Tại ngày hội ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Bà Thu Thủy khuyên không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác.
Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Trực tiếp: Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023
Bình tĩnh chọn nguyện vọng, không để ai tác động
Khuyên thí sinh "không bỏ trứng hết vào một giỏ", nhưng bà Thủy cũng cho rằng có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng là không cần thiết.
Bà Thủy cũng lưu ý theo thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Và các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Vì cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.
TS Phạm Như Nghệ - phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cũng lưu ý thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng.
Vì vậy, ngành học mà thí sinh yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Những nguyện vọng các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng các em vẫn còn băn khoăn, chưa xác định sẽ học, thì không nên đặt ở nguyện vọng 1. Bởi vì nếu trượt nguyện vọng 1 - nguyện vọng yêu thích nhất, các em sẽ lần lượt được xét đến những nguyện vọng vọng 2, 3, 4… tiếp theo.
TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường đại học nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng.
Ông đề nghị các thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.
"Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30-7", TS Phạm Như Nghệ nói.
Trường y dược có xét tuyển đợt 2?
Ông Thành Danh - phụ huynh từ Tiền Giang - hỏi ngành y dược có xét tuyển đợt 2 không? Ngoài ra, ông Danh cũng thắc mắc về đào tạo hệ địa chỉ, liệu điểm chuẩn có thấp hơn không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết theo quan sát của ông, phần lớn các trường đại học y dược, nhất là ở khu vực phía Nam, sẽ không xét tuyển đợt 2.
Chẳng hạn, Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhiều năm nay không xét tuyển đợt 2. Vì số lượng chỉ tiêu đã được tính toán kỹ, trong đó có tính cả số lượng thí sinh sẽ "hao hụt" khi vào trường. Do đó, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, trường gần như đã đảm bảo được số lượng thí sinh sẽ theo học.
TS Phạm Như Nghệ - phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - lưu ý nếu có xét tuyển đợt 2 thì điểm chuẩn các ngành cũng sẽ phải bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn đợt 1.
Về đào tạo hệ địa chỉ, TS Phạm Như Nghệ cho biết sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của địa phương với trường đại học. Tuy nhiên thí sinh vẫn phải đảm bảo các điều kiện trúng tuyển vào trường như những thí sinh khác. Không có chuyện được địa phương "đặt hàng" theo đào tạo địa chỉ thì thí sinh sẽ đương nhiên được trúng tuyển hoặc có thể trúng tuyển với những ưu tiên hơn các thí sinh khác.
Trường có khống chế số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký?
Phụ huynh thắc mắc trường đại học có khống chế số lượng nguyện vọng mà một thí sinh được đăng ký hay không? Chẳng hạn, một thí sinh chỉ được đăng ký 3 hay 4 nguyện vọng cho tổ hợp khối B (toán, hóa, sinh)?
Giải đáp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định thí sinh sẽ được đăng ký vô số nguyện vọng mà không có một giới hạn nào. Ví dụ, Trường ĐH Y Dược TP.HCM có 14 ngành thì nếu muốn, thí sinh vẫn có thể đăng ký hết cả 14 ngành này.
Điều quan trọng là sắp xếp các nguyện vọng như thế nào. Nguyện vọng 1 nên luôn là nguyện vọng mình yêu thích nhất, cho dù vẫn chưa chắc đủ điều kiện trúng tuyển.
Ở các nguyện vọng tiếp theo, có bạn thích chọn những ngành mình thích kế tiếp, cũng có bạn chọn ngành giống như nguyện vọng 1 nhưng ở trường khác… Việc sắp xếp này là tùy vào ý thích và mong muốn của thí sinh.
Một phụ huynh khác băn khoăn liệu rằng các trường đại học có sự phân biệt nào giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng tiếp theo? Chẳng hạn, học sinh A và học sinh B cùng đăng ký vào một ngành của một trường đại học, nhưng học sinh A đặt làm nguyện vọng 1, học sinh B đặt làm nguyện vọng 3. Liệu trường có ưu tiên tuyển bạn đặt nguyện vọng 1, mà không ưu tiên bạn đặt nguyện vọng 3?
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách Phòng đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM - khẳng định sẽ không có trường hợp này. Các trường đại học sẽ không phân biệt các nguyện vọng của thí sinh. Và tất nhiên, điểm trúng tuyển sẽ không có sự khác biệt.
"Điều thí sinh, phụ huynh cần quan tâm hơn là nếu đã chọn làm nguyện vọng 3 thì thí sinh sẽ không thể trúng tuyển nguyện vọng này nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2 ở trên", ThS Lê Văn Hiển lưu ý.
Đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ "chiếm chỗ" của thí sinh khác?
Một phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn rằng Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng sẽ gây nên tình trạng phức tạp trong xét tuyển và vô hình trung một thí sinh có thể "chiếm chỗ" của nhiều thí sinh khác. Phụ huynh đề nghị Bộ khống chế số lượng nguyện vọng và hạn chế tình trạng các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Luật giáo dục Đại học cho các trường tự chủ trong việc xây dựng các phương thức xét tuyển. Việc có sử dụng phương thức xét tuyển sớm hay không là tùy theo nhu cầu của thí sinh. Nếu không muốn, thí sinh vẫn có thể sử dụng phương thức sử dụng xét tuyển theo điểm thi.
Bà Thủy khẳng định việc không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh là tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không gây khó khăn cho thí sinh. Bộ GD-ĐT đã có giải pháp cho việc giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả các nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Theo đó cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất trong danh mục nguyện vọng của thí sinh. Vì thế thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng không hề "chiếm chỗ" của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng.
Trường yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển, có cần thiết?
"Con đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng trường yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển thì trường mới đưa lên hệ thống xét tuyển của Bộ, như thế có phải gây thêm bước rắc rối của thí sinh không?", một phụ huynh hỏi và bức xúc cho rằng các trường "cần bỏ bước xác nhận mà các trường đang quy định".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy giải thích: Quyền của trường trong việc quy định tất cả các bước trong phương thức xét tuyển sớm. Mỗi trường sẽ có những yêu cầu về quy trình hồ sơ. Các quy định chỉ làm tăng thêm sự chắc chắn của trường, hoặc có thể hạn chế "ảo".
"Nhưng tôi khẳng định bước cuối cùng thí sinh vẫn phải đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Đó mới là bước quan trọng nhất.
Thí sinh có thể xác nhận vào ba trường nhưng khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể sắp xếp lại nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của mình. Và về nguyên tắc, hệ thống sẽ xác nhận cho thí sinh đỗ một nguyện vọng thí sinh xếp ưu tiên cao nhất", bà Thủy nói.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết trường ông không yêu cầu xác nhận trúng tuyển, vì không cần làm thế. Nhưng có những trường yêu cầu vì họ có lý do nào đó.
Tuy nhiên, ông Triệu trấn an rằng thí sinh có thể xác nhận hết các yêu cầu các trường quy định. Nhưng khi đăng ký lên hệ thống của Bộ, thí sinh không đặt ưu tiên lên trên tất cả các trường đã xác nhận cũng không sao. Thay vào đó, thí sinh có thể đặt ưu tiên số 1 một nguyện vọng khác. Đó là quyền của thí sinh.
Đăng ký nguyện vọng bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có cần đăng ký trên hệ thống của các trường? Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì chỉ đăng ký duy nhất trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Trường hợp này thí sinh tích vào mục xét tuyển với dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT. Bà Thủy khẳng định không có một hệ thống nào khác mà thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.
Cũng liên quan tới thao tác đăng ký, một thí sinh hỏi "Có nên tích vào dữ liệu khác khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển không?".
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Với những thí sinh có nguyện vọng xét điểm thi và xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm thì cần tích vào dữ liệu khác.
Ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đưa danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm lên, đó chính là dữ liệu khác của thí sinh.
Trúng tuyển sớm liệu có bị trượt sau khi đăng ký lên hệ thống?
Tại Hà Nội, một phụ huynh bày tỏ "con đã trúng tuyển sớm 15 trường vẫn cảm thấy lo sợ".
Giải đáp lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, cho biết với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích chưa trúng tuyển lên trên.
"Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt, quý phụ huynh hãy yên tâm", ông Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó nhiều phụ huynh lo lắng trúng tuyển sớm mà không được gọi. "Con có giấy thông báo trúng tuyển sớm của trường, liệu sau khi đăng ký lên hệ thống con có bị trượt khỏi ngành đã xét tuyển sớm đó không?", nhiều phụ huynh hỏi.
Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định trường hợp thí sinh đã có thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm và đủ các điều kiện đi kèm, trên hệ thống, thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn thí sinh sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển.
"Trong trường hợp trên, nếu thí sinh không được trường gọi nhập học thì phụ huynh có thể làm đơn gửi lên Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ giải quyết", bà Thủy khẳng định và được nhiều phụ huynh có mặt tại phiên tư vấn vỗ tay hưởng ứng.
Một phụ huynh băn khoăn: "Giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, các trường có xét tuyển bình đẳng không hay ưu tiên nguyện vọng 1 trước?". Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định: về phía các trường, trong đợt 1 tuyển sinh thì nguyện vọng 1 hay nguyện vọng 10 đều xét tuyển như nhau. Việc xét tuyển sẽ từ điểm cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu.
Việc xếp thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Vì hệ thống xét tuyển sẽ chạy lọc ảo, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Vì thế, thí sinh cần lưu ý xếp những nguyện vọng mình thích, thấy phù hợp lên trên.
Sau khi có kết quả trúng tuyển của Bộ, có được bảo lưu?
Với câu hỏi này của phụ huynh, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, đáng lưu ý.
Bà Thủy cho biết: trường hợp muốn bảo lưu, trước hết thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Nếu không xác nhận, thí sinh được xem như đã từ chối nhập học, trường sẽ tuyển trường hợp khác. Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học một học kỳ chẳng hạn. Sau đó trình bày với trường lý do cần tạm ngưng và trường có thể cho phép thí sinh bảo lưu kết quả.
Có các trường hợp thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự, hoặc có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn thì cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt.
Vì thế việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được, nhưng cần đúng quy định chứ không phải ai cũng bảo lưu kêt quả để đi học thử nơi khác.
27,5 điểm đậu ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên không?
Ông Phạm Đình Hải (Bình Phước) cho biết con mình thi tốt nghiệp THPT đạt 27,5 điểm khối A00. Ông băn khoăn điểm thi này có trúng tuyển ngành công nghệ thông tin không? Gia đình ông đang phân vân giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
ThS Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - phân tích điểm chuẩn ngành học này trong năm 2022 là 27,2 điểm. Như vậy, điểm số 27,5 của con ông Hải không chênh lệch nhiều với điểm chuẩn năm trước.
Xét về dữ liệu điểm thi, ThS Phùng Quán cho biết số thí sinh đạt điểm 27,5 tổ hợp A00 trở lên năm nay không nhiều. Vì vậy, khả năng trúng tuyển của con ông Hải vào trường với ngành công nghệ thông tin là có, tuy nhiên chưa chắc chắn, vẫn có rủi ro.
Để phòng hờ những rủi ro trượt ngành học này, ThS Phùng Quán đưa ra lời khuyên nên đăng ký xét tuyển thêm một số ngành học "gần gần" với công nghệ thông tin. Chẳng hạn tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có ngành toán - tin, với các kiến thức, kỹ năng tạo "nền tảng" cho tin học.
Một số ngành có liên quan khác có thể cân nhắc như vật lý điện tử, vi mạch điện tử,… Thí sinh sẽ có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển, và vẫn có thể học liên quan đến công nghệ thông tin.
Hỗ trợ thí sinh lựa chọn và đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 diễn ra đồng thời tại khuôn viên Trường đại học Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (TP.HCM) và khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội (Hà Nội), chỉ bốn ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tại ngày hội, thí sinh được giải đáp những băn khoăn thắc mắc và tiếp cận với các kênh thông tin chính xác, thiết thực để hỗ trợ việc lựa chọn và đăng ký nguyện vọng xét tuyển của mình.
Ở phiên tư vấn chung của ngày hội, các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia đến từ một số cơ sở đào tạo có uy tín lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thí sinh, phụ huynh những thông tin cần thiết; giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu các ngành, trường, phương thức xét tuyển cũng như các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển sao cho hiệu quả.
Trong khuôn khổ ngày hội, tại trên 300 gian tư vấn của các đại học, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thí sinh được tiếp cận thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về quy định tuyển sinh, quy định nhập học, các thông tin về học phí, học bổng, môi trường học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và cơ hội việc làm.
Với tinh thần cung cấp tối đa thông tin cần thiết cho thí sinh, ở cả phiên tư vấn chung và các gian tư vấn riêng đều tập trung chủ yếu cho việc giải đáp thắc mắc, chia sẻ thông tin bằng hình thức hỏi - đáp hoặc tư vấn 1-1.
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nội dung tư vấn, hoạt động đặc sắc của ngày hội được cập nhật liên tục trên tuoitre.vn. Lễ khai mạc và nội dung tư vấn của các chuyên gia cũng được trực tiếp trên tuoitre.vn, kênh YouTube Báo Tuổi Trẻ, Fanpage Tư vấn tuyển sinh báo Tuổi Trẻ và Fanpage báo Mực Tím.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận