Ông Huỳnh Phước Nghĩa, giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý (Đại học Kinh tế TP.HCM), đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp gỡ vướng cho các dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Ông Nghĩa nói: Bên cạnh nỗ lực giải quyết, gỡ vướng cho các dự án của chính quyền TP.HCM, cần có một cơ quan mang tính "đa phương", liên thông các ban ngành và đủ thẩm quyền để giải quyết dứt điểm các vướng mắc.
* Để đưa kinh tế TP.HCM trở lại "đường đua", ngoài việc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông có cho rằng việc gỡ vướng cho các dự án bất động sản cũng là yêu cầu cấp bách?
- Nếu thị trường bất động sản được khơi thông, dòng tiền từ các nơi đổ vào bất động sản trên địa bàn càng nhiều, đầu tư nước ngoài và M&A (mua bán, sáp nhập) lĩnh vực bất động sản tăng... sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế TP.HCM, tạo nên sức lan tỏa cho hàng chục ngành nghề khác.
Ngược lại, bất động sản bị tắc nghẽn cũng làm giảm động lực phát triển của các ngành khác từ tài chính, bán lẻ, các dịch vụ từ cao cấp đến giải trí, ngay cả giáo dục.
Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP, có 156 dự án vẫn đang gặp vướng, khiến hàng tỉ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực này không phát huy được hiệu quả, chưa kể hệ sinh thái xung quanh bất động sản cũng bị ảnh hưởng.
Tắc nghẽn dòng tài chính, tắc với lĩnh vực bất động sản trong khi các ngành xuất khẩu chủ lực cũng giảm sút, kinh tế TP.HCM bị chững lại là điều khó tránh khỏi, cần sớm có những giải pháp để gỡ vướng, khơi thông dòng chảy cho bất động sản và hệ sinh thái xung quanh.
* Nhưng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận có tình trạng cán bộ mang tâm lý e sợ trách nhiệm, không dám quyết, thưa ông?
- Đấy là một trong những điểm mấu chốt. Trong thực tế, ngay cả có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản trong đầu tư nhưng khi doanh nghiệp hỏi, sở này hỏi sở kia, cấp TP cũng hỏi lên bộ, bộ này hỏi bộ khác, rồi lại trả về địa phương, mất hàng tháng trời.
Do đó, theo tôi, vai trò của tổ công tác là phải trả lời ngay là có được hay không được hoặc ít ra là phải có "deadline" (thời hạn) phản hồi là bao nhiêu ngày, đúng theo nguyên tắc một cửa chứ không thể để dài lê thê được.
Khi nghiên cứu, chúng tôi thấy có những dự án từ năm 2000 đến 2018 mới triển khai, điều chỉnh nhiều lần, bị điều chỉnh bởi nhiều luật. Khi được hỏi, các bộ ngành và địa phương đều không dám quyết, khiến dự án lại dài thêm, thời gian tính bằng năm.
Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại, từ dự án này đến dự án khác, năm này qua năm nọ. Mọi người thường vịn vào câu rất cơ bản "sợ không đủ căn cứ pháp luật", khiến các dự án đầu tư bị tắc, nguồn lực của xã hội không phát huy hiệu quả.
* Với tổ công tác gỡ vướng cho các dự án bất động sản đã được Chính phủ thành lập, theo ông, liệu những vướng mắc tại các dự án bất động sản có được tháo gỡ như kỳ vọng?
- Chính phủ đã có những giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản như ban hành nghị quyết 33, tung gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hay hạ lãi suất điều hành... Nhưng riêng với TP.HCM, việc giải quyết về vốn, hạ lãi suất cũng chỉ mới giải quyết một phần nào đó thôi. Bởi nhiều dự án ở TP đang vướng pháp lý, nợ, thậm chí sai phạm mà chưa giải quyết được dứt điểm.
Phải giải quyết một cách đồng bộ mới mong có sinh khí trở lại.
Trong khi đó, phải thừa nhận rằng đang có tâm lý e sợ. Những vướng mắc và cả những giải pháp đã được đưa ra mổ xẻ nhiều nhưng vướng mắc tại hàng trăm dự án trên địa bàn vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Do đó, cần phải có giải pháp nặng đô hơn, nói nôm na là phải có "một bàn tay quyền lực" đủ thẩm quyền để giải quyết. Chẳng hạn, cần nâng tầm cho tổ công tác của Chính phủ, giúp tổ này có đủ thẩm quyền để giải quyết cho từng dự án.
* Nhưng "bàn tay quyền lực" này cũng không thể đưa ra những giải pháp vượt ra khỏi những khuôn khổ pháp lý...
- Thực ra, những vấn đề trong thẩm quyền, TP cũng đã nỗ lực giải quyết, như thúc đẩy nhanh các hồ sơ, thủ tục pháp lý... Nhưng nếu vướng vào tài sản công, vi phạm quy hoạch, TP cũng không thể xử lý mà phải quay lại từ đầu quy trình, đó là chuyện các luật liên quan.
Ngay cả với nhà ở xã hội, TP cũng hỗ trợ về mặt quỹ đất, đẩy nhanh thủ tục thôi, còn những quy trình khác lại phải tuân thủ theo luật.
Đấu giá đất cũng vậy, ở nước ngoài phải đánh giá năng lực xong mới đấu giá, sắp tới đây TP có dám đánh giá năng lực rồi mới chọn doanh nghiệp đấu giá không, nó cũng đụng đến nhiều quy định khác.
Ngay cả tổ công tác của Chính phủ cũng vậy, biết được điểm vướng nhưng mọi giải pháp cũng phải dựa theo pháp luật, không thể làm khác được. Trong khi pháp luật còn chồng chéo, có những dự án kéo dài hàng chục năm, qua nhiều lần sửa luật.
Do đó, cần nâng thêm một cấp đối với tổ công tác của Thủ tướng, có đủ thẩm quyền để giải quyết, tháo gỡ từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể.
Điều nghịch lý thời gian qua là ngay cả việc tính tiền sử dụng đất để nộp thuế cho Nhà nước mà cũng tắc hay đất công xen cài, dù tỉ lệ nhỏ cũng làm tắc dự án. Trong thực tế, có những vụ việc bị trì trệ, ai cũng có trách nhiệm cả nhưng không ai quyết định xử lý.
* Để sớm trở lại "đường đua", TP không chỉ loay hoay gỡ vướng tại các dự án mà cần có động lực mới cho tăng trưởng?
- Bên cạnh gỡ vướng cho những dự án cũ, theo tôi, cần tập trung chính sách để hình thành một thị trường bất động sản mới lành mạnh hơn, đáp ứng cho nhu cầu đa số của người dân.
Ví dụ, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở công nhân lúc nào cũng cần, đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng đã có. TP có thể làm theo hướng "may đo", tức là chọn những hạ tầng mà khi phát triển các dự án đầu tư, tạo nên sức hấp dẫn mới cho bất động sản.
Ngoài ra, như câu chuyện đường vành đai, các cảng, các khu công nghệ cao... khi được triển khai thực hiện sẽ dẫn dắt giới đầu tư sang một kỳ vọng mới, chu kỳ mới, tiếp tục tạo động lực tăng trưởng mới.
Còn nếu cứ dồn tâm huyết, sức người để giải quyết những câu chuyện cũ mà ít quan tâm đến những cái mới để tạo nên hình hài mới sẽ rất khó.
Sắp tới đây sẽ có nghị quyết mới về cơ chế đặc thù, TP cần tranh thủ để tận dụng, tạo nên một bức tranh mới cho cả câu chuyện hạ tầng lẫn thu hút đầu tư bất động sản.
Doanh nghiệp vẫn chờ đợi
Thời gian qua, tổ công tác của Thủ tướng và UBND TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bất động sản (bất động sản), lắng nghe kiến nghị của một số doanh nghiệp liên quan đến các vướng mắc của dự án. Trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp đều mong muốn sau những cuộc làm việc này, các cơ quan cần sớm có những chính sách gỡ vướng.
Vừa được cấp giấy phép đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán tại TP Thủ Đức, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết việc hoàn thành các thủ tục pháp lý và có giấy phép bán hàng đã giúp các doanh nghiệp bớt đi khó khăn về dòng vốn.
"Việc các dự án được cấp sổ hồng hoặc đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán trong giai đoạn này chính là những điểm sáng tích cực đóng góp vào nguồn cung nhà ở và củng cố niềm tin của khách hàng giữa bối cảnh thị trường còn rất nhiều khó khăn", vị này nói.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như vậy. Là doanh nghiệp có dự án chung cư nằm trong số bảy dự án bất động sản được UBND TP.HCM chọn họp gỡ vướng vào cuối tháng 2 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Gotec Việt Nam cho biết doanh nghiệp này rất nóng ruột chờ tín hiệu tích cực từ TP.
"Chúng tôi chờ đợi từng ngày các động thái từ chính quyền để giải quyết các thủ tục dự án, giúp dự án hoạt động trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết các nguồn chi trước mắt, ổn định hoạt động kinh doanh...", vị này nói.
Cũng theo vị này, nếu tiến độ tháo gỡ các vướng mắc cho dự án càng bị kéo dài, doanh nghiệp càng thiệt hại nặng. Đặc biệt là lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp cũng sẽ suy giảm đáng kể nếu bắt khách hàng chờ đợi quá lâu.
"Nếu giải quyết sớm, chúng tôi sẽ ký được hợp đồng mua bán ngay khi đủ hồ sơ, đồng thời dự án được triển khai trở lại, đảm bảo tiến độ cam kết với khách hàng", vị này nói.
Tương tự, một doanh nghiệp khác cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị, các cơ quan cũng đã họp tìm cách gỡ vướng nhưng vẫn phải chờ bởi còn những vấn đề liên quan đến luật, phải xin ý kiến các bộ ngành.
* Ông Nguyễn Văn Nhánh (cư dân chung cư Thái An 3, quận 12):
Cần sớm có giải pháp cấp sổ hồng cho cư dân
Tôi mua căn hộ đến nay đã 10 năm nhưng giờ vẫn chưa có giấy chủ quyền dù rất nhiều lần kiến nghị, hỏi cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng.
Tôi thiết tha mong muốn cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để cấp sổ hồng cho các cư dân chứ tài sản tiền tỉ bỏ ra, tích cóp cả đời mà giờ cứ thấp thỏm, không biết đến bao giờ mới có sổ. Thậm chí lúc ngặt nghèo muốn bán, thế chấp lấy chút vốn làm ăn cũng không xong, tài sản chôn ở đó.
Nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và chính quyền là một chuyện, nhưng quyền lợi của người mua nhà cần phải được đảm bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận