại các nhóm học sinh đủ và không đủ điều kiện đến trường.
Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) mới chỉ có hai trường hợp được phụ huynh báo cho ban giám hiệu xin học trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng - cho biết tại cuộc họp triển khai chuẩn bị đón học sinh vào ngày 6-12, ban giám hiệu cũng chỉ đạo kỹ việc cập nhật thường xuyên thông tin về học sinh trước và cả sau khi trở lại trường.
"Chúng tôi giao cho giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện phụ huynh xử lý khi có những em phải học ở nhà. Học sinh sẽ nghe giảng cùng cả lớp nhưng qua kết nối với máy tính. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp để hỗ trợ những học sinh này như gửi video bài giảng, hướng dẫn khi học sinh không hiểu bài...
Khi học sinh đã trở lại trường thì chỉ còn giải pháp này, vì không thể song song duy trì các lớp dạy trực tuyến như trước bên cạnh lớp trực tiếp. Chủ yếu do giáo viên không cùng lúc dạy được hai hình thức trong một buổi" - cô Nhiếp nói.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng đang có sáu học sinh không thể đi học ngay vào ngày 6-12. Ông Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng - cho biết con số này có thể sẽ dao động trong quá trình học sinh trở lại trường vì tình hình dịch khó lường. Nhưng trừ những trường hợp nguy cấp, cần đảm bảo an toàn thì phải cho học sinh toàn trường nghỉ, còn hiện tại trường kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp.
Cụ thể, buổi sáng học sinh khối 10, 11, 12 sẽ học trực tiếp ở trường, buổi chiều tiếp tục học trực tuyến. Những trường hợp học sinh không thể đến trường thì sẽ được gửi video bài giảng, giáo viên có trách nhiệm giao việc và kiểm tra trên hệ thống onluyen.vn. App onluyen.vn. Nhiều trường khác của Hà Nội hiện cũng đang áp dụng song song hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Trong các ngày 4 và 5-12, một số trường tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để trao đổi tình hình, trấn an tinh thần cho phụ huynh, đồng thời lắng nghe kiến nghị của phụ huynh để có giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thích nghi tình hình phòng chống dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Nguyễn Minh Thành - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cho biết mỗi trường tiểu học có 5 khối, việc chỉ cho khối lớp 1 đi học và chỉ học một buổi, không học bán trú, nếu xảy ra trường hợp mắc COVID-19 rất dễ khoanh vùng, xử lý.
"TP đã cho F1 cách ly tại nhà và từ tháng 12 bắt đầu triển khai thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Đây cũng là cơ sở để Sở GD-ĐT từng bước đề xuất học sinh các cấp trở lại trường học tập, thích nghi với tình hình phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới" - ông Thành cho hay.
Lắp đặt webcam cho 30 phòng học
Bà Nguyễn Thị Hiền - hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cho biết trường đã lắp đặt thêm webcam cho 30 phòng học, chi phí khoảng 70 triệu đồng. Tới đây khi học sinh cả trường đi học trực tiếp, những học sinh trong diện phải cách ly hoặc ở trong khu vực bị phong tỏa có thể theo dõi bài giảng qua máy tính và tương tác với giáo viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận