Hôm nay, từ bản làng xa xôi đến phố thị đông đúc, hàng chục triệu học sinh hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới. Năm nay ngành giáo dục có gì thay đổi để mỗi sáng thức dậy học sinh luôn náo nức đến trường?
Ngành giáo dục có những giải pháp gì để thu hút hàng chục triệu cha mẹ tham gia tích cực vào việc giúp con học hành mà không bị áp lực và không xem kết quả của con là trang sức của cha mẹ?
Năm 2018, tôi mua cuốn sách Bảy phương pháp lĩnh hội tri thức của Mỹ. Đọc cuốn sách này, tôi ngạc nhiên bởi khá nhiều nội dung trong sách được bà nội áp dụng với tôi từ tuổi mầm non. Ở tuổi 49 nhưng những đường chỉ nhỏ trên lá mận, lá mít, lá chuối... bà nội cho xem khi lên 2, lên 3 vẫn hiển hiện trước mặt tôi, những câu Kiều bà đọc vẫn văng vẳng bên tai...
Nhờ được quan sát lá, vật dụng, nghe thơ từ lúc 2-4 tuổi của bà nội mà lên tiểu học tôi đã kiên trì chế tạo chong chóng nước, hay mở chiếc radio National ra nhiều lần xem cấu tạo bên trong với chi chít vi mạch, con tụ, dây điện và luôn đặt câu hỏi "Tại sao nó nói được?"...
Sau này, khi thiết kế chương trình Sách hóa nông thôn, tôi luôn nghĩ đến sự chằng chịt bên trong của radio mà đưa ra các loại tủ sách dựa trên đa dữ liệu về văn hóa vùng miền, tôn giáo, tâm lý số đông, những rào cản, năng lực kinh tế hộ dân để ai ai cũng có thể tham gia nhân rộng.
Nếu ai cũng có kiến thức và kiên trì dạy cháu như bà tôi thì nhà trường không những bớt được gánh nặng bị chỉ trích mà còn có thêm nhiều phương pháp dạy học sinh tại nhà. Khi đó, xã hội có hàng triệu bà mẹ ông bố hiểu biết cùng kiến tạo hệ sinh thái giáo dục chất lượng gồm gia đình, nhà trường và xã hội.
Trên báo chí, mạng xã hội, quán trà đá vỉa hè, quán nhậu bình dân đến đắt tiền, hay bên những bát chè xanh, người ta vẫn phàn nàn, chỉ trích ngành giáo dục. Ở phía khác, không ít thầy cô giáo lại đổ lỗi cha mẹ học sinh, xã hội hay tiền lương.
Đáng tiếc là các bên thường chỉ đổ lỗi mà ít cùng nhau tìm lối thoát để con trẻ được hưởng nền giáo dục tốt hơn trong khi lối đi luôn có.
Đơn cử, hàng chục triệu người sinh sống ở nông thôn không đọc sách, không quan tâm việc đọc sách của con cháu là hậu quả của hệ thống trường học trước đây không có thư viện, của nền giáo dục ít nuôi dưỡng và đánh thức tiềm năng đọc.
Bởi vậy, những mô hình như nhà trường vận động cha mẹ học sinh, cựu học sinh tham gia thúc đẩy Tủ sách phụ huynh/ Tủ sách lớp em mà hơn 500.000 cha mẹ học sinh tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã và đang thực hiện rất cần được nhân rộng.
Hay nhà trường có thể mời những nông dân đến trường học giúp học sinh hiểu các bước làm nên hạt gạo. Cách này sẽ giúp con trẻ thấu hiểu "Ta ăn hạt gạo trắng ngần. Thương người mưa nắng tảo tần sớm khuya". Khi người nông dân thấy họ được trọng thị thì việc nhà trường huy động họ tham gia buổi chia sẻ về làm cha mẹ/parenting sẽ khả thi.
Giáo dục nước nhà là việc chung của Nhà nước và của mỗi nhà. Vì vậy thay vì đổ lỗi, chúng ta hãy cùng hành động để xóa bỏ lạc hậu, sai lầm, trì trệ và kiến tạo một nền giáo dục hướng tới bắt kịp các nước tiên tiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận