19/03/2023 09:32 GMT+7

Học quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh là 'vô dụng'?

Nhiều nội dung 'nóng' đã được đại diện Bộ GD-ĐT và các trường giải đáp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 19-3.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra sao? Khi nào đăng ký nguyện vọng 1? - Ảnh 1.

Phụ huynh đặt câu hỏi tại khu vực tư vấn chung trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Gần 20.000 học sinh, phụ huynh... đã về tham dự ngày hội, nơi có khoảng 250 gian tư vấn của hơn 100 trường đại học, cao đẳng với nhiều hoạt động sôi nổi. 

25% nội dung đề thi tốt nghiệp có tính phân hóa

Chia sẻ ngay đầu phiên tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - tiết lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu và có 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao.

"Như vậy chỉ học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 thì thí sinh có thể đạt 75% điểm số của bài thi", ông Chương cho biết.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra sao? Khi nào đăng ký nguyện vọng 1? - Ảnh 2.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cũng theo ông Chương, 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng là một trong các phương thức xét tuyển. "Thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập", ông Huỳnh Văn Chương tư vấn.

Ông Chương cũng cho biết bộ sẽ cố gắng để trong khoảng từ ngày 17 đến 19-7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thời gian thuận lợi nhất cho công tác tuyển sinh.

Chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - khẳng định là điểm mới của năm nay. Điều chỉnh về mặt kỹ thuật này tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.

Có nghĩa thí sinh muốn đăng ký vào ngành công nghệ thông tin thì chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển nào. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT cập nhật sẵn). Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ.

Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (cao nhất là nguyện vọng 1). Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra sao? Khi nào đăng ký nguyện vọng 1? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Tuy nhiên, bà Thủy cũng giải thích, về phía các cơ sở đào tạo, việc xét tuyển sẽ công bằng với tất cả các nguyện vọng. Vì thế quan trọng nhất là thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển, còn không lo nguyện vọng đó nằm ở số 1 hay số 5. Hệ thống sẽ xử lý để thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng xếp ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện.

Khi nào đăng ký nguyện vọng 1?

Nhiều phụ huynh băn khoăn "đăng ký nguyện vọng 1" thế nào? Có phụ huynh cho biết con đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường và được tư vấn nên đặt nó là nguyện vọng 1. Nhưng đây lại không phải nguyện vọng thí sinh và gia đình mong muốn nhất.

Bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Giả sử trúng tuyển 5 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng thí sinh lại không để nguyện vọng 1 với các nguyện vọng đó mà để nguyện vọng 1 là phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ cả phương thức này thì hệ thống sẽ chỉ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên. Nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.

Bà Thủy cũng giải thích thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm. Nếu các cơ sở đào tạo tư vấn như vậy với thí sinh thì các cơ sở đã làm sai quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng các khối trường công an, quân đội sẽ có quy định riêng trong việc xét tuyển.

Về điều này, thượng tá Đỗ Thành Tâm, thư ký ban tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng, cho hay các trường quân đội chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1. Vì thế nếu thí sinh muốn dự tuyển vào trường quân đội thì trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT phải để nguyện vọng vào các trường quân đội ở nguyện vọng 1.

Toán phổ thông quá khó, các trường đại học có cần?

Chia sẻ của một phụ huynh gây "xôn xao" ban tư vấn khiến nhiều thầy, cô cùng phải trao đổi. Vị phụ huynh nghiên cứu kỹ chương trình toán của con ở bậc THPT và cho rằng có những phần kiến thức quá hàn lâm như tích phân, đạo hàm không phù hợp với học sinh phổ thông. Ông thắc mắc không biết những kiến thức hàn lâm đó có cần thiết để sinh viên học ở bậc đại học hay không? Nếu không thì ông không hiểu con phải học những kiến thức hàn lâm đó để làm gì.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: "Chủ đề học tích phân, đạo hàm để làm gì đã tranh luận khá nhiều. Chúng ta nói môn toán của Việt Nam nặng nhưng chưa ăn thua gì so với các trường kỹ thuật của Đức, Pháp. 

Bản thân tôi có chuyên ngành cơ điện tử, điều khiển robot dùng toán rất nhiều nhưng dưới dạng lập trình. Nếu không trải qua các bài toán thì không thể đạt đến trình độ cao trong khoa học kỹ thuật. Vì tất cả đều lập trình trên phương trình vi phân".

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa - nói thêm: "Tùy theo mỗi ngành đào tạo sẽ có đòi hỏi khác nhau về kiến thức nền. Ví dụ cũng là toán nhưng mỗi ngành đòi hỏi khác nhau. 

Ở một số trường nước ngoài khi xây dựng chương trình sẽ xây dựng chương trình môn toán theo các ngành khác nhau, phù hợp với yêu cầu đào tạo. Trong đó có ngành kiến thức toán khá nhẹ, có ngành lại yêu cầu cao". 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội - có một thông tin thú vị là trường đào tạo đến 10 ngành ngôn ngữ và các ngành này không yêu cầu sinh viên phải học toán.

Cùng lúc đăng ký cả ngành sức khỏe, kỹ thuật được không?

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra sao? Khi nào đăng ký nguyện vọng 1? - Ảnh 4.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 19-3 - Ảnh: HÀ QUÂN

PGS.TS Lê Đình Tùng - phòng quản lý đào tạo Trường đại học Y Hà Nội - cho biết thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh phải có đủ điều kiện theo phương thức tuyển sinh của các trường mình dự định đăng ký.

Ông Tùng cho hay trong phương thức xét tuyển của Trường đại học Y Hà Nội có phương thức kết hợp với chứng chỉ IELTS nhưng yếu tố quan trọng để vào học các ngành sức khỏe của trường vẫn là kết quả thi của các môn toán, hóa, sinh.

Các chuyên gia trong ban tư vấn tại ngày hội đều khẳng định cơ hội rất rộng mở với thí sinh. Các em có thể cùng lúc đăng ký nguyện vọng vào các lĩnh vực khác nhau, thậm chí trái nhau hoặc đăng ký nguyện vọng cùng một lĩnh vực/ngành của nhiều trường khác nhau.

Chia sẻ với một phụ huynh chưa biết hướng lựa chọn nguyện vọng thế nào cùng con, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương - tư vấn thí sinh có thể lựa chọn lĩnh vực/ngành mình yêu thích, muốn học. Sau đó chọn các trường có ngành đào tạo đó và xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. 

Trường hợp thí sinh chưa biết mình thích gì thì có thể lựa chọn ngành học liên quan tới môn học là thế mạnh của thí sinh. Ví dụ thế mạnh của thí sinh là ngoại ngữ thì có thể chọn các môn học xét tuyển với tổ hợp có môn ngoại ngữ và ngoại ngữ cũng là lợi thế để các em học tập và sử dụng trong công việc sau này.

Ngành kế toán sẽ biến mất trong tương lai, có nên học?

Con thích học kế toán, nhưng đó lại là một trong số ngành sẽ biến mất trong tương lai nên bố mẹ rất băn khoăn có nên để con chọn ngành này?

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính - cho rằng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều ngành học sẽ có những điều chỉnh về chương trình, mục tiêu đào tạo để sát nhu cầu về nhân lực. Trong đó công nghệ là phương tiện để ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không phải công nghệ thay thế hoàn toàn một số ngành.

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội - chia sẻ: "Không chỉ ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm", cô Cúc Phương khẳng định.

Cơ hội "du học nghề"

Ông Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội - cho biết hiện nay có nhiều trường cao đẳng nghề theo hướng "du học nghề". Theo đó, sinh viên có thể vừa học tại Việt Nam và trường đối tác ở nước ngoài hoặc học ở Việt Nam nhưng theo chương trình liên kết với nước ngoài.

Ví dụ Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang có năm ngành đào tạo ở Việt Nam nhưng có thể được cấp cả bằng Việt Nam và quốc tế. Người học được học chương trình xây dựng theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường ở một số nước. Với những sinh viên "du học nghề", cơ hội việc làm có thể rộng mở, xuyên quốc gia.

Ông Đồng Văn Ngọc cũng chia sẻ: Mặc dù về mặt trình độ, bằng cao đẳng thấp hơn đại học một bậc. Tuy nhiên, học cao đẳng nghề cũng có những lợi thế riêng. Các chương trình của trường nghề khác với đại học ở điểm thời lượng dạy học thực hành lớn hơn dạy lý thuyết.

"Có những sinh viên từng học không giỏi các môn văn hóa ở bậc phổ thông nhưng lại giỏi khi học thực hành và là người có tay nghề cao, có thành công trong công việc sau này", ông Ngọc cho biết.

Học quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh là "vô dụng"?

Vừa rồi có clip trên Tiktok nói những nghề học vô dụng như quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh… Thầy cô chia sẻ gì về vấn đề này?

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính - nhiều năm trước, ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế cũng được mạng xã hội liệt kê là vô dụng, học ra trường không có việc làm. Nhưng thực tế số liệu về đào tạo chứng minh điều ngược lại. Ví dụ Học viện Tài chính vẫn tuyển sinh đầu vào với điểm xét tuyển cao. Thống kê trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 98% trở lên.

Để hỗ trợ các bạn học sinh cuối cấp, nguồn thông tin chính thống dự báo xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực… đội ngũ tư vấn của các cơ sở đào tạo cũng cần chủ động cung cấp thông tin, tư vấn để các bạn học sinh, phụ huynh có thông tin đáng tin cậy hơn là tham khảo mạng xã hội.

Tuy nhiên, điều chủ yếu vẫn là ở chính các bạn học sinh. Theo tôi, các bạn cần sàng lọc thông tin, đừng vội tin vào mạng xã hội để hoang mang.

Trước hết các bạn trẻ cần hiểu mình mong muốn làm gì sau bốn năm đại học. Ví dụ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thì nên học quản trị kinh doanh, muốn trở thành các chuyên gia thì học makerting, kiểm toán… Sau đó tìm hiểu xem những ngành đó có trường nào đào tạo và chọn các trường có uy tín hoặc có khả năng đỗ cao.

Tôi có thể chia sẻ thêm một thông tin để các bạn muốn theo học ngành kinh tế yên tâm là mặc dù dịch COVID-19 ảnh hướng nặng nề khiến một số doanh nghiệp, công ty đóng cửa, nhưng nó đang phục hồi. Các bạn học sinh hôm nay có bốn năm nữa để học tập và tốt nghiệp. Tới khi đó kinh tế sẽ phát triển trở lại và cơ hội sẽ rộng mở hơn. Nhìn vào cơ hội việc làm không chỉ nhìn vào hiện tại mà cần nhìn vào tương lai 4-5 năm tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Ngày hội tư vấn tuyển sinh của Tuổi Trẻ luôn đồng hành cùng các học sinhThứ trưởng Bộ GD-ĐT: Ngày hội tư vấn tuyển sinh của Tuổi Trẻ luôn đồng hành cùng các học sinh

Từ sáng sớm 19-3, đông đảo học sinh và phụ huynh từ khắp nơi đã đổ về Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ra sao? Khi nào đăng ký nguyện vọng 1? - Ảnh 7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên