05/08/2017 11:20 GMT+7

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa 10 đầu đạn

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Trong lực lượng tên lửa Trung Quốc mà ngày trước mang tên “quân đoàn pháo binh số 2” có một đơn vị khá đặc biệt. Họ chỉ sử dụng cuốc xẻng, ximăng và chất nổ.

Tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng của Trung Quốc - Ảnh: YouTube
Tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng của Trung Quốc - Ảnh: YouTube

“Hệ thống đường hầm thể hiện viễn cảnh về chiến tranh hạt nhân của Trung Quốc và khả năng sống sót của chế độ và giới lãnh đạo Trung Quốc

Chuyên gia Mark Schneider (Viện Chính sách công quốc gia Mỹ)

Từ cuối thập niên 1970, hàng chục ngàn binh sĩ đơn vị này đã xây dựng hệ thống hầm chứa tên lửa, địa đạo và công sự trong núi trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Theo các tài liệu đã giải mật, một số hầm chứa tên lửa sâu gần 100m.

“Vạn Lý trường thành dưới lòng đất”

Báo chí Trung Quốc bắt đầu nói đến “Vạn Lý trường thành dưới lòng đất” từ cuối năm 2009. Giữa tháng 10-2011, Chủ tịch tiểu ban các lực lượng chiến lược của Hạ viện Mỹ Michael Turner từng khẳng định tại một buổi điều trần: “Mạng lưới địa đạo của Trung Quốc có thể dài đến 5.000km, được dùng để vận chuyển vũ khí và các lực lượng hạt nhân”.

Trong bài viết hồi tháng 2-2017, chuyên gia Pháp Henri Kenhmann ghi nhận gần 40 năm sau khi Trung Quốc thực hiện chương trình tên lửa chiến lược, công trình xây dựng “Vạn Lý trường thành dưới lòng đất” vẫn tiếp tục.

Bằng chứng là các đoạn băng video phát trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc sau khi các phóng viên được phép vào một đường hầm đang xây dựng.

Henri Kenhmann suy đoán đây là nơi chứa tên lửa đạn đạo cơ động dựa vào hai yếu tố. Đầu tiên, người thuyết minh nói đây là phòng thử nghiệm chứa tên lửa dựng đứng.

Nếu lấy kích thước xe trộn bêtông trong hình ảnh để tính toán (xe cao 4m), như vậy căn phòng cao gần 14m, đủ chỗ chứa xe phóng tên lửa tự hành chở tên lửa tầm trung như loại DF-16 (Đông Phong 16) hay DF-21, thậm chí là tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31.

Yếu tố thứ hai là người thuyết minh nói đến “buồng khuếch tán” và giải thích đây là buồng được dùng để giảm sức tấn công của vũ khí kẻ thù.

Vậy đây có thể là hệ thống buồng và đường hầm làm giảm chấn động sóng xung kích phát ra từ sức nổ vũ khí đối phương.

Để giữ bí mật, kênh CCTV chỉ cho biết đường hầm đang xây dựng ở miền nam Trung Quốc. Chuyên gia Henri Kenhmann cho rằng căn cứ thông tin thuyết minh và vị trí các bãi phóng tên lửa của Trung Quốc, có thể nghi ngờ đó là căn cứ số 53 ở tỉnh Vân Nam hoặc căn cứ số 55 tại tỉnh Hồ Nam.

Hai căn cứ này đều đóng trong vùng núi. Một số đơn vị của căn cứ 53 từng được trang bị tên lửa chống tàu DF-21D với tầm bắn bao trùm phân nửa Biển Đông.

Bản đồ các khu vực có hầm ngầm tên lửa ở Trung Quốc - Ảnh: The Washington Post
Bản đồ các khu vực có hầm ngầm tên lửa ở Trung Quốc - Ảnh: The Washington Post

Chú trọng tên lửa trên bộ và trên biển

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố đầu tháng 7-2017 nhận xét Trung Quốc chỉ có 270 đầu đạn hạt nhân, ít hơn Mỹ, Nga, Pháp, Anh, song Trung Quốc đang tiến hành một chương trình hiện đại hóa dài hạn nhằm chú trọng tăng cường hiệu quả chứ không tăng quy mô.

Trên bộ, Trung Quốc bố trí 140 tên lửa với nhiều tầm bắn khác nhau (DF-4, DF-21, DF-31, DF-31A), chủ yếu lắp trên xe tự hành có bệ phóng. Chỉ có loại DF-5A với tầm bắn 13.000km được bố trí trong hầm chứa.

Trong lễ duyệt binh năm 2015, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa hạt nhân mới DF-26. Hiện nay Trung Quốc đã dự kiến thay tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng phóng từ hầm chứa bằng tên lửa cơ động sử dụng nhiên liệu rắn.

Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-41 đạt tầm bắn đến 14.500km. Với tầm bắn này, tên lửa có thể bay đến Mỹ.

Nếu thông tin một trong ba đơn vị trang bị tên lửa DF-41 của Trung Quốc đã được triển khai đến tỉnh Hắc Long Giang giáp với Nga là đúng sự thật, tên lửa có thể bay đến Mỹ chỉ trong 30 phút.

Trên biển, Trung Quốc đã trình làng tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Hạ (type 092) vào năm 1987.

Tàu ngầm có thể trang bị 12 tên lửa JL-1 (tầm bắn 1.700km). Sau đó, Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu tàu ngầm lớp Tấn (type 094) trang bị 12 tên lửa JL-2 đạt tầm bắn đến 7.200km.

Theo SIPRI, chương trình tên lửa của Trung Quốc đang chậm trễ vì trở ngại kỹ thuật nên tên lửa chưa đi vào hoạt động. Hiện Trung Quốc có bốn tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động và đang chế tạo thêm ba chiếc nữa.

Lực lượng hạt nhân trên không của Trung Quốc đến nay vẫn ì ạch. Trung Quốc vẫn sử dụng loại máy bay ném bom tầm trung H-6 đời cũ sao chép mẫu từ máy bay Liên Xô Tu-16 của thập niên 1950.

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc - Ảnh: Kyodo
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc - Ảnh: Kyodo

Tên lửa mới DF-5C

Trước đây, các loại tên lửa Trung Quốc chỉ có một đầu đạn hạt nhân. Sau đó Trung Quốc đã phát triển tên lửa DF-5B mang ba đầu đạn với tầm bắn 12.000km.

Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá Trung Quốc đang ưu tiên phát triển công nghệ nhiều đầu đạn phân hướng (MIRV) như loại DF-5B.

Đầu tháng 2-2017, từ bãi phóng ở Trung tâm Không gian thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) tại miền bắc, quân đội Trung Quốc đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới DF-5C mang 10 đầu đạn phân hướng.

Mỗi đầu đạn bay theo đạn đạo riêng. Các đầu đạn đã bắn trúng mục tiêu tại sa mạc Taklamakan thuộc khu tự trị Tân Cương ở miền tây.

Các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi sự kiện này rất sát sao. Giới quân sự Mỹ đánh giá Trung Quốc đã có tiến bộ trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và đang gia tăng năng lực các lực lượng chiến lược.

Chuyên gia Nga Vasily Kashin ở Viện hàn lâm Khoa học Nga nhận định: “Hiện DF-5 của Trung Quốc không còn là tên lửa hạt nhân duy nhất có thể bắn đến Mỹ mà còn có thêm DF-31 và DF-41.

Ngoài ra Trung Quốc đã thiết lập hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo tấn công và hệ thống phòng không chiến lược. Vài năm nữa các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể vươn lên bằng Mỹ và Nga”.

Vì sao Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân? Chuyên gia SIPRI Vitaly Fedchenko giải thích từ lâu Trung Quốc thực hiện nguyên tắc “răn đe tối thiểu”, dù vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân bằng cách thay thế tên lửa cũ bằng tên lửa mang nhiều đầu đạn. Đây là hành động điều chỉnh để củng cố năng lực răn đe.

Kỳ tới: Đối đầu dai dẳng Ấn Độ - Pakistan

Theo trang East Pendulum, trong tháng 7-2017, Trung Quốc thử tên lửa 4 lần.

Chuyên gia Jean-Marie Collin thuộc Nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh (Bỉ) đánh giá với tên lửa DF-5B, Trung Quốc có ý đồ đáp trả lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực.

Còn với tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân, Trung Quốc đã nuôi ý đồ tiến ra vùng biển khơi Thái Bình Dương để đương đầu với Mỹ và sẵn sàng cô lập Đài Loan.

Kỳ 1: Siêu bom hạt nhân thế hệ mới là cái gì?
Kỳ 2: Tổng thống Pháp được thả xuống tàu ngầm như thế nào?
Kỳ 3: Tên lửa hủy diệt của Nga: xóa sổ một cường quốc trong vài giây

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên