17/06/2020 08:19 GMT+7

Học được gì sau sự cố máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Sự cố máy bay của Vietjet trượt khỏi đường băng 25 trái (25L/07R) của sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 14-6-2020 khiến sân bay tạm thời đóng cửa khoảng 6 tiếng.

Sự cố này làm cho hàng trăm chuyến bay bị chậm, hàng chục chuyến khác bị hủy hoặc phải chuyển hướng tới sân bay khác.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hàng không Việt Nam mới chỉ khai thác thị trường nội địa, chưa khai thác các chuyến bay chở khách quốc tế, tần suất khai thác ít hơn bình thường. 

Và tại sao máy bay trượt bánh khỏi đường băng Tân Sơn Nhất hôm 14-6 không phải là sự cố hiếm khi xảy ra nhưng lại gây tác động khá lớn, ảnh hưởng đến nhiều hành khách và các hãng hàng không, sân bay khổ sở?

Bởi vì sự cố trên xảy ra trong điều kiện sân bay Tân Sơn Nhất có tần suất khai thác lớn nhất nước, đang khai thác 1 đường băng, 1 đường băng đóng cửa để khảo sát chuẩn bị nâng cấp khiến phương án khai thác bay bị tác động mạnh. 

Điều may mắn là đường băng 25 phải đang ở giai đoạn khảo sát nên vẫn đưa vào khai thác trở lại được sau hơn 6 tiếng dọn dẹp. 

Nếu đường băng này đang trong quá trình thi công, chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải tạm đóng cửa hơn 18 tiếng kể từ khi xảy ra sự cố đến lúc giải cứu xong máy bay trượt khỏi đường băng 25 trái.

Nguyên nhân sự cố đang được Cục Hàng không điều tra. Nhưng điều chắc chắn là Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không, các đơn vị liên quan sẽ học được nhiều kinh nghiệm từ sự cố khi thực hiện nâng cấp đường băng và các đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất từ cuối tháng 6-2020.

Để nâng cấp 1 đường băng cần tối thiểu 6 tháng thi công. Trong thời gian này có thể chưa khai thác các chuyến bay quốc tế trở lại, tần suất khai thác đường băng còn lại không cao. 

Nhưng nếu xảy ra sự cố máy bay làm tắc đường băng như vừa rồi tại Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, hậu quả sẽ nặng nề hơn, nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến hơn vì không còn đường băng thay thế. 

Trong khi đó, các sân bay dự bị cũng có năng lực tiếp nhận, khai thác nhất định, không thể tiếp nhận được nhiều chuyến bay phải chuyển hướng đến đây.

Sự cố máy bay trượt đường băng Tân Sơn Nhất làm nhiều người lo lắng, nhưng cũng có thể xem là một dịp tập dượt cho các sân bay, cơ quan quản lý hàng không dân dụng về khả năng ứng phó, xây dựng kịch bản, giải pháp xử lý phù hợp hơn, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất nếu xảy ra sự cố trong quá trình nâng cấp đường băng.

Phương án khai thác khi nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã được tính đến. Nhưng các đơn vị liên quan cần bổ sung kinh nghiệm từ sự cố máy bay trượt đường băng Tân Sơn Nhất để có cuộc tổng diễn tập về điều hành, khai thác bay, cứu hộ máy bay, phục vụ, giải thích cho hành khách khi bị hủy chuyến, chậm chuyến kéo dài. 

Việc này sẽ làm tăng khả năng ứng phó, khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất, ít thiệt hại nhất.

Nếu cần thiết, trong thời gian nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành những quy định tạm thời nhưng khắt khe hơn bình thường về điều kiện khai thác, nhất là khi thời tiết xấu, để ngăn ngừa tối đa khả năng xảy ra sự cố.

Máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất, Vietjet nói do mưa gió lớn Máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất, Vietjet nói do mưa gió lớn

TTO - Nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết chuyến bay Phú Quốc - Tân Sơn Nhất trưa 14-6 vừa hạ cánh bị lệch đường băng. Hiện Tân Sơn Nhất đang tạm thời đóng cửa một đường băng khoảng 120 phút để tổ chức khẩn nguy, không có thương vong.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên