20/01/2025 11:42 GMT+7

Hoa kiểng về phố

Đường phố TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp, hoa kiểng từ nhiều nơi cũng hội tụ tại các chợ hoa và đường hoa.

Hoa kiểng về phố - Ảnh 1.

Nhiều người dân đã bắt đầu đi “săn” hoa chưng Tết tại Bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP

Từ ngày 14-1 (15 tháng chạp), nhiều nhà vườn đã rộn ràng mang hoa kiểng các loại đến các chợ hoa xuân tại TP.HCM. Xuân Ất Tỵ đã rục rịch về trên những con phố ngập tràn sắc hoa.

Ngóng người mua

Ghi nhận sáng 19-1, tại chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" (tuyến đường Nguyễn Văn Của và Bến Bình Đông, quận 8) đã có hàng chục gian hàng bày bán hoa giấy và hoa mai. Tuy nhiên theo nhiều tiểu thương, năm nay dù giá cả không thay đổi nhưng sức mua hai loại cây này giảm hơn so với những năm trước ở cùng thời điểm.

Ông Lưu Văn Sang (42 tuổi, quê Bến Tre) kể cùng người thân đã thuê xe tải chở khoảng 120 chậu hoa giấy lên chợ hoa xuân từ ba ngày trước. Đến nay mới vỏn vẹn có 2 chậu được người dân mua.

"Giá chậu nhỏ khoảng 200.000 - 300.000 đồng như năm trước, nhưng thời điểm này năm ngoái tui đã bán được mấy chục chậu. Năm nay thời tiết lạnh hơn nên vụ hoa cũng bị ảnh hưởng, cây ít ra hoa hơn mọi năm", ông Sang nói.

Tương tự, chị Dương Thị Hiền (Bến Tre) cũng nhận định bán hoa giấy năm nay khá chậm. Từ 14-1 đến nay, 50 chậu hoa giấy chị chở từ quê lên mới chỉ bán được 3 chậu. Khoảng thời gian này năm ngoái, chị đã bán được khoảng 80 chậu.

Chị Hiền tự trấn an: "Giờ còn sớm nên người dân chưa dọn dẹp, sắm sửa đồ trang trí nhà cửa. Hy vọng vài ngày nữa cận ngày đưa ông Táo về trời, tình hình buôn bán sẽ khởi sắc".

Còn ông Trần Văn Dẫu (73 tuổi) năm nay chọn bán bưởi Diễn "độc quyền" tại khu chợ hoa xuân này. Mỗi chậu giá từ khoảng 4 đến 8 triệu đồng. Dù chỉ mới bày biện vài chậu nhưng đã có nhiều khách hàng tò mò hỏi thăm giá cả, hứa sẽ quay lại mua vào vài hôm nữa.

"Loại bưởi này có màu vàng bắt mắt, chưng rất đẹp lại còn có mùi thơm, vị ngọt, ăn được. Nếu bón phân và chăm tốt, cây còn có thể tiếp tục ra trái phục vụ mùa Tết những năm tiếp theo", ông Dẫu quảng cáo về hàng của mình.

Hoa kiểng về phố - Ảnh 2.

Hoa cúc từ Khánh Hòa đã có mặt ở chợ hoa công viên 23-9, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Không để tăng giá

Theo các tiểu thương, giá thuê mặt bằng tại các khu chợ hoa xuân vẫn không thay đổi, bà con cũng yên tâm buôn bán hơn.

Tại công viên 23-9, chợ hoa xuân đã nhuộm rực sắc vàng của hàng trăm chậu hoa cúc lớn nhỏ. Tại công viên Lê Văn Tám, hàng chục gốc đào cũng được tập kết về để phục vụ người dân.

"Đường mai" Phạm Văn Đồng cũng nhộn nhịp chủ vườn đưa mai ra bày biện, chào khách. Các chợ hoa của các quận huyện cũng rục rịch khâu chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật phục vụ người bán, người mua.

Theo kế hoạch, TP.HCM năm nay sẽ có 7 chợ hoa cấp thành phố, 1 hội hoa xuân và hàng chục chợ hoa cấp quận huyện phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. 

Mục tiêu để giới thiệu, quảng bá cho người dân thành phố tham quan thưởng lãm hoa, cây cảnh và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Cùng với đó là giới thiệu, quảng bá các mô hình nông nghiệp, mô hình hoa và cây kiểng kết hợp tham quan du lịch của TP.HCM đến với du khách trong và ngoài nước. 

Tạo cơ hội cho các nghệ nhân, nhà vườn trồng hoa kiểng, hiệp hội nghề nghiệp giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong nghệ thuật trồng, chăm sóc, lai tạo hoa và cây kiểng đẹp, độc đáo...

Hoa kiểng về phố - Ảnh 3.

Có dãy Trường Sơn trong hội hoa xuân

Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, đơn vị chủ trì Hội hoa xuân TP.HCM lần thứ 45 tại công viên Tao Đàn, cho biết chủ đề năm nay được chọn là "Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa".

Thiết kế hội hoa năm nay đưa du khách chìm đắm trong không gian ngập tràn sắc hoa, hương thơm thảo mộc và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. 

Điểm nhấn của hội hoa với bộ sưu tập lan trầm rồng đỏ - một trong những loài hoa lan độc đáo cả về sắc và hương được bố trí thành một con phố nhỏ mang tên "Ngõ Trầm". Con phố dẫn đưa du khách vào đền thờ Vua Hùng như được trở về nguồn, được an yên hạnh phúc ngay từ những ngày đầu năm mới.

Cổng chính trên đường Trương Định sử dụng hình ảnh cánh sen cách điệu đón chào du khách, cạnh bên có hình ảnh đôi linh vật năm Ất Tỵ đang vui mừng chào đón. 

Trục hồ dài từ cổng Trương Định là hình ảnh của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên. Qua đó tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với núi non hùng vĩ trên những cánh đồng hoa.

Bán hoa qua sàn thương mại điện tử

Khác với trước đây nhà vườn chỉ trông chờ vào dịp Tết để bán hoa kiểng, hiện nay nhiều nhà vườn đã bán được sản phẩm chưng Tết thông qua các sàn thương mại điện tử.

Ông Bùi Hoàng Trọng (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), một nhà vườn sản xuất và bán hàng từ hàng chục năm qua theo phương pháp truyền thống (làm cả năm và chỉ bán dịp Tết), nhưng nay cũng đã kịp thay đổi. Với cách bán truyền thống trước đây, mỗi năm ông Trọng chỉ bán được khoảng 2.000 sản phẩm nên số mai vàng và kiểng bonsai bị tồn đọng khá nhiều.

Vài năm trở lại đây, gia đình ông Trọng đã chuyển sang bán mai vàng và kiểng bonsai qua Facebook, TikTok, YouTube..., mỗi ngày bán được 20 - 40 đơn hàng qua mạng, nâng tổng số đơn lên 6.000 - 7.000 đơn hàng mỗi năm.

Kiểng bonsai sau khi bán cho khách hàng, chủ vườn vẫn giữ liên lạc với khách hàng và hướng dẫn tận tình cách chăm sóc, xử lý ra hoa để chơi Tết và có thể chưng được trong những ngày thường. Cách bán hàng độc đáo này vừa tạo thu nhập quanh năm ổn định cho chủ vườn vừa tạo điều kiện cho khách hàng có thể mua hoa chơi Tết ngay từ giữa năm.

Với nhà vườn, mua - bán đã xong

Người trồng hoa Đà Lạt lúc này đang canh ngày giao hoa đi các tỉnh trước khi đóng cửa vườn (26 tháng chạp). Chị Nguyễn Thu, chuyên kinh doanh hoa sỉ, cho biết vùng hoa Đà Lạt là vùng hoa sỉ nên không khí mua bán khác các vựa hoa miền Tây.

Việc chốt mua chốt bán dựa trên tin nhắn, hợp đồng là chính. "Lúc này chẳng mua bán gì mấy, chủ yếu là thu hoạch để chuyển hàng đi. Việc mua bán đã xong trước đó rồi", chị Thu kể.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghị, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết hiện đã có hơn 60% trong số 11 triệu sản phẩm hoa kiểng Tết của nhà vườn huyện Chợ Lách được các thương lái đặt mua. "Những nhà vườn có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, có mối mang thì hiện nay họ đã bán hết, thậm chí một số nhà vườn đã bán cách đây vài ba tháng trước", ông Nghị nói.

Hoa Đà Lạt gần hết hàng

Hoa kiểng về phố - Ảnh 4.

Hoa cắt cành và hoa chậu từ Đà Lạt đa số đều sử dụng các giống được sản xuất trong nước - Ảnh: M.V.

Những năm trước, thời điểm này nhiều nhà vườn Đà Lạt vẫn loay hoay tìm đơn hàng, trong khi năm nay đã bán hoa gần hết.

26 Tết ra hàng chuyến cuối

Vùng hoa Đà Lạt (gồm TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng) càng gần Tết càng rộn ràng. Thương lái lo đốc thúc nhà vườn thu hoạch đúng hẹn để kịp chuyển hàng đi các tỉnh phía Bắc, tiếp theo sau sẽ chuyển hàng đến TP.HCM và các tỉnh miền Trung.

"Các loại hoa có giá tương đối rẻ như cúc, lay ơn, cát tường, cẩm chướng thu hoạch được 50% rồi. Số còn lại cứ làm đều đều, miễn đúng 26 tháng chạp chuyến hàng cuối cùng được chuyển đi là được" - chị Nguyễn Thu, chuyên kinh doanh hoa sỉ, cho biết.

Người trồng hoa địa lan, lan hồ điệp ở TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã nhộn nhịp vào vụ thu hoạch. Công nhân hối hả thu hoạch, ghép các gốc thành từng chậu theo đơn đặt hàng của đối tác. Địa lan và lan hồ điệp là những loại hoa chơi được thời gian khá lâu.

Từ khi nở cho tới lúc tàn, trong điều kiện bình thường có thể kéo dài tới hơn 3 tháng. Ngay từ đầu tháng chạp, các đầu mối kinh doanh hoa ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tới TP Đà Lạt đặt hàng.

Bán nhanh, doanh thu tăng

Giá các loại hoa địa lan Tết năm nay ở Đà Lạt không tăng, được thị trường ưa chuộng nhất vẫn là địa lan giống mới cho hoa màu vàng, cam tươi...

Ông Nguyễn Văn Sâm (phường 7, TP Đà Lạt) cho rằng trồng hoa địa lan đòi hỏi kỳ công, đầu tư cho loại hoa này cũng tốn kém hơn rất nhiều.

"Nếu trồng hoa cúc, 3 tháng cận Tết mới bắt đầu công việc. Trồng địa lan phải bắt đầu từ tháng 3 âm lịch. Tôi cảm nhận Tết năm nay người dân sắm hoa Tết ở trạng thái cân bằng.

Tức là ít người mua những chậu hoa ghép cầu kỳ đắt tiền (vài chục triệu - PV), nhưng nhiều người mua những chậu hoa có giá trung bình (vài triệu - PV). Tính ra doanh thu của người trồng hoa có tăng nhẹ" - ông Sâm nói.

Những chậu hoa thuộc dạng đắt tiền như đào thất thốn, bích đào, đào phai được di thực trồng tại Đà Lạt đến thời điểm này đã bán hơn 60% vườn.

Ông Nguyễn Tiến Hồng, chủ vườn đào tại P.1 và P.8, với hơn 3.000 gốc đào Bắc, cho biết mới 20 tháng chạp nhưng khách đã mua hết 60% vườn của ông. Số còn lại, khách đến vườn chốt mua mỗi ngày. Khách chốt tới đâu, công nhân giao đi sớm vì sợ cận Tết việc vận chuyển khó khăn.

"Khả năng tôi không còn đào để tham gia chợ hoa Tết. Hoa đào trồng ở Đà Lạt khá kỳ công và tương đối đắt nhưng được ưa chuộng không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở các tỉnh khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ", ông Hồng cho hay.

Nhà vườn xuống giống thông qua đặt hàng

Ông Lại Thế Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết trong vụ hoa Tết năm nay diện tích và sản lượng tăng hơn so với năm trước khoảng 10%, có khoảng 750ha hoa với khoảng 400 giống. Chủ yếu là các giống hoa đã rất quen thuộc như thược dược, thu hải đường, lily, hoa chuối, sống đời, cúc... Theo ông Hưng, thị trường chính của hoa Đà Lạt là hoa chậu và hoa cắt cành.

"Các công ty lớn có tung ra một số giống mới nhưng để thăm dò thị trường cho năm 2025, họ không đặt nặng vụ hoa Tết. Đối với nông dân, cách trồng hoa cũng có đổi khác.

Họ xuống giống thông qua đặt hàng của thương lái từ đầu vụ nên cơ bản ước tính được việc tiêu thụ hoa Tết sẽ diễn ra thế nào, tránh được tình trạng ép giá, tranh mua", ông Hưng nhận định.

Hoa kiểng về phố - Ảnh 5.Thợ hoa lan hốt bạc dịp Tết, 20.000 đồng/cành cắm mỏi tay

Thị trường hoa lan ngày càng nhộn nhịp hơn những ngày giáp Tết vì đây là loài hoa sang trọng được nhiều gia đình, cơ quan lựa chọn trưng Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên