17/11/2013 06:16 GMT+7

Gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người - Kỳ 2: Sao Mai ở Berlin

VĨNH HÀ - HƯƠNG GIANG
VĨNH HÀ - HƯƠNG GIANG

TT - “Chúng tôi đã mang tất cả những gì có thể tới lớp học, từ đồ ăn tới quần áo, vật dụng tự chế với mong muốn kéo bọn trẻ gần hơn với cội nguồn để từ đó khơi dậy niềm hứng thú học tiếng mẹ đẻ. Dạy tiếng Việt ở đây cũng gian nan không khác nhiều lắm thời “bình dân học vụ” hồi trước ở Việt Nam” -

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Sao Mai ở Berlin (CHLB Đức), nói.

Kỳ 1: Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng

GRUVr2AD.jpgPhóng to
Cô giáo Thanh Tâm trong giờ dạy tiếng Việt ở Trường Sao Mai - Ảnh: nguoiviet.de

Trở lại bục giảng

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm đã tự bỏ tiền để về VN tham dự lớp tập huấn do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 10-2013. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm thi vào ngành sư phạm và trở thành cô giáo dạy văn Trường THCS Quang Trung, Hà Nội.

“Theo chồng sang Đức năm 25 tuổi, tôi đành tạm biệt bục giảng. Sau thời gian nghỉ chăm sóc con, tôi túc tắc đi làm bán thời gian ở một cửa hàng bán hoa tươi. Khi đó tôi đã nghĩ sẽ giã từ nghề dạy học. Nhưng rồi cơ duyên lại tới lần nữa. Tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở Berlin” - cô Tâm kể với chúng tôi.

Trò chuyện với chúng tôi tại căn hộ của gia đình ở Hà Nội, cô Tâm cho biết: “Hơn 20 năm xa quê nhưng tôi luôn ý thức giữ cho các con văn hóa truyền thống. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thuần túy. Thời gian đầu cứ có người về nước là tôi nhờ mua sách, truyện từ VN. Tôi đọc và dạy lại cho các con. Càng xa đất nước mình, tôi càng thấy yêu văn hóa Việt, thấy tiếng Việt của mình thật giàu ý nghĩa. Đó cũng là lý do khiến tôi nhận lời trở lại bục giảng lần thứ hai với vai trò dạy tiếng Việt”.

Cô Tâm kể: “Hầu hết bọn trẻ không biết tí gì hoặc nói được rất ít tiếng Việt nên phương pháp dạy tiếng Việt cũng không thể áp dụng theo cách dạy chữ cho trẻ lớp 1 ở Việt Nam. Đó là một thách thức đòi hỏi người dạy phải kiên nhẫn, tìm tòi, áp dụng cách dạy học khác nhau. Nếu dễ nản chí sẽ không thể theo đuổi công việc khó khăn này, bởi vì đây hoàn toàn là việc thiện nguyện, chúng tôi dạy học không phải để kiếm sống”.

Từng dự giờ dạy của cô Thanh Tâm và ghi lại nhiều hình ảnh lớp học ở Sao Mai, ông Quang Chí, một kiều bào ở Đức, kể lại: “Tôi thấy cô Tâm không chỉ yêu nghề mà còn truyền cho các em tấm lòng của người mẹ. Với giọng nói của người Hà Nội chính gốc, chậm rãi, nhẹ nhàng và kiên trì, cô Thanh Tâm giảng giải từng từ, chữ và nghĩa để các em hiểu. Tôi chứng kiến và rất đỗi ngạc nhiên khi các cháu học sinh nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, nhưng khi vào giờ học các cháu trả lời cô giáo bằng tiếng Việt ngon lành!”.

Qlr7nlSU.jpgPhóng to
Lễ khai giảng lớp tiếng Việt ở Cottbus (Đức) - Ảnh: nguoiviet.de

Như “bình dân học vụ”

Giữa thủ đô Berlin có một trường học nhỏ mang tên Sao Mai, lập ra để dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt. Trường do bà Mùi, giám đốc Trung tâm thương mại Thái Bình Dương tại Berlin, giúp đỡ.

Nếu như ở VN trẻ chỉ sau 2-3 tháng đã biết đọc, biết viết, sáu tháng có thể đọc thông viết thạo thì ở đây có những học sinh đến trường ròng rã... bảy năm. Vì trường chỉ mở cửa vào chủ nhật nên một năm (trừ những ngày lễ) học sinh chỉ học khoảng 30-35 buổi. 100% cô giáo đều có nghề chính ở nơi khác, dạy học chỉ là công việc tình nguyện với tinh thần mưa dầm thấm lâu.

Tuy nhiên, theo cô Thanh Tâm, “dù chỉ 1 buổi/tuần nhưng thời gian và tâm huyết của các cô giáo Trường Sao Mai dành cho trường, cho học sinh nhiều hơn thế.

Việc vận động học sinh tới trường, giữ các em ở lại trường cũng khó khăn không khác gì vận động học sinh đi học ở vùng sâu, vùng xa.

Theo cô hiệu trưởng Trường Sao Mai, ban đầu khi mới mở trường có 120 học sinh, nhưng rồi cứ rơi rụng dần. Có học sinh đến chỉ để “xem cô dạy thế nào”, có em thấy khó quá nản chí muốn bỏ.

“Nhiều trường hợp cả bố mẹ các cháu và chúng tôi đều phải cùng ngồi nghĩ cách để đưa được các cháu tới trường. Vì các ngày thường, các cháu đã quen học ở trường Đức với điều kiện đầy đủ, phương tiện hiện đại. Với nhiều cháu, văn hóa Việt Nam vẫn quá xa lạ, trong khi cha mẹ bận làm ăn không có thời gian quan tâm. Việc học một thứ tiếng xa lạ với các cháu là điều khó duy trì vô cùng. Bởi thế, chúng tôi vừa dạy vừa dỗ, phải khiến trò yêu cô giáo, tiếp cận dần với văn hóa Việt qua các trò chơi, hoạt động tập thể thì các cháu mới tự nguyện học tiếng Việt”.

Thầy cô ở Trường Sao Mai không chỉ lên lớp với giáo án học tiếng Việt mà phải thực hiện những giờ học linh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Một lớp học thường có tới ba trình độ. Cô giáo phải làm sao dạy cho ba đối tượng học sinh mà không làm các em thấy nhàm chán.

Ông Quang Chí cho biết đã được xem những cuốn sách dày ghi lại câu thơ, đoạn văn, ở dưới có hình vẽ minh họa. Đó là bài tập của học sinh theo hướng dẫn của cô Thanh Tâm. Mỗi thầy cô giáo ở đây đều phải có sáng tạo riêng để đạt được hiệu quả giờ dạy.

Thêm được một học sinh là niềm vui của tất cả các cô giáo. Thiếu một học sinh là nỗi buồn, là trăn trở làm các cô mất ngủ. Giờ Trường Sao Mai chỉ còn hai lớp với 15-20 học sinh/lớp nhưng cô Thanh Tâm chia sẻ: “Dù chỉ còn ít học sinh hơn thế này chúng tôi vẫn dạy. Bởi thêm một em biết tiếng mẹ đẻ, biết hướng về cội nguồn cũng là điều có ý nghĩa lớn lao đối với chúng tôi”. Cô hiệu trưởng Hoàng Liên cho biết: “Có những học sinh cách trường cả trăm cây số nhưng cũng được cha mẹ đưa đến học. Điều đó đã truyền lửa cho chúng tôi vượt qua những tháng ngày vất vả”.

Trường Sao Mai hiện chỉ có ba cô giáo được hưởng lương từ nguồn do phụ huynh đóng góp với mức 10-12 euro/tháng/người, tương đương mỗi buổi học 2-2,5 euro/người, số tiền đó không đủ cho các cô giáo photo tài liệu. “Thường tôi sưu tầm tranh, ảnh, sách trong nước gửi sang, có khi đi mượn để photo lại. Nhưng để học sinh thấy hấp dẫn từ những hình ảnh của quê nhà, tôi phải photo màu. Chi phí photo màu rất đắt nên lương có khi chỉ đủ cho tiền photo. Mỗi chúng tôi đều có một nghề để kiếm sống. Còn việc dạy học, cái được duy nhất với chúng tôi là niềm vui được làm một điều có ích cho quê nhà, cho cộng đồng người Việt” - cô Thanh Tâm chia sẻ.

Còn cô giáo Thanh Hà, giáo viên dạy múa của Trường Sao Mai, có một cửa hàng làm móng tay ở Berlin. Đó là công việc chính để kiếm sống. Nhưng cô Hà tranh thủ mọi thời gian có thể để tự may trang phục cho học sinh phục vụ các buổi sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật. Ngày đi làm, tối về tự mày mò tìm hiểu những điệu múa truyền thống Việt Nam để tự cải biên dạy cho học sinh.

“Cô Hà đã dành hàng tháng để may trang phục cho bọn trẻ. Còn tôi có bao nhiêu áo dài đều mang cả tới trường cho các em nữ sinh. Các em không thiếu thốn vật chất, nhưng thiếu những gì thuộc về VN. Áo dài truyền thống là thứ xa lạ với nhiều em. Rồi cả những món ăn, cuốn sách, hình ảnh VN cũng hiếm hoi. Ở Trường Sao Mai, các cô đều làm món ăn mang tới trường cùng học trò ăn trưa. Chúng tôi đã nỗ lực để ở đây các em thấy như một gia đình” - cô Thanh Tâm nói.

___________

Kỳ tới: Làm sao nối lại nhịp cầu...

VĨNH HÀ - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên