09/08/2017 09:49 GMT+7

9 nước chống lại 122 nước: Thế giới có cấm được hạt nhân

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Khi bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Setsuko Thurlow chỉ là cô bé 13 tuổi. 72 năm trôi qua, bà có chứng kiến một hội nghị về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng hiệp ước mới này có vô ích?

 

Qua màn hình công cộng, người dân Triều Tiên theo dõi bắn thử tên lửa Hwasong-14 ngày 4-7 - Ảnh: KCNA
Qua màn hình công cộng, người dân Triều Tiên theo dõi bắn thử tên lửa Hwasong-14 ngày 4-7 - Ảnh: KCNA

 Ngày 7-7-2017, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã diễn ra một hội nghị khác thường mang tên “Hội nghị Liên Hiệp Quốc về đàm phán công cụ pháp lý ràng buộc cấm vũ khí hạt nhân”. 

Đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới, tôi muốn nói: Nếu các ngài yêu mến hành tinh này, tôi cầu xin các ngài hãy ký hiệp ước. Vũ khí hạt nhân luôn là vũ khí vô nhân đạo và hôm nay đã là vũ khí bất hợp pháp

Bà Setsuko Thurlow

 

Ngày lịch sử

Sau hơn ba tuần đàm phán căng thẳng, hội nghị đàm phán đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, do đại sứ Nguyễn Phương Nga làm trưởng đoàn.

Không khí trong phòng họp ngày 7-7 hết sức phấn khích. Phòng họp đầy ắp người. Rất nhiều phóng viên trên thế giới tham dự.

Đặc biệt có mặt hai “hibakusha” (người sống sót trong hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật năm 1945) là bà Setsuko Thurlow - đại sứ hòa bình của thành phố Hiroshima và ông Toshiki Fujimori - phó tổng thư ký Liên đoàn Các tổ chức nạn nhân bom A và bom H của Nhật.

Bà Elayne Whyte Gomez - đại sứ Costa Rica, chủ tọa hội nghị đàm phán - tuyên bố: “Chúng ta sắp sửa rời khỏi phòng họp này hôm nay với lòng thỏa mãn đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta sắp sửa nói với các “hibakusha” rằng sau nhiều thập niên, cuối cùng chúng ta đã xây dựng được nền tảng một thế giới không vũ khí hạt nhân. Cuối cùng chúng ta sắp sửa nói với con cái rằng vâng, có thể thừa hưởng một thế giới miễn trừ vũ khí hạt nhân”.

Kế đến, bà gõ búa xác nhận Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua.

Nhiều tràng vỗ tay vang lên kéo dài nhiều phút. Mọi người đứng dậy hoan hô nhiệt liệt. Hội nghị đàm phán kết thúc với bài phát biểu của bà Setsuko Thurlow.

Cụ bà 85 tuổi xúc động bộc bạch: “Thật lòng tôi chưa hề nghĩ mình còn sống đủ lâu đến thời điểm này. 70 năm qua, tôi chờ đợi ngày này và tôi rất sung sướng vì ngày này cuối cùng đã đến”. Năm máy bay Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, bà chỉ là đứa bé 13 tuổi.

Vì sao cần hiệp ước mới?

Như vậy 72 năm sau lần sử dụng đầu tiên tại Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945, vũ khí hạt nhân đã bị luật pháp quốc tế chính thức loại trừ như vũ khí sinh học (bị cấm năm 1972) và vũ khí hóa học (bị cấm năm 1993).

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 có kẽ hở pháp lý là không nêu ra vấn đề cấm toàn diện về phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Do đó từ năm 2010, năm nước Áo, Mexico, Costa Rica, Nam Phi và Ireland đã vận động để Liên Hiệp Quốc xúc tiến hội nghị đàm phán.

Ngày 28-9-2016, sáu nước Áo, Mexico, Nam Phi, Ireland, Brazil và Nigeria đã đệ trình Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết L.41.

Dự thảo với tiêu đề “Thúc đẩy đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân” đề nghị trong năm 2017 cần phải triệu tập hội nghị đàm phán về một công cụ mang tính ràng buộc pháp lý việc cấm vũ khí hạt nhân. Đến ngày 23-12-2016, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết L.41.

Trong chín nước sở hữu vũ khí hạt nhân, năm nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Israel đã bỏ phiếu chống, ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng, chỉ có CHDCND Triều Tiên là nước duy nhất ủng hộ. Đến giai đoạn mở hội nghị đàm phán, chín nước đều tẩy chay.

Hội nghị đàm phán gồm hai vòng. Sau vòng đầu tiên kéo dài bốn ngày từ ngày 27-3-2017, chủ tọa hội nghị Whyte Gómez công bố dự thảo Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Vòng thứ hai từ ngày 15-6-2017 tập trung thảo luận về dự thảo. Đến ngày 7-7, dự thảo đã được thông qua.

Trong quá trình đàm phán, trung bình mỗi ngày có 115 nước tham gia. Ngày cuối cùng có 132 nước, 33 tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức xã hội dân sự tham gia.

Ban đầu, hội nghị đàm phán muốn thông qua dự thảo hiệp ước theo phương thức đồng thuận, song đại biểu Hà Lan (nước NATO duy nhất tham gia đàm phán) phản đối và đòi phải bỏ phiếu.

Kết quả bỏ phiếu có 122 phiếu thuận, 1 phiếu chống của Hà Lan và 1 phiếu trắng của Singapore.

“Vô ích, vô lý và phản tác dụng”

Ngày 7-7, ba nước Mỹ, Pháp và Anh đã phát thông cáo chung đánh giá Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là “coi thường thực tế môi trường an ninh quốc tế”, mà đứng đầu là mối đe dọa Triều Tiên.

Các nước này cho rằng cấm vũ khí hạt nhân là không thực tế, vô ích, vô lý và phản tác dụng.

Toàn bộ các nước NATO hay các nước thuộc ô dù bảo vệ hạt nhân của Mỹ như Úc đều tẩy chay hội nghị đàm phán. Nước thuộc NATO là Hà Lan sở dĩ tham gia đàm phán vì sức ép của quốc hội.

Nga biện bạch không nên lập một diễn đàn nào khác ngoài hội nghị giải trừ quân bị (được thành lập năm 1979).

Thái độ của Trung Quốc hết sức khó hiểu. Sau khi bỏ phiếu trắng về nghị quyết L.41, đến ngày 18-1-2017 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ), Chủ tịch Tập Cận Bình lại tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân phải hoàn toàn bị cấm và bị phá hủy để xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân”.

Kế tiếp, Trung Quốc tẩy chay hội nghị đàm phán.

Đối với Triều Tiên, ban đầu nước này bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết L.41, nhưng đến hội nghị đàm phán thì Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Vì lý do cần thiết phải củng cố năng lực phòng vệ chính đáng bằng sức mạnh hạt nhân do thái độ gây hấn của Mỹ, CHDCND Triều Tiên không tham gia hội nghị đàm phán”.

Sau khi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết L.41, cuối cùng Ấn Độ và Pakistan rút lui không tham gia hội nghị đàm phán.

Ấn Độ cho rằng chỉ có thể bàn đến vấn đề cấm vũ khí hạt nhân thông qua hội nghị giải trừ quân bị.

Singapore bỏ phiếu trắng vì cho rằng đề nghị của nước này về lời văn của điều 7 dự thảo hiệp ước (hợp tác và hỗ trợ quốc tế) và điều 18 (quan hệ với các điều ước khác) dễ hiểu nhầm, nhưng dự thảo hiệp ước không hiệu chỉnh.

Nhật là nước duy nhất gánh chịu hậu quả bom nguyên tử, nhưng tẩy chay hội nghị đàm phán với lý do hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến các cơ chế giải trừ hạt nhân hiện tại và đào sâu chia rẽ giữa các nước có và không có vũ khí hạt nhân.

Chủ tọa hội nghị Elayne Whyte Gomez (trái) và bà Setsuko Thurlow vui mừng trong ngày 7-7-2017 - Ảnh: KATHLEEN SULLIVAN
Chủ tọa hội nghị Elayne Whyte Gomez (trái) và bà Setsuko Thurlow vui mừng trong ngày 7-7-2017 - Ảnh: KATHLEEN SULLIVAN

Các nước bắt đầu ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân từ ngày 20-9-2017. Hiệp ước có hiệu lực 90 ngày sau khi quốc gia thứ 50 phê chuẩn, chấp thuận hay gia nhập.

Đây là lần đầu tiên có điều ước quốc tế cấm toàn diện gồm phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia tham gia hiệp ước phải cam kết không cho các quốc gia khác đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ mình. Nước nào thử hạt nhân gây hậu quả đến con người và môi trường nước khác phải chịu trách nhiệm đền bù.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên