Việc xung đột bất ngờ nổ ra giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến hàng ngàn người nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ mắc kẹt. Các nước đang nỗ lực sơ tán công dân của họ khỏi quốc gia châu Phi.
Sơ tán bằng tàu và máy bay
Theo Hãng tin Reuters, một số đợt sơ tán được tổ chức bằng đường hàng không. Những cuộc sơ tán khác được thực hiện thông qua cảng Sudan trên biển Đỏ, cách thủ đô Khartoum khoảng 650km về phía đông bắc.
Các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã sơ tán tất cả nhân viên Chính phủ Mỹ và những người phụ thuộc của họ, cùng với một số nhà ngoại giao từ các quốc gia khác, khỏi đại sứ quán vào hôm 22-4 bằng máy bay trực thăng bay từ căn cứ ở Djibouti và được tiếp liệu ở Ethiopia. Tất cả họ đã được sơ tán an toàn.
Washington không có kế hoạch phối hợp sơ tán những người Mỹ khác, nhưng đang xem xét các phương án để giúp những người này rời khỏi Sudan.
Phát biểu ngày 23-4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh đã tổ chức một "cuộc sơ tán phức tạp và nhanh chóng" để đưa tất cả nhân viên ngoại giao Anh và gia đình của họ khỏi Sudan.
Trong khi đó, một chiếc máy bay của Pháp chở khoảng 100 người đã rời thủ đô Khartoum vào ngày 23-4 để tới Djibouti. Một chiếc máy bay thứ hai chở số người tương tự chuẩn bị cất cánh. Hoạt động sơ tán của Pháp sẽ tiếp tục vào ngày 24-4.
Còn Đức cho biết một chiếc máy bay quân sự đầu tiên của họ đã sơ tán 101 công dân đến Jordan. Hai máy bay khác vẫn còn ở Sudan. Đức trước đó cho biết khoảng 200 công dân của nước này có mặt ở Sudan.
Tuần trước Hàn Quốc cho biết họ đã gửi một máy bay quân sự để sơ tán 25 công dân nước này ở Sudan. Nhật Bản cho biết ba máy bay đã đến Djibouti để chở công dân Nhật Bản, còn Ấn Độ đưa một tàu hải quân tới cảng Sudan.
Nga gặp khó khăn trong sơ tán
Đại sứ Nga tại Khartoum thông tin 140 trong số khoảng 300 người Nga ở Sudan nói rằng họ muốn rời đi.
Họ cho biết các kế hoạch sơ tán đã được đưa ra nhưng vẫn không thể thực hiện được vì chúng liên quan đến việc vượt qua khu vực tiền tuyến, theo Hãng tin Reuters.
Vị đại sứ này nói thêm có khoảng 15 người, trong đó có một phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt trong một nhà thờ Chính thống giáo Nga gần nơi có giao tranh ác liệt ở Khartoum.
Còn Ai Cập cho biết họ đã sơ tán 436 công dân nước này tại Sudan. Một trong những nhà ngoại giao của Ai Cập đã bị thương do trúng đạn.
Nhiều quốc gia khác cũng tổ chức sơ tán công dân của họ khỏi Sudan. Trong số này có Tây Ban Nha, Ý, Ấn Độ, Tunisia, Thụy Điển, Na Uy, Ireland...
Giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF từ ngày 15-4 đến nay đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến khoảng 420 người thiệt mạng, hơn 3.700 người bị thương và hàng triệu người Sudan mắc kẹt, không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Trong ngày 23-4, sân bay chính tại thủ đô Khartoum là điểm nóng giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF. Sân bay này đang nằm dưới sự kiểm soát của RSF.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận