04/12/2021 09:06 GMT+7

Học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường: Phụ huynh và trường lúng túng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Giữa lúc Hà Nội tăng số ca nhiễm COVID-19 cao nhất so với các đợt dịch thì UBND TP Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường.

Học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường: Phụ huynh và trường lúng túng - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Đức Tuấn, hiệu trưởng Trường THCS Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), đi từng lớp học để kiểm tra cũng như nhắc nhở thầy cô và học trò việc đảm bảo phòng chống dịch - Ảnh: NAM TRẦN

Điều này khiến phụ huynh và các trường lúng túng.

"Nguy cơ cao"

"Tôi không hiểu sao khi Hà Nội chỉ có dưới 10 ca nhiễm/ngày thì chậm trễ quyết cho học sinh trở lại trường. Trong khi hiện tại số ca nhiễm mỗi ngày là gần 500 ca, trên 50% là ca cộng đồng thì bất ngờ thành phố cho các trường đón học sinh trở lại. 

Học sinh các vùng ngoại thành theo lộ trình đã cho lớp 9 học trực tiếp thì vẫn có thể mở rộng lớp 10, 11, 12 ở vùng bớt nguy hiểm. Nhưng khu vực nội thành thì nguy cơ rất cao" - bà Thu Yến, một phụ huynh có con học lớp 10 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nói.

Chia sẻ này của bà Thu Yến trong một group nhận được nhiều lượt đồng ý của các phụ huynh khác. Nhiều phụ huynh cho rằng nên tiếp tục cho học sinh nội thành học online đến hết học kỳ 1 rồi căn cứ vào tình hình thực tế sẽ tính tiếp. 

Thời điểm đó có thể học sinh cũng được tiêm phòng mũi 2. Theo một hiệu trưởng trường THPT của quận Cầu Giấy, học sinh THPT mới tiêm mũi 1 được khoảng một tuần còn chưa sinh miễn dịch.

Trong khi đó, Hà Nội đang là địa phương có ca lây nhiễm tăng nhanh từng ngày. Biến chủng Omicron đang đe dọa các quốc gia và chưa có gì đảm bảo nó không xuất hiện ở Việt Nam.

 "Hà Nội là đầu mối giao lưu lớn thì nguy cơ càng cao. Việc học sinh trở lại trường cần lùi lại, ít nhất là hết tháng 12-2021" - vị này kiến nghị.

Nhiều trường không đủ điều kiện

Theo văn bản của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 2-12, các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch cấp độ 1, 2 trong 14 ngày kể từ 30-11 không có ca F0 cộng đồng cho phép học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường.

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, một huyện ngoại thành có nhiều "vùng xanh", hầu hết các đơn vị xã, phường, thị trấn đều có ca F0 cộng đồng chưa qua 14 ngày. 

Tương tự, nhiều trường ở khu vực quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa cũng rơi vào tình cảnh dù cấp độ dịch ở mức thấp nhưng có ca F0 cộng đồng. 

Chiều 3-12, nhiều trường THPT đã gửi đi thông báo khẩn cho phụ huynh về việc "tiếp tục cho học sinh học trực tuyến tại nhà, chưa trở lại trường vào ngày 6-12 như quy định của thành phố. Lý do tại địa bàn trường đóng có ca F0 chưa qua 14 ngày".

"Trường tôi đang chờ ý kiến lãnh đạo quận. Nhưng cả đêm qua, ban giám hiệu đã phải tự làm việc rà soát F0 theo các kênh khác nhau, trong đó có cả kênh báo chí để xác định trường mình có nằm trong vùng an toàn, đủ điều kiện như văn bản của thành phố ban ngày 2-12 nêu không. Sáng nay chúng tôi đã quyết định không cho học sinh đến trường vào ngày 6-12 vì chưa thể đảm bảo an toàn" - bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết.

Ngoài việc rà soát F0, các trường THPT còn vướng vào một khó khăn khác. Đặc thù của cấp THPT ở Hà Nội là học sinh cư trú ở nhiều địa bàn quận, huyện chứ không tập trung vào một khu vực. 

Vì thế, nếu các trường vẫn quyết tâm đón học sinh trở lại trường thì sẽ có một bộ phận học sinh đang ở vùng dịch cấp độ 3, 4 hoặc ở khu vực có ca F0 cộng đồng trong vòng 14 ngày.

Về điều này, trong văn bản của UBND TP Hà Nội cũng nêu những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau thì cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho học sinh đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

"Rất khó, cần có hướng dẫn cụ thể và chuẩn bị. Vì việc quản lý học sinh theo nhiều hình thức phức tạp hơn. Quan trọng nhất là giáo viên sẽ dạy như thế nào. Nếu gom học sinh phải học trực tuyến vào lớp riêng sẽ phá vỡ tổ chức lớp học. 

Nhưng trong một lớp hiện tại, đồng thời giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa kết nối trực tuyến sẽ khó khăn, đặc biệt là thiệt thòi cho học sinh phải học trực tuyến. Nếu tình huống bất khả kháng thì cũng cần chuẩn bị kỹ, chứ không thể thực hiện luôn vào ngày 6-12" - một hiệu trưởng ở quận Đống Đa nêu vấn đề.

Trước tình hình đó, ngày 3-12 Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục có văn bản về tổ chức dạy học trực tiếp trong đó nêu các trường trên địa bàn xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện có mức độ dịch cấp độ 1, 2 có thể cho phép học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường. 

So với tờ trình của sở đã được thành phố đồng ý 1 ngày trước thì đã được bỏ bớt điều kiện "không có ca F0 cộng đồng trong phạm vi 14 ngày". Việc bỏ bớt này nhằm để nhiều trường đủ điều kiện cho học sinh trở lại trường vào ngày 6-12.Vĩnh Hà

Xuất hiện F0, F1 trong trường: phải làm gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ngày 3-12 sở đã có hướng dẫn chi tiết về việc này.

Theo đó, các trường hợp phát hiện F0, F1, F2 ở trong trường học và các trường hợp giáo viên, nhân viên, học sinh là F0, F1, F2 ở bên ngoài trường học đều được hướng dẫn chi tiết cách xử trí: báo cáo cơ quan chuyên môn để phối hợp; khoanh vùng, tạm phong tỏa tại chỗ (nếu phát hiện F0 tại trường), khử khuẩn, tổng vệ sinh trường học, phối hợp để truy vết...

Các trường sẽ phải xây dựng kịch bản để thực hiện phân luồng học sinh, chuẩn bị phòng cách ly tạm thời cho những người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, những người tiếp xúc gần với người nhiễm; phối hợp với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu test cho giáo viên, nhân viên, học sinh của trường.

"Với diễn biến của dịch hiện nay, khó có thể kéo dài việc các trường học ngừng cho học sinh đến trường mà cần chuyển sang trạng thái linh hoạt, thích ứng tốt hơn" - ông Tiến cho hay.

TP.HCM: mời phụ huynh lớp 1 đến trường để yên tâm hơn

Tại TP.HCM, hiệu trưởng các trường THCS, THPT cho biết hầu hết phụ huynh lớp 9, lớp 12 đang nóng lòng cho con em trở lại trường. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học thì tình hình kém khả quan hơn.

"Chúng tôi đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh lớp 1 về việc cho học sinh đến trường học trực tiếp. Toàn trường chỉ có gần 30% phụ huynh đồng thuận, số còn lại cho biết là đang suy nghĩ; còn xem xét tình hình dịch bệnh; không đồng ý cho con em đến trường trong thời điểm này... Thậm chí, có lớp chỉ có 3 phụ huynh đồng ý cho con em đi học" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 thông tin.

Trong khi đó, ông Võ Minh Thành, hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn (quận 5), chia sẻ: "Phụ huynh lớp 1 hiện có hai luồng ý kiến. Những phụ huynh đã phải đến công sở làm việc thì họ khẳng định sẽ cho con em đi học, còn một số phụ huynh vẫn băn khoăn do các cháu chưa được tiêm vắc xin. Vì vậy, trường chúng tôi dự kiến sẽ chia ca để mời phụ huynh lớp 1 đưa con đến trường họp trực tiếp trước khi học sinh đi học".

Ông Thành cho biết thêm: "Ngoài việc trình bày về phương án sắp xếp cho học sinh ngồi giãn cách trong lớp học, kẻ vạch ngoài sân trường, cổng trường để học sinh đi vào trường, đo thân nhiệt... và đảm bảo khoảng cách theo quy định, nhà trường muốn cho các phụ huynh được mắt thấy tai nghe về ngôi trường mà con em họ sẽ học tập.

Chúng tôi sẽ chỉ cho phụ huynh xem từng hạng mục như phòng học của con em họ, về nhà vệ sinh, về phòng cách ly nếu phát hiện có F0 trong trường, về các loại trang thiết bị dạy học và trang thiết bị phòng chống dịch...

Chúng tôi hy vọng sau buổi họp, phụ huynh lớp 1 sẽ yên tâm hơn mà cho con em đến trường bởi việc đi học là quyền lợi của học sinh. Đối với học sinh lớp 1 thì lại càng cần thiết".

HOÀNG HƯƠNG

Trường tiểu học ở TP.HCM lên phương án đón học sinh học trở lại Trường tiểu học ở TP.HCM lên phương án đón học sinh học trở lại

TTO - Ngày 3-12, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã lên phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại trường ngày 13-12.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên