Tại phiên thảo luận về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị ban soạn thảo cho biết thế giới có nước nào có Luật kinh doanh bất động sản không.
"Các nước thế giới quy định về kinh doanh bất động sản thế nào, phạm vi liên quan đến các luật khác như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nhiều nước có luật liên quan kinh doanh bất động sản
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong quá trình xây dựng dự luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo cũng đã tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm thế giới và tổng hợp.
Qua đó nhận thấy hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến bất động sản và giao dịch bất động sản.
"Để có tên gọi đúng như Luật kinh doanh bất động sản thì có nhiều nước dù có điều chỉnh quan hệ này nhưng tên gọi không hẳn như vậy.
Tuy nhiên các nước đều có điều chỉnh quan hệ liên quan đến giao dịch bất động sản, về đất đai, về bất động sản cũng như các hoạt động dịch vụ môi giới", ông Nghị nêu.
Ông dẫn chứng hiện nay Philippines có Luật mua bán bất động sản, Malaysia có Luật mua bán đất đai; Indonesia có Luật đất đai điều tiết cả nội dung liên quan đến buôn bán bất động sản và các dịch vụ trong kinh doanh bất động sản.
Cạnh đó, Hàn Quốc có Luật cấp phép hành nghề môi giới bất động sản và khai thác giao dịch bất động sản. Úc và New Zealand có Luật môi giới bất động sản. Hà Lan có luật về giao dịch bất động sản.
Mỹ có luật về cấp phép hành nghề bất động sản, còn tùy từng tiểu bang có quy định riêng liên quan đến bất động sản.
Nước Anh có luật đăng ký đất đai, luật về người môi giới bất động sản. Còn Trung Quốc cũng có luật về quản lý bất động sản đô thị.
"Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng các luật đều có quy định điều chỉnh về các giao dịch đất đai và tài sản trên đất. Cụ thể, ở đây là công trình xây dựng và nhà ở", ông Nghị giải thích.
Liên quan vấn đề bảo lãnh trong dự thảo luật, ông Nghị nói nội dung này tiếp tục kế thừa giữ nguyên như quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giao dịch thực hiện quy định này trong dự thảo bổ sung một nội dung.
Đó là trong thời gian người mua, người thuê mua nhà ở chưa nhận được chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng thì chủ đầu tư chỉ được nhận tiền của khách hàng thông qua tài sản riêng.
Việc này để quản lý tiền, tránh sử dụng sai mục đích, đảm bảo khả năng thực hiện dự án, đảm bảo theo tiến độ như cam kết trong hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ sẽ rà soát quy định lại làm sao làm rõ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của bên phát hành chứng thư bảo lãnh việc này.
Quy định mới về đặt cọc "nhà hình thành trong tương lai"
Trước đó, về quy định đặt cọc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thấy quy định này mới và trong Bộ luật dân sự cũng có quy định về đặt cọc.
Do đó, bà đề nghị làm rõ sự cần thiết, cơ sở đề xuất quy định này. Trường hợp cần thiết thì quy định những nội dung nào mà đặc thù của việc đặt cọc trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai và không cần thiết phải lặp lại quy định của Bộ luật dân sự.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ trước đây trong pháp luật kinh doanh bất động sản không có quy định về nội dung này.
Tuy nhiên, thực tế theo ông có chủ đầu tư đã lách luật, ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhiều loại hợp đồng khác để thu tiền khách hàng khi chưa đủ điều kiện bán nhà hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Do đó, dự thảo lần này có bổ sung quy định về nhận tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và thực hiện giao dịch theo đúng quy định để hạn chế tình trạng trên.
"Dự thảo luật này chỉ quy định về điều kiện đối với bất động sản cần phải đáp ứng để chủ đầu tư dự án nhận tiền đặt cọc từ khách hàng mà không quy định các nội dung khác về đặt cọc như hợp đồng đặt cọc, giải quyết tranh chấp... Và giải quyết việc này thực hiện theo pháp luật về dân sự", ông Nghị giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận