06/08/2017 18:42 GMT+7

Đối đầu dai dẳng Ấn Độ - Pakistan

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Từ giữa thập niên 2000, Chính phủ Ấn Độ đã bí mật lập dự án xây dựng thêm một nhà máy làm giàu uranium.

Tên lửa Babur của Pakistan trong lễ duyệt binh hôm 23-3-2017 - Ảnh: THE NEWS
Tên lửa Babur của Pakistan trong lễ duyệt binh hôm 23-3-2017 - Ảnh: THE NEWS

Chúng ta có phải ăn cỏ cũng sẽ chế tạo bom nguyên tử

Tổng thống Zulfikar Ali Bhutto

Năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Bhabha được cấp hai khu đất gần làng Ullarthi Kaval (bang Karnataka) ở miền nam Ấn Độ.

Công trình xây dựng bắt đầu trong khu vực dự án rộng 570ha. Diện tích nhà máy tương lai rộng gấp 10 lần so với nhà máy làm giàu uranium ở Mysore (bang Karnataka). Dân làng bị cấm đưa gia súc chăn thả trong khu vực thi công. Ao hồ dành cho trâu bò uống nước bị san lấp hết.

Câu chuyện một nhà máy

Năm 2012, trưởng thôn bèn nhờ cậy một tổ chức mang tên “Nhóm hỗ trợ môi trường” lên tiếng. Giám đốc tổ chức Leo Saldanha thuật lại: “Chúng tôi đã gặp Bộ Môi trường, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ và cơ quan nghiên cứu quân sự, mới biết dự án ấy thuộc thẩm quyền của thủ tướng”.

Ông Leo Saldanha thay mặt dân làng Ullarthi Kaval kiện ra Tòa án xanh quốc gia (tòa án xét xử các vụ kiện về môi trường) đề nghị dừng dự án. Năm 2014, tòa phán quyết ông thắng kiện.

Dù vậy, công trình xây dựng vẫn tiếp tục. Đến nay hạng mục chính của nhà máy vẫn chưa khởi công ngoài bức tường bao dài 10km.

Có hai yếu tố xác định dự án xây dựng nhà máy làm giàu uranium tại làng Ullarthi Kaval nhằm phục vụ mục tiêu quân sự.

Đầu tiên, theo bản án của Tòa án xanh quốc gia, các luật sư đại diện cho chính quyền đã khẳng định “dự án xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng yêu cầu tương lai về vật liệu làm giàu hạt nhân phục vụ... mục đích phòng vệ”.

Kế đến, giám đốc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ biện bạch nhà máy nêu trên phục vụ mục tiêu dân sự nhưng không chịu mở cửa đón các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Chuyên gia Robert Kelly ở Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) giải thích: “Chắc chắn Ấn Độ đang tìm cách gia tăng kho uranium làm giàu để phát triển vũ khí nhiệt hạch”.

Ấn Độ ưu tiên chế tạo tên lửa Agni

Sau khi độc lập năm 1947, Ấn Độ chỉ phát triển hạt nhân dân dụng. Chiến tranh biên giới Ấn - Trung bùng nổ năm 1962 và hai năm sau Trung Quốc tuyên bố có bom hạt nhân.

Sự kiện này cùng với chiến tranh lần thứ ba liên tiếp với Pakistan năm 1971 đã thúc đẩy Ấn Độ xây dựng kho vũ khí hạt nhân.

Theo ấn phẩm bản tin Các nhà khoa học hạt nhân (Mỹ), hiện nay Ấn Độ đủ uranium và plutonium để sản xuất 120 đầu đạn hạt nhân.

Còn theo SIPRI, Ấn Độ sở hữu 130 đầu đạn hạt nhân, tăng 10-20 đầu đạn so với năm 2016. Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ dựa trên nguyên tắc “răn đe hạt nhân tối thiểu” và không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. Hai đối thủ Ấn Độ dè chừng là hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Từ giữa tháng 6-2017, Ấn - Trung đứng bên bờ vực chiến tranh sau khi các kỹ sư quân đội Trung Quốc vào cao nguyên Doklam (khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan) để chuẩn bị thi công xây đường. Ấn Độ là đồng minh của Bhutan đã điều quân ngăn chặn.

Hôm 27-7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ “đừng chơi với lửa” và nhanh chóng rút quân, đồng thời tuyên bố tăng quân dọc biên giới Ấn Độ.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn đăng bài giật tít rất kích động: “New Delhi chưa rút ra bài học chiến tranh năm 1962”.

Sức mạnh răn đe hạt nhân của Ấn Độ dựa vào lực lượng trên bộ và trên không. Ấn Độ ưu tiên chế tạo tên lửa đạn đạo dòng Agni.

Agni-III với tầm bắn trên 3.000km đã hoạt động năm 2014, bảo đảm có thể đánh sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và Pakistan. Mới nhất là Agni-V đạt tầm bắn hơn 5.000km. Ấn Độ sẽ phát triển Agni-VI bắn xa 6.000km sử dụng 6-8 đầu đạn phân hướng.

Lực lượng hạt nhân trên không của Ấn Độ gồm máy bay ném bom - tiêm kích như Mig-27, Jaguar, Mirage 2000-H. Đặc biệt máy bay Tu-22M3 do Liên Xô cũ sản xuất với tầm hoạt động xa từ 5.000-7.000km có khả năng đánh thọc sâu vào Trung Quốc hay Pakistan nếu chiến tranh bùng nổ.

Trên biển, Ấn Độ đã hợp tác với Nga và năm ngoái đã đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đầu tiên INS Arihant. Ấn Độ đang đóng thêm ba chiếc nữa và đang thử nghiệm loại tên lửa tiên tiến hơn bắn từ tàu ngầm, nâng tầm bắn lên 3.500km.

Tàu ngầm phóng tên lửa đầu tiên INS Arihant do Ấn Độ sản xuất - Ảnh: ZEE NEWS
Tàu ngầm phóng tên lửa đầu tiên INS Arihant do Ấn Độ sản xuất - Ảnh: ZEE NEWS


Pakistan tập trung tên lửa chiến thuật

Sau khi Pakistan thất trận trong chiến tranh với Ấn Độ năm 1971, Tổng thống Zulfikar Ali Bhutto tuyên bố: “Chúng ta có phải ăn cỏ cũng sẽ chế tạo bom nguyên tử”.

Sau đó Pakistan sản xuất vũ khí hạt nhân nhờ Pháp giúp xây dựng nhà máy, Trung Quốc giúp chế tạo bom A còn Triều Tiên giúp chế tạo tên lửa.

Pakistan chủ trương quan điểm răn đe phổ rộng và sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trong chiến tranh quy ước.

Cũng như Ấn Độ, Pakistan liên tục tăng kho vũ khí hạt nhân về số lượng cũng như chất lượng. SIPRI đánh giá đến đầu năm 2017 Pakistan đã sở hữu 140 đầu đạn hạt nhân, tăng 10-20 đầu đạn so với năm trước. Dự báo đến năm 2025 số đầu đạn có thể tăng đến 220-250.

Pakistan chủ yếu dựa vào tên lửa chiến thuật tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất. Đầu tháng 7-2017, Pakistan thông báo đã bắn thử thành công tên lửa đất đối đất tầm ngắn Nasr có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 60-70km.

Ý đồ của Pakistan là sử dụng tên lửa tầm ngắn Nasr mang bốn đầu đạn hạt nhân để đối phó khi quân đội Ấn Độ tràn qua biên giới và sử dụng tên lửa tầm trung Shaheen-3 đánh thọc sâu vào Ấn Độ.

Bắc Kinh đã cung cấp cho Pakistan mẫu tên lửa hành trình Hoàng Điểu do Trung Quốc sản xuất để từ đó Pakistan phát triển tên lửa hành trình không đối đất Ra’ad có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa có sức nổ từ 10-35 kiloton (tương đương sức nổ từ 10.000 - 30.000 tấn chất nổ TNT).

Trên biển, Pakistan đầu tư cho tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm hoặc tàu nổi. Đầu năm nay lần đầu tiên Pakistan đã bắn thử thành công tên lửa Babur-3 bắn từ tàu ngầm.

Lực lượng hạt nhân trên không của Pakistan chủ yếu gồm 40 máy bay F-16A và F-16B. Một số máy bay ném bom Mirages V và A-5 có thể mang bom hạt nhân.

Ít ai ngờ chỉ tám năm sau khi Ấn Độ và Pakistan tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân (năm 1998) lại xuất hiện một thế lực hạt nhân mới ở châu Á. Đó là CHDCND Triều Tiên...

Tháng 4-2017, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter ngày 8-4-2017: “Toàn dân Ấn Độ hãnh diện về vụ bắn thử thành công tên lửa Agni-V. Sự kiện này sẽ tạo sức mạnh lớn cho chiến lược quốc phòng chúng ta”.

Hai tháng sau, Ấn Độ tiếp tục bắn thử thành công tên lửa tầm ngắn Prithvi II có thể mang đầu đạn hạt nhân. Pakistan lại không ưu tiên cho tên lửa liên lục địa và cho rằng không cần thiết bởi thủ đô Ấn Độ chỉ cách Pakistan 500km.

____________

Kỳ tới: Từ tên lửa tầm ngắn đến liên lục địa

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Siêu bom hạt nhân thế hệ mới là cái gì?

>> Kỳ 2: Tổng thống Pháp được thả xuống tàu ngầm như thế nào?

>> Kỳ 3: Tên lửa hủy diệt của Nga: xóa sổ một cường quốc trong vài giây

>> Kỳ 4: Trung Quốc thử nghiệm tên lửa 10 đầu đạn

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên