28/10/2021 09:07 GMT+7

Giữ giá xăng dầu, chờ Bộ Tài chính

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Người dân châu Âu đang đối mặt với mùa đông nhưng lại "phỏng tay" với hóa đơn tiền điện. Hội đồng châu Âu phải họp để các nước trong khối có hướng giải quyết.

Với người tiêu dùng Việt, mối lo không phải là điện mà là xăng dầu, đã đạt mức giá cao nhất trong 7 năm qua. Đang bước ra khỏi khó khăn do giãn cách, ai cũng mong muốn ổn định giá xăng dầu.

Người châu Âu giải bài toán hóa đơn điện thế nào? Có nước hỗ trợ người dân chi trả hóa đơn tiền điện. Nhưng chìa khóa lại nằm trong tay các chính phủ, đã được chỉ ra, là trong giá nhiên liệu có khoảng 50% là thuế, giảm thuế, giá sẽ giảm ngay. Vậy là đã rõ, muốn giá năng lượng không tăng nóng, Nhà nước thu ít hoặc trợ cấp. Giải pháp này giúp giảm áp lực giá năng lượng tăng vọt khi thế giới sống chung với COVID-19.

Việt Nam không thể hạ nhiệt, chỉ có thể ổn định giá xăng dầu. Chúng ta có hai van điều tiết giá xăng dầu là thuế - phí và quỹ bình ổn giá. Với quỹ bình ổn, nay đã cạn, chỉ còn trông vào thuế - phí. Nhưng Bộ Tài chính không giảm thuế - phí vì cho rằng có thể dẫn đến buôn lậu và phải để giá xăng dầu theo thị trường.

Thật ra lý lẽ này đúng nhưng chưa phù hợp với bối cảnh mới khi doanh nghiệp vừa ra khỏi giãn cách, cần hỗ trợ để hồi phục, rồi lạm phát rình rập. Nếu không có giải pháp mạnh, giá xăng dầu tăng đẩy giá vận chuyển hàng hóa tăng, rồi đến lượt giá hàng hóa chạy theo... Như vậy, yêu cầu kiểm soát lạm phát khi có dịch COVID-19 phải cao và khắt khe hơn trước để không tạo ra "khó khăn kép" cho nền kinh tế. 

Nhưng muốn ổn định giá xăng dầu, Nhà nước phải chia sẻ. Nếu Bộ Tài chính ưu tiên thu ngân sách cho đạt kế hoạch, giá xăng dầu cao sẽ "lan tỏa" ra cả nền kinh tế, không khéo, được trước mắt (có nguồn thu), mất lâu dài (doanh nghiệp, người tiêu dùng chịu giá cả tăng, lạm phát). 

Điều này đi ngược với mong mỏi của mọi người: trước là ổn định giá xăng dầu và xa hơn là kiểm soát lạm phát. Cần xem ổn định giá là một phần của "gói hỗ trợ" mà Chính phủ đang hướng tới dưới nhiều hình thức để giúp phục hồi nền kinh tế.

Cũng không thể cho rằng "giảm thuế sẽ kích thích buôn lậu", vì sao? Đúng là có chuyện giữ giá xăng dầu thấp hơn thế giới sẽ dẫn đến buôn lậu trên biển vào thị trường nội địa và thẩm ngược xăng dầu qua biên giới trên bộ. 

Nhưng nay cơ quan chức năng đang có chuyên án bóc dỡ đường dây buôn lậu, tiêu thụ xăng dầu. Mới nhất là bắt chủ doanh nghiệp liên quan buôn lậu 200 triệu lít xăng. Trong bối cảnh này, chỉ kẻ liều mới nhảy ra buôn lậu kiếm ăn. Còn biên giới trên bộ, hoạt động phòng chống COVID-19 cũng hạn chế thẩm lậu ngược xăng dầu ra nước ngoài. 

Chưa kể, khi cả trăm triệu lít xăng lậu được bán trót lọt, Nhà nước mất hàng trăm tỉ tiền thuế, chắc chắn lực lượng cảnh sát biển, quản lý thị trường, thuế... phải nỗ lực hơn để chống buôn lậu xăng dầu. Cuối cùng, cơ quan quản lý không thể lấy lý do chưa thể bịt kín kẽ hở buôn lậu xăng dầu để chậm sử dụng công cụ thuế nhằm ổn định giá xăng dầu hỗ trợ nền kinh tế. 

Đừng quên doanh nghiệp, người tiêu dùng đang chống chọi COVID-19, đà tăng của giá xăng dầu chưa dừng lại. Hỗ trợ nền kinh tế, Bộ Tài chính không thể mãi đứng ngoài cuộc.

Giá xăng tăng Giá xăng tăng 'khủng khiếp', doanh nghiệp vận tải lao đao

TTO - Liên bộ Tài chính - Công thương chính thức tăng giá tất cả các mặt hàng xăng dầu kể từ 16h hôm qua 26-10. Giải pháp giảm thuế phí chưa được tính đến.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên