11/08/2017 10:01 GMT+7

Hoảng loạn từ khẩu chiến Mỹ - Triều Tiên

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khác với mọi khi, lời đe dọa "hỏa lực và phẫn nộ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đang khiến tình hình trở nên căng thẳng... thật. Người Triều Tiên thì gọi ông Trump là một "gã mất trí".

Truyền hình Hàn Quốc phân tích khoảng cách từ Triều Tiên đến đảo Guam - Ảnh: AFP
Truyền hình Hàn Quốc phân tích khoảng cách từ Triều Tiên đến đảo Guam - Ảnh: AFP

Đài NBC ngày 9-8 dẫn nguồn từ các quan chức quân sự cấp cao cho biết Mỹ đã tiến hành các đợt tập luyện tấn công gần đây, theo đó hoàn toàn có thể sử dụng máy bay ném bom hạt nhân B-1B để tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Nhóm mục tiêu tấn công sẽ là khoảng 20 điểm phóng tên lửa của Triều Tiên.

Mệnh lệnh đầu tiên của tôi trên tư cách tổng thống là nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của chúng ta. Hiện nó đã mạnh mẽ và uy lực hơn bất cứ thời điểm nào

Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP

Khẩu chiến căng thẳng

Đó ít nhất sẽ là những gì người ta tìm thấy trong những ngày này, nếu muốn “nghiên cứu” thêm về tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ngọn lửa căng thẳng bùng lên vào hôm 8-8, khi ông Trump trong một cuộc họp tại New Jersey khẳng định Triều Tiên tốt hơn hết đừng đe dọa nước Mỹ, bằng không Bình Nhưỡng sẽ chứng kiến “hỏa lực và phẫn nộ mà cả thế giới chưa từng thấy”.

Đáp lại gần như ngay lập tức sau đó, truyền thông Triều Tiên cho biết quân đội đang cân nhắc nghiêm túc về một chiến lược tấn công lãnh thổ của Mỹ tại đảo Guam bằng tên lửa tầm trung, theo Reuters.

Cuộc khẩu chiến tiếp diễn với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người yêu cầu Triều Tiên tránh những hành động có thể dẫn tới việc “chế độ kết thúc và hủy hoại người dân”.

Không chịu dừng, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA lại dẫn lời tướng Kim Rak Gyom, người đứng đầu lực lượng chiến lược của Triều Tiên, khẳng định Tổng thống Trump là một “gã mất trí” và không thể đối thoại.

Đồng thời, như muốn nhấn mạnh mối đe dọa của mình, ông Kim Rak Gyom đưa ra một kế hoạch chi tiết về khả năng tấn công đảo Guam: “Tên lửa Hwasong-12 của Quân đội nhân dân Triều Tiên triển khai sẽ vượt qua bầu trời Shimani, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản. Chúng sẽ bay với vận tốc 3.356km trong 1.065 giây và lao xuống vùng nước cách đảo Guam 30-40km”.

Mối lo thực sự

Những phát biểu gần đây của ông Trump về Triều Tiên không hiếm, và đó cũng chưa được xem là lời lẽ mạnh mẽ nhất mà tổng thống Mỹ từng dùng khi đề cập tới khả năng xung đột quân sự với Bình Nhưỡng.

Nhưng sau các diễn biến dồn dập vài ngày qua, dư luận đang thực sự lo lắng.

Truyền thông Trung Quốc ngày 10-8 cảnh báo một sự bộc phát bất chợt cũng có thể tạo ra một thảm họa ở Đông Bắc Á.

Tân Hoa xã trong một bài bình luận đã kêu gọi các bên kiềm chế lời lẽ, thay vào đó hãy đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng nhắc nhở rằng Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, chỉ cách biên giới Triều Tiên hơn 50km, và sẽ là nơi phải lo lắng nhất khi cuộc “khẩu chiến” dẫn tới tình trạng mất kiểm soát: “Đối với Seoul, một tình thế mất kiểm soát và thậm chí bất kỳ bộc phát bất ngờ nào đó cũng có thể kích hoạt một cuộc xung đột và biến thành thảm họa không thể gánh nổi”.

Trong khi đó tờ Thời Báo Hoàn Cầu lập luận rằng dẫu Mỹ mạnh hơn Triều Tiên, một cuộc xung đột quân sự diễn ra cũng chưa biết kết quả thế nào.

“Người Trung Quốc có câu: Kẻ không có gì để mất thì chẳng ngán kẻ sợ mất nhiều thứ” - tờ báo này viết.

Người Mỹ lo lắng

Một kết quả nghiên cứu của SocialFlaw, một công ty uy tín thường được các tờ báo lớn như New York Times hay Washington Post trích dẫn, cho thấy số lượng người dùng mạng ở Mỹ tra cứu các cụm từ liên quan tới “Thế chiến 3” và “cuộc quyết chiến hạt nhân” tăng đột biến trong vài ngày gần đây.

Theo SocialFlow, những bài đăng mới nhất cũng như các phân tích liên quan tới tuyên bố “hỏa lực và phẫn nộ” của ông Trump nhận được 58.990 lượt chia sẻ trên Facebook cùng 48.229 lượt thích. Trên Twitter, chủ đề này có 13.528 lượt “retweet” và 11.607 lượt thích.

Việc lượt chia sẻ và retweet (tức dạng bình luận của Twitter) cao hơn số lượt bấm “thích” là hiện tượng hiếm gặp đối với những bài đăng mới, và chứng tỏ người dùng thực sự rất quan tâm chứ không chỉ là trào lưu nhất thời, theo nhà đồng sáng lập Frank Speiser của SocialFlow.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên