23/04/2023 10:53 GMT+7

Mỹ và nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan

Ngày 23-4, Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Sudan cho biết quân đội Mỹ đã sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình họ khỏi Sudan do xung đột diễn ra ác liệt.

Mỹ và nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ các tòa nhà bị trúng đạn pháo do xung đột giữa Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự và quân đội Sudan ở Khartoum North, Sudan ngày 22-4 - Ảnh: REUTERS

Chiến dịch sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ và thân nhân khỏi Sudan có sự tham gia của 6 máy bay, được thực hiện với sự phối hợp của RSF.

Ngày 22-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden cho biết quân đội nước này đã tiến hành một chiến dịch để đưa các nhân viên chính phủ khỏi thủ đô Khartoum của Sudan. Ông Biden cho biết Washington đang tạm đình chỉ các hoạt động tại đại sứ quán ở Sudan.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đã sơ tán công dân khỏi quốc gia Bắc Phi này vì xung đột leo thang. 

Từ ngày 22-4, Saudi Arabia đã cho sơ tán công dân tại cảng Sudan ở Biển Đỏ và chở công dân tất cả các nước khác có nhu cầu rời đi bằng tàu hải quân. Jordan cũng sẽ sơ tán công dân bằng tuyến đường này.

Mỹ và nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan - Ảnh 2.

Trẻ em được đón tiếp trên tàu của Hải quân Saudi Arabia để sơ tán khỏi Sudan - Ảnh: REUTERS

Các cuộc tấn công đẫm máu xảy ra ở khu vực đô thị đã khiến nhiều người dân bị mắc kẹt ở thủ đô Khartoum của Sudan. Sân bay tại đây bị vô hiệu hóa và nhiều con đường không thể đi lại.

Liên Hiệp Quốc và quốc tế kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự ở Sudan tôn trọng các lệnh ngừng bắn, đồng thời mở hành lang an toàn cho dân thường di tản cũng như tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo.

Do sân bay đóng cửa và bầu trời đầy rủi ro, hàng nghìn người nước ngoài - đa số là nhân viên đại sứ quán, nhân viên các tổ chức cứu trợ, sinh viên ở Khartoum và những nơi khác - cũng không thể rời đi.

Các nước phương Tây dự kiến gửi máy bay đến đón công dân, nhưng quân đội Sudan cho biết các sân bay ở Khartoum và Nyala (thành phố lớn nhất của bang Nam Darfur) có vấn đề, nên không rõ khi nào các chuyến bay này có thể tiến hành.

Một nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu không nêu tên cho biết một số nhân viên ngoại giao ở Khartoum đang hy vọng có thể rời Sudan bằng đường hàng không từ cảng Sudan trong hai ngày tới.

Tuy nhiên Đại sứ quán Mỹ cảnh báo công dân họ không thể hỗ trợ xe từ Khartoum đến cảng Sudan và các rủi ro trên đường sẽ do cá nhân tự chịu trách nhiệm.

Cho đến nay quân đội Sudan và RSF đều không tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn, kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 15-4.

Cuộc giao tranh ngày 22-4 đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ba ngày, bắt đầu từ 21-4, tạo điều kiện cho dân thường đến nơi an toàn và thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Cả hai bên đều cáo buộc bên kia không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Người dân ở thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận Omdurman và Bahri cho biết các cuộc không kích xảy ra gần đài truyền hình quốc gia và nhiều khu vực khác. Họ không có điện, nước trong cả tuần liền trong khi xung đột vũ trang xảy ra. 

Lộ vai trò của tập đoàn đánh thuê Wagner ở SudanLộ vai trò của tập đoàn đánh thuê Wagner ở Sudan

Theo Đài Al Jazeera, tập đoàn đánh thuê Wagner bị cáo buộc lấy tài nguyên vàng của Sudan để tài trợ cho các hoạt động của họ ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên