Nhóm hầu đồng nhảy múa ngay dưới chân Tháp Bà - Ảnh: THỤC NGHI
Hầu đồng luôn có chuẩn mực nhất định, quan trọng nhất là âm nhạc phải có trống, phách, đàn nhị… và không gian gồm phủ, điện thờ, lễ vật. Việc nhảy múa loạn xạ giữa không gian không phù hợp hay trên nền nhạc điện tử remix đó không phải là hầu đồng. Và những thành phần như vậy đã làm mọi người có cái nhìn không đẹp về hầu đồng, ảnh hưởng đến những người hầu đồng chân chính.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải nói
Người đăng tải clip cho biết đã quay clip này, khi tham quan Tháp Bà Ponagar vào chiều 5-5, nhóm người hầu đồng này được giới thiệu từ Bắc Giang vào.
"Bản thân tôi khi thấy những người hầu đồng nhảy múa trước mặt tháp như thế này khá phản cảm, làm mất đi vẻ cổ kính, uy nghiêm của tháp Chăm, chưa kể đây là di tích lịch sử. Tôi thích những nhạc công, vũ nữ Chăm múa ở phía sau tháp hơn, họ trình diễn nghệ thuật và rất văn minh" - người đăng clip trên nói.
Có tạo điều kiện cho khách "trả lễ Mẫu"
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa - cho biết tại khu di tích Tháp Bà ngoài lễ hội Tháp Bà tổ chức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch hằng năm, thì ban quản lý di tích thỉnh thoảng "cũng tạo điều kiện" cho những đoàn khách đến dâng hương, hát chầu văn, chứ không phải thường xuyên hằng ngày.
Còn bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, trưởng Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar, cho hay cách đây mấy ngày có đoàn khách từ ngoài Bắc đến để hát chầu văn, hầu đồng. Họ đã làm việc với ban quản lý trước đó.
"Năm nào cũng có mấy đoàn vô, họ có liên hệ xin ban quản lý để trả lễ Mẫu, ban quản lý cũng tạo điều kiện để họ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, đây là điểm du lịch, nên quy định âm thanh không sử dụng loa quá to, điện sẽ có người phục vụ cho họ, không phát lộc. Họ hầu đồng kiểu Bắc có trang sức, trang phục riêng, thời gian hầu từ 1-2 tiếng", bà Hằng nói.
Khu tiền đình của Tháp Bà được trưng dụng làm nơi lên đồng - Ảnh: THỤC NGHI
Người Kinh và người Chăm đều có tục thờ Mẫu
Về vấn đề này, ông Lê Văn Hoa - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Khánh Hòa - cho hay Thiên Y A Na là vị nữ thần được phối thờ bởi người Kinh và người Chăm, vì vậy ngoài múa bóng của người Chăm còn có cả hầu đồng, múa bóng của người Kinh theo đạo Mẫu.
Tuy nhiên, ông Hoa khẳng định: "Việc múa dâng Mẫu có hẳn một quy định riêng. Hầu đồng, múa bóng chỉ trong ba ngày lễ, chứ ngày thường ai cho vô đó mà múa!".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải - nguyên phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa - cho biết khi đến vùng đất Kauthara của người Chăm (Phú Yên - Khánh Hòa) người Kinh cần một vị nữ thần để phụng thờ và với quan niệm "vạn vật hữu linh".
Thánh mẫu Thiên Y A Na là kết quả của quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa Việt - Chăm. Người Việt đã dung nhận và biến nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm thành nữ thần Thiên Y A Na của người Việt.
Và cả người Kinh và người Chăm đều có tục thờ Mẫu. Nếu người Chăm có những cô gái, người phụ nữ múa bóng để dâng lên nữ thần, thì người Kinh cũng có hát chầu văn, hầu đồng, múa bóng từ miền Bắc mang vào để dâng lên Mẫu.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải, hiện nay đã xuất hiện nhiều "đồng đểu", vì vật chất và vì thế hệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã mất gốc văn hóa, trong đó có cả việc thiếu sự đầu tư, quản lý của cơ quan chức năng.
Thay vì một buổi hầu đồng đúng chất truyền thống thì đoàn hầu đồng này lại dùng nhạc điện tử - Ảnh: THỤC NGHI
Không được thực hành hầu đồng tại di tích
Ngày 12-2-2018, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến các sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố. Cụ thể:
Chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đặt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng.
Ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.
Trình UBND tỉnh/thành phố xem xét ban hành quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong đó quy định rõ không gian và thời gian được thực hành hầu đồng tại di tích nhằm bảo đảm sự trang nghiêm và không gian phục vụ khách tham quan di tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận