Hầu hết ý kiến tại Hội thảo - hội nghị - tập huấn đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 26-8 đều khẳng định hầu đồng là một di sản tâm linh.
Di sản ấy phải thực hiện ở những nơi trang nghiêm, đền đài, địa phủ, chứ không phải trình diễn trên sân khấu, ngoài đường phố, đám hiếu, liên hoan... như những năm gần đây.
Trả di sản về cho cộng đồng
Các nghệ nhân ưu tú, thanh đồng như: Nguyễn Tất Kim Hùng, Đặng Ngọc Anh (Hà Nội), Trần Thị Huệ (Nam Định), Trần Mạnh Hùng (Thừa Thiên Huế), Vũ Xuân Thắng (Thái Bình) đều khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản tâm linh chứ không phải một di sản trình diễn nghệ thuật.
GS.TS Từ Thị Loan khẳng định nghiêm túc thì không ai nghiên cứu hầu đồng qua trình diễn, mà phải lăn lộn cùng di sản ở chính không gian của nó, do chính cộng đồng di sản thực hành. Bà cũng nêu hiện trạng những năm qua số lượng các thanh đồng, cung văn tăng lên nhanh chóng tỉ lệ nghịch với chất lượng.
Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc "thử đồng" trước khi được làm đồng thầy. Nay, nhiều người chỉ sau ba năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã "đẻ đồng", tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy.
Năm năm qua, việc "sân khấu hóa" nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát.
Một số thanh đồng do quá đặt nặng yếu tố thị trường đã tranh thủ "núp bóng di sản" để trục lợi, kiếm tiền, phát triển các dịch vụ tâm linh, "chặt chém" con nhang đệ tử.
Tuy nhiên cũng có một ý kiến ngược dòng tại hội thảo này.
Thanh đồng Kim Loan (Viện Phát triển văn hóa dân tộc) cho biết trong một chuyến đi giới thiệu di sản hầu đồng tại Pháp, bà đã phải trình diễn hầu đồng trên sân khấu để có thể giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Theo bà Loan, những buổi trình diễn ấy rất thành công, giúp lan tỏa di sản hầu đồng tới bạn bè quốc tế. Vì vậy bà kiến nghị cộng đồng sở hữu di sản nên rộng mở chấp nhận cả việc trình diễn hầu đồng trên sân khấu.
Ý kiến của bà Loan lập tức gặp phản đối gay gắt của những người tham dự, đặc biệt của các thanh đồng. Nghệ nhân Trần Thị Huệ phản bác bằng ví dụ của chính mình.
Năm 2013, bà được Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mời vào Hội An để giới thiệu tới các đại biểu trong hội thảo kỷ niệm 10 năm công ước 2003 của UNESCO. Bà nhận lời nhưng với điều kiện chỉ hầu đồng trong một không gian thiêng và bà được đáp ứng.
Lần khác, bà được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời giao lưu giới thiệu văn hóa tại Hàn Quốc, bà đã phải mang theo ba pho tượng, bát nhang với chân nhang xin từ phủ Giầy (Nam Định) để hầu đồng. Với bà, ở bất cứ đâu, hầu đồng cũng phải được thực hiện tại không gian thiêng.
Cộng đồng cần thông minh, cơ quan quản lý cần "tĩnh tâm"
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, khẳng định cộng đồng thực hành, sở hữu di sản có vai trò quan trọng nhất.
Nhưng ông lưu ý là cộng đồng sở hữu di sản phải là một cộng đồng thông minh, hiểu rõ giá trị và những vấn đề liên quan với di sản để giữ và phát huy di sản của mình tốt hơn.
Ông cũng đặc biệt lưu ý tới vai trò của nhà quản lý trong bảo vệ, phát huy các giá trị di sản phi vật thể.
Nhà quản lý văn hóa không bao giờ được đứng ở vị trí "tiền đạo" mà phải lùi lại quan sát, tích lũy nhiều tri thức, kinh nghiệm trước khi đưa ra quyết định.
Ông Sơn đưa ra một số khuyến nghị nhân vụ hầu đồng ở Đại học Huế. Địa phương tổ chức sự kiện liên quan tới tín ngưỡng phải có sự tham vấn với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, không phải muốn tổ chức ở đâu cũng được.
Còn các cơ quan trung ương khi có vấn đề xảy ra trong quản lý ở địa phương thì không nên đưa quyết định quá nhanh chóng mà cần trao đổi với địa phương trước khi ban hành văn bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận