25/05/2024 19:03 GMT+7

Hai dự án đứng đầu cuộc thi IU Start-up Demo Day 2024 có gì?

Biến xe lăn thường thành xe lăn điện, ứng dụng cho phép người dùng biết tuốt thông tin của 33.300 loài thực vật chỉ với một cái quét là hai dự án xuất sắc nhất cuộc thi IU Start-up Demo Day 2024.

Từ trái sang: Đinh Vũ Đức Đạt, Bùi Trí Dũng và Nguyễn Phương Thảo (Trường đại học Quốc tế), Châu Dương Huyền Trân (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Phạm Nguyễn Yến Nhi (Đại học Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) - Ảnh: C.T.

Từ trái sang: Đinh Vũ Đức Đạt, Bùi Trí Dũng và Nguyễn Phương Thảo (Trường đại học Quốc tế), Châu Dương Huyền Trân (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Phạm Nguyễn Yến Nhi (Đại học Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) - Ảnh: C.T.

8 dự án tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp IU Start-up Demo Day 2024 do Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 25-5.

Sinh viên nhiều trường cùng start-up

Chung cuộc, giải nhất đã thuộc về dự án "E-Motion - cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện" của nhóm sinh viên kết hợp từ ba trường đại học. Trong đó, Bùi Trí Dũng, Đinh Vũ Đức Đạt và Nguyễn Phương Thảo đến từ Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Hai bạn còn lại là Phạm Nguyễn Yến Nhi (Đại học Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) và Châu Dương Huyền Trân (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM).

Tích hợp hệ thống pin, động cơ điện lên khung sườn, E-Motion tập trung cải tiến dòng xe lăn trên thị trường thành xe lăn điện.

Sau cải tiến, xe đi nhanh hơn, đi được xa hơn và có thể tải được tối đa 150kg, đồng thời tích hợp hệ thống treo giữ thăng bằng.

Trí Dũng cho biết sản phẩm giúp tăng tính độc lập, tự chủ cho người khuyết tật, giúp tự do di chuyển, sử dụng được trong nhiều môi trường, cả nơi có chướng ngại vật. Đặc biệt, giá thành hợp lý hơn so với các mẫu xe lăn điện hiện có trên thị trường.

Trong khi đó, giải nhì cuộc thi là dự án "The Plantae - ứng dụng nhận diện và cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là dược tính, sức khỏe thực vật" với sự kết hợp của nhóm sinh viên Trường đại học Quốc tế và Trường đại học Y Dược TP.HCM.

Ứng dụng này sử dụng AI để nhận diện thực vật. Chỉ cần cùng camera điện thoại chụp ảnh một cây nào đó, ứng dụng sẽ so sánh ảnh với cơ sở dữ liệu lên tới 33.300 cây sẵn có. Nếu thấy kết quả phù hợp, ứng dụng lập tức hiển thị tên thông dụng, tên khoa học, mô tả chung, phân loại khoa học, phân bố địa lý, độc tính, đánh giá sức khỏe và phương pháp chăm sóc phù hợp…

The Plantae chú trọng dược tính của thực vật, được tối ưu cho thị trường Việt Nam.

Ứng dụng The Plantae ngay lần đầu thi start-up đã giành giải nhì - Ảnh: C.T.

Ứng dụng The Plantae ngay lần đầu thi start-up đã giành giải nhì - Ảnh: C.T.

Không dừng lại ở cuộc thi

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - thông tin các dự án vào vòng chung kết xoay quanh lĩnh vực thực phẩm, công nghệ chế tạo, chăm sóc sức khỏe, Internet of Thing (IoT)…

Đều là những dự án mang nhiều giá trị xã hội tích cực, hướng đến xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Đặc biệt, đa số hồ sơ dự thi năm nay đã có sản phẩm cơ bản từ khi tham gia tuyển chọn vòng sơ khảo.

Nhóm sinh viên thực hiện dự án

Nhóm sinh viên thực hiện dự án "The Plantae - ứng dụng nhận diện và cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là dược tính, sức khỏe thực vật" nhận giải nhì - Ảnh: C.T.

Theo thầy Vũ, ban tổ chức đã có bốn buổi tập huấn kỹ năng dành cho thí sinh tham gia cuộc thi về lập mô hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, lập chiến lược marketing và kỹ năng trình bày.

Cùng với đó, còn có các buổi định hướng, tham quan doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu thị trường và thực hiện sản phẩm mẫu.

"Nhà trường đã kết nối hơn 30 giảng viên, nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các chuyên gia nhiều lĩnh vực cùng cố vấn dự án, tập huấn viên và làm ban giám khảo cuộc thi", ông Vũ nói.

Năm nay, 22 dự án của sinh viên từ 8 khoa, bộ môn thuộc Trường đại học Quốc tế kết hợp cùng sinh viên của 6 trường đại học khác tại TP.HCM tham gia tranh tài.

Tại chung kết, mỗi dự án có 5 phút thuyết trình trước hội đồng giám khảo và trả lời vấn đáp trong 10 phút.

Tiêu chí được đánh giá dự án gồm tính cần thiết, sự khác biệt, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, tác động xã hội, kỹ năng trình bày và phản biện.

Sinh viên muốn khởi nghiệp hãy tham gia hoạt động đội nhómSinh viên muốn khởi nghiệp hãy tham gia hoạt động đội nhóm

Tham gia hoạt động đội nhóm sẽ mang đến cho sinh viên những kỹ năng mà đôi khi phải nhiều năm sau các bạn mới thật sự thấy giá trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên