04/08/2017 12:56 GMT+7

Tên lửa hủy diệt của Nga: xóa sổ một cường quốc trong vài giây

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Bộ Quốc phòng Nga đã thực hiện chương trình hiện đại hóa vũ khí kéo dài đến năm 2020 trong đó tên lửa RS-28 Sarmat có thể hủy diệt một quốc gia như Pháp trong chỉ vài giây.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga - Ảnh: NATIONAL INTEREST
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga - Ảnh: NATIONAL INTEREST

 

Chúng ta có thể xé toạc từng mảng hệ thống phòng thủ của họ. Trừ yếu tố khiêu khích, lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ không phải là nguy cơ đe dọa quân sự nghiêm trọng trong tình hình hiện nay

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin

Hiện nay vũ khí và thiết bị đã được hiện đại hóa 60% và dự kiến đến đầu năm 2018 tỉ lệ này tăng lên 70% và đến năm 2022 sẽ đạt mức 100%.

Giáo sư Vadim Kozyulin ở Học viện Khoa học quân sự Nga giải thích: “Chương trình hiện đại hóa liên quan trước tiên đến lực lượng răn đe hạt nhân gồm các hệ thống tên lửa chiến lược cố định và cơ động trên bộ, máy bay ném bom và tàu ngầm”.

Xóa sổ nước Pháp trong vài giây

Tháng 2-2017, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố sắp tới quân đội Nga sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo mới có khả năng “xé toạc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ”.

Ông không nêu rõ đó là tên lửa gì nhưng báo chí Nga cho rằng ông muốn nói đến tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat (NATO gọi là Satan 2).

Hình ảnh đầu tiên về RS-28 Sarmat đã được Nga tiết lộ lần đầu vào cuối tháng 10 năm ngoái. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu khẳng định đây là vũ khí răn đe mang tầm chiến lược của Nga.

Báo chí Pháp nhận xét tên lửa RS-28 Sarmat sẽ là vũ khí rất đáng sợ vì có thể quét sạch toàn bang Texas hoặc nước Pháp chỉ trong vài giây.

RS-28 Sarmat nặng 100 tấn, sử dụng nhiên liệu lỏng, đạt tầm bắn đến 17.000km, tức có thể bắn đến Paris hoặc London và có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng.

Mỗi đầu đạn có sức công phá từ 150-300 kiloton (tương đương 150.000-300.000 tấn chất nổ TNT) và có thể tách ra bay đến từng mục tiêu riêng.

Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin giải thích: “So với thế hệ trước, tên lửa RS-28 Sarmat không chỉ nhẹ hơn mà còn đạt tầm bắn xa hơn. Tên lửa Satan đạt tầm bắn 11.000km trong khi RS-28 Sarmat có thể bắn đến 17.000km. Ngoài ra tên lửa đến mục tiêu bằng cách bay qua cực Nam là nơi không ai ngờ tới và không có hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực đó”.

Thượng tướng về hưu Viktor Esin, nguyên chỉ huy các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, đã hãnh diện khoe: “Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào đang hoạt động hay đang phát triển có thể đánh chặn RS-28 Sarmat”.

Ông giải thích RS-28 Sarmat bay đến mục tiêu với vận tốc siêu thanh, thường xuyên đổi hướng và độ cao nên rất khó đánh chặn.

Nga bắt đầu bắn thử tên lửa RS-28 Sarmat từ năm 2016 và đến năm 2018 sẽ sản xuất hàng loạt.

Đến năm 2021, Nga sẽ sử dụng RS-28 Sarmat thay thế thế hệ tên lửa cũ SS-18 Satan (nặng 211 tấn) đã hoạt động từ năm 1977 dưới thời Liên Xô cũ.

Thời điểm sử dụng tên lửa rất hợp lý vì hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START III giữa Mỹ và Nga có hiệu lực năm 2011 sẽ hết hạn vào năm 2021.

Các đơn vị tiếp nhận đầu tiên sẽ là các sư đoàn hạt nhân chiến lược đóng quân ở Krasnoyarsk và Orenburg.

Từ hai vị trí này có thể bắn tên lửa tới Mỹ và một số nước châu Âu. Chính vì thế trang web Business Insider của Mỹ lo ngại siêu tên lửa RS-28 Sarmat có thể bắn phá các mục tiêu ở Mỹ và các nước thành viên NATO bởi tên lửa có thể vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ưu tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa

Học thuyết an ninh quốc gia của Nga đã xác định Nga giành quyền tấn công hạt nhân ngăn chặn trong trường hợp đối đầu trực tiếp với kẻ thù đáng sợ như NATO và Mỹ.

Báo cáo công bố vào đầu tháng 7-2017 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận trong chín nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, CHDCND Triều Tiên), Nga sở hữu số đầu đạn hạt nhân nhiều nhất.

Tính đến đầu năm nay, Nga sở hữu 7.000 đầu đạn hạt nhân,trong đó nước này đã triển khai 4.310 đầu đạn hạt nhân.

Trong 2.460 đầu đạn hạt nhân chiến lược, Nga đã bố trí 1.950 đầu đạn cho tên lửa đạn đạo và các căn cứ máy bay ném bom.

Tính ra tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga chiếm 60% số đầu đạn hạt nhân triển khai.

Trên bộ, do số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga ít hơn của Mỹ nên Nga tập trung chế tạo tên lửa mang nhiều đầu đạn phân hướng (MIRV).

Mỗi đầu đạn sẽ hoạt động độc lập để có thể bắn tới các mục tiêu khác nhau. Dự kiến đến năm 2022, hầu hết tên lửa cũ thời Liên Xô sẽ dần được thay bằng tên lửa thế hệ mới.

Theo chiến lược hiện đại hóa, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga ưu tiên phát triển các thế hệ tên lửa mới hoạt động cơ động như RS-24 Yars (SS-27 Mod 2) mang nhiều đầu đạn đa hướng.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat bắn từ hầm chứa được xem là tên lửa hạng nặng có chức năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trên biển, Nga chỉ còn 9 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa thời Liên Xô cũ hoạt động gồm 3 tàu ngầm lớp Delta III và 6 tàu ngầm lớp Delta IV.

Để thay thế hạm đội tàu ngầm này, từ nay đến cuối thập niên tới, Nga dự tính sản xuất 8 tàu ngầm lớp Borei (dự án 955/A).

Ba tàu ngầm lớp Borei đã đi vào hoạt động năm 2016. Mỗi tàu lắp 16 tên lửa thế hệ mới Bulava (SS-N-32). Tên lửa đạt tầm bắn hơn 8.000km, mang sáu đầu đạn phân hướng.

Trên không, lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga gồm 57 máy bay ném bom Tu-95 Bear (H6 và H16) cùng 13 máy bay Tu-160 Blackjack trang bị tên lửa hành trình Kh-55 và KH-15. Sau năm 2021, Nga sẽ sản xuất máy bay ném bom thế hệ mới Tu-160M2.

Ngoài ra, Nga còn bố trí lực lượng hạt nhân chiến thuật dọc biên giới để đối phó với NATO và Trung Quốc.

Nga không công bố số lượng và thành phần vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng các nhà phân tích phương Tây đánh giá Nga có 1.850 đầu đạn hạt nhân chiến thuật bố trí cho tên lửa hành trình phóng từ biển, tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ máy bay.

 

Mô hình tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa lớp Borei của Nga - Ảnh: REDDIT
Mô hình tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa lớp Borei của Nga - Ảnh: REDDIT

Nga và Trung Quốc là đồng minh chiến lược

Tháng 2-2017, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn nguồn từ báo Hong Kong và Đài Loan đã đăng hình ảnh Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 tại tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới Nga.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga, khẳng định “Trung Quốc là đồng minh chiến lược của Nga”.

Chuyên gia Nga Mikhail Alexandrov đánh giá tên lửa Trung Quốc triển khai là tên lửa liên lục địa nên không thể nhắm vào Nga mà chỉ có thể nhắm đến Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thông tin triển khai tên lửa giáp biên giới Nga là ngụy tạo.

____________________________________________

Kỳ tới: Trung Quốc thử nghiệm tên lửa 10 đầu đạn

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên