18/11/2013 10:37 GMT+7

Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người - Kỳ 3: Cho và nhận

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HƯƠNG GIANG
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HƯƠNG GIANG

TT - “Không hề có thù lao dạy học, nhưng ở đây tôi tìm được đồng cảm từ sự chân thành của học sinh. Mới biết nhau thôi, vậy mà những thầy cô giáo không chuyên chúng tôi dường như đã hiểu nhau lâu rồi, vì chúng tôi có cùng tâm huyết” - cô Thanh Nguyên, một giáo viên ở Đức, chia sẻ cảm nhận của mình khi nhận công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở Berlin.

Kỳ 1: Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng Kỳ 2: Sao Mai ở Berlin

rrWovo0W.jpgPhóng to
Các cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài trong lần hội ngộ tại Hà Nội tháng 10-2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cô giáo của em ngoan lắm!

Chia sẻ về tình cảm của học trò với mình, cô Nguyễn Thị Loan (Czech) xúc động nói: “Khi học sinh mới vào lớp, hầu hết các em không nói được tiếng Việt hoặc chỉ bập bẹ vài tiếng. Các em bất hợp tác với cô giáo. Thế nhưng thời gian trôi qua, các em bắt đầu yêu cô giáo, thích đi học. Cảm nhận đó là món quà vô giá đối với tôi. Có lần một em đã mạnh dạn bảo tôi “đẹp cô” (cô đẹp), rồi chỉ chiếc áo tôi đang mặc bảo: “Đẹp cái áo này”... Mặc dù các em vẫn nói theo tư duy ngôn ngữ của Czech, ngược với thứ tự tiếng Việt nhưng tôi biết bọn trẻ đã có tình cảm, đã chấp nhận tôi, tôi sẽ có thể thành công. Có lần tôi bật cười vì một học sinh, chính là em đã bất hợp tác với tôi trong buổi đầu đi học, nói với tôi rằng: Cô giáo của em ngoan lắm!”.

Cô Trịnh Thị Thảo, giáo viên tiếng Việt Trường THPT Nguyễn Du tại Vientiane, Lào kể: “Mỗi sự tiến bộ của học sinh là niềm vui của chúng tôi. Nhiều em học sinh Lào rất thông minh và học tiếng Việt nhanh. Có những lúc các em làm cô giáo bất ngờ. Có lần học tới vần “uyên” là một vần rất khó, tôi yêu cầu các em học sinh tìm từ có vần này, có em tìm nhanh được khá nhiều từ, trong đó có những từ cô cũng chưa nghĩ tới. Chính các em lại là những người làm tôi thấy ngỡ ngàng, có hứng thú hơn trong việc dạy học. Ham học và tính tình hồn hậu, tình cảm của học sinh là thứ níu giữ chúng tôi gắn bó với trường để tiếp tục cuộc sống đi về giữa hai nước, duy trì nghề dạy học”.

Nhiều thầy cô giáo thừa nhận rằng chính họ cũng tìm được tình yêu với nghề, sự gắn bó với quê hương từ những lớp học tiếng Việt. Những câu chuyện, hình ảnh, thông điệp từ Việt Nam được các cô sưu tầm không chỉ mang tới cho học sinh những hiểu biết mới mẻ, mà cũng khiến các thầy cô rút bớt khoảng cách với quê hương, được sống trong bầu không khí thân thương như ở nhà.

Cô giáo Thanh Nguyên, giáo viên Trường tiếng Việt Sao Mai (Berlin, Đức), kể: “Tôi ngạc nhiên và xúc động khi nghe các cháu bé mang hai dòng máu Việt - Đức kể say sưa về sự tích cây nêu, ngày ông công ông táo theo tục lệ ở Việt Nam. Có lần tôi chứng kiến cháu Jasmin, khoảng 7-8 tuổi, tự tay đốt nén hương cắm lên bàn thờ ngày tết. Hình ảnh đó khiến tôi rưng rưng. Tôi được nhận từ “đại gia đình” này gồm các thầy cô, phụ huynh và các em tình cảm nồng hậu, điều đó như ngọn lửa làm ấm lên trong tiết trời giá lạnh nước Đức.

YqtT09np.jpg
Học sinh tập bài hát tiếng Việt để chuẩn bị cho lễ khai giảng ở Praha (Cộng hòa Czech) - Ảnh: nhà báo Diệu Linh cung cấp

Những dòng thư làm ấm lòng

Đó là thư viết bằng tiếng Việt của em Nguyễn Ngọc Thu Thảo, một học sinh Trường Sao Mai, Berlin gửi cho cô giáo của mình với những lời chân thành: “Kỷ niệm với cô giáo thì rất nhiều, nhưng em nhớ nhất vẫn là kỷ niệm với cô giáo dạy tiếng Việt. Đó là những giờ giải lao cô hay mang cho chúng em hoa quả, bánh kẹo. Mỗi lần nhìn cô gọt hoa quả, em thấy cô giống như mẹ em ở nhà vậy. Cô còn dạy em biết rất nhiều trò chơi và những bài hát Việt Nam. Nhờ cô mà em nói được nhiều tiếng Việt. Những kỷ niệm đó em sẽ nhớ mãi không bao giờ quên. Em yêu cô giáo tiếng Việt của em”.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (Trường Sao Mai), tuy chữ viết còn xấu, có chỗ còn sai, nhưng có lẽ đó là một trong những bức thư đầu tiên các em viết bằng tiếng Việt và các em đã dành nó cho thầy cô. Còn đây là tâm sự của một phụ huynh, chị Tống Bích Thanh, Việt kiều tại Đức: “Lòng người mẹ luôn ngập tràn niềm vui khó tả, mỗi khi con đi học tiếng Việt về rối rít tới bên mẹ kể: “Mẹ ơi, hôm nay con được bốn điểm 10”, “Mẹ ơi, hôm nay cô đọc bài Nhật ký của mẹ, con thấy cô rơm rớm nước mắt, hình như cô đang nhớ đến mẹ của cô. Con thấy bài thơ đó hay lắm mẹ ạ, con cũng rất xúc động”. Tuy thời gian học ít ỏi (một tuần hai tiết) nhưng sau mỗi lúc đi học về được nghe con kể, tâm sự, tôi thấy ấm áp như đang sống ở quê nhà. Thế là con tôi không bị mất gốc Việt. Con mình có văn hóa Việt. Cháu không chỉ biết đọc thơ, viết văn mà còn hiểu biết rất rộng về những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, biết hát múa những làn điệu quê hương. Đặc biệt hơn, nơi đây đã hình thành trong con tôi nhân cách sống tốt, biết yêu thương và biết nói lời yêu thương với bố mẹ, họ hàng, bạn bè, người thân, biết yêu quê hương Việt Nam và biết làm những việc thiện, đối xử thân thiện với mọi người, tôi thật tự hào về cháu. Tôi hiểu những thành quả đó là công lao to lớn của các cô giáo trong trường. Tình yêu thương của các cô thật vô bờ bến. Các cô đã thương yêu chăm sóc học sinh như chính con mình. Mặc cho nắng mưa, trời đông tuyết giá, căn phòng nhiều khi lò sưởi chưa kịp nóng, lại đi bộ một đoạn dài mới vào tới trường, các cô đã hi sinh những chủ nhật hiếm hoi bên chồng con để dành cho học sinh”.

Nhiều học sinh đã không còn học ở lớp tiếng Việt nữa, các em vào đại học hoặc chuyển sang sống nơi khác nhưng vẫn viết thư cho cô giáo của mình, những lá thư bằng tiếng Việt. Cô Nguyễn Thị Loan ở CH Czech kể: “Có em nhờ tôi tư vấn về những vấn đề khúc mắc đang gặp phải. Cả các phụ huynh học sinh cũng thế, họ gọi cho tôi ngoài giờ, vào các buổi tối để chia sẻ nỗi lo lắng về con, cách dạy con nên thế nào để con hòa nhập với thế giới hiện tại nhưng giữ được những cốt cách mà bố mẹ mong muốn. Tôi hiểu qua những tâm sự đó là sự tin tưởng đặt vào nơi tôi. Đó là trách nhiệm tôi tình nguyện gánh lấy nhưng cũng là niềm vui của một cô giáo ít nhiều có những thành công ở vai trò người thầy tiếng Việt”.

Lào là một trong những nước có phong trào học tiếng Việt tốt nhất. Tổng hội người VN ở Lào gồm 11 tỉnh hội, thành hội và ở mỗi nơi lại có một trường của Việt kiều, được tổ chức quy củ, nề nếp nên giáo viên có điều kiện tổ chức các lớp tiếng Việt khá bài bản. Tại Vientiane, Trường THPT Nguyễn Du có ba cấp học, với trên 2.000 học sinh, quy mô tương đương với một trường công lập lớn ở Việt Nam, trong đó 65% là Việt kiều.

Tại Ba Lan, cộng đồng người Việt hiện có khoảng 25.000-30.000 người, chủ yếu tập trung ở thủ đô Warsaw. Nhu cầu học tiếng Việt ở đây cũng lớn. Trường tiếng Việt đầu tiên ở Ba Lan được mở năm 1999 chỉ với vài chục học sinh. Năm 2009, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ra đời, số học sinh hằng năm gần 200 với lứa tuổi từ 5-14. Trong năm học 2013-2014 trường mở thêm hai chi nhánh khác.

Tiếng Việt đã được công nhận như một sinh ngữ chính thức ở Úc (được đưa vào chương trình giảng dạy chính quy ở các cấp học). Tại Mỹ, bang California - nơi tập trung phần lớn dân cư gốc Việt - có hơn 50 cơ sở dạy tiếng Việt.

___________

Kỳ tới: Câu chuyện Lạc Long Quân ở Ba Lan

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên