16/11/2022 13:18 GMT+7

Giáo viên bật khóc vì công việc áp lực như 'đội vòng kim cô'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Cử tri là giáo viên tại TP.HCM cho biết bản thân rất chán nản, không phải vì lương thấp mà áp lực công việc quá cao. Nhiều tiêu chí xét thi đua khiến giáo viên như đội trên đầu một chiếc vòng kim cô, siết ngày càng chặt.

Giáo viên bật khóc vì công việc áp lực như đội vòng kim cô - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 16-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 gồm ông Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và ông Nguyễn Thanh Sang - phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - đã tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức. Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đã nhận công tác bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nên không dự buổi tiếp xúc cử tri. 

Giáo viên nản vì lương thấp mà áp lực công việc quá cao 

Tại buổi tiếp xúc, giáo viên Võ Thị Vinh xúc động nói về tình trạng giáo viên nghỉ việc vì áp lực công việc. Hiện nay ngoài giảng dạy tại trường, đến tối giáo viên còn phải làm rất nhiều sổ sách không cần thiết.

Nói đến đây, cô Vinh bật khóc: "19 năm công tác, chúng tôi nản lắm. Nản không vì lương thấp mà lương thấp nhưng áp lực lại quá cao". 

Cô Vinh cho biết thêm, vừa qua TP có chính sách tăng thu nhập cho giáo viên, nhiều người đã rất vui mừng. Nhưng khi thực hiện mới thấy chính chính sách này lại tạo thêm áp lực thi đua cho đội ngũ giáo viên.

Giáo viên bật khóc vì công việc áp lực như đội vòng kim cô - Ảnh 2.

Giáo viên VõThị Vinh bật khóc khi nói về áp lực công việc - Ảnh: THẢO LÊ

"Giáo viên phải nỗ lực thi đua để được hưởng chế độ trong khi nhiều trường tiêu chí xét rất khó. Có những ngày nằm viện hay nhà có tang, nghỉ dạy vẫn bị trừ điểm thi đua. Chúng tôi cảm thấy như đang đội trên đầu chiếc vòng kim cô, siết ngày càng chặt, tinh thần không thể nào thoải mái để làm việc", cô Võ Thị Vinh ấm ức.

Hiện nay khi xét thi đua, chuyên môn của giáo viên không còn được chú trọng. Nhiều tiêu chí ngoài lề được đưa vào để xét. Bà cho rằng ngành giáo dục cần có khung tiêu chí để áp dụng chung cho các trường. 

"Như việc chúng tôi lên tiết để trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên thực tập chỉ được cộng 1 điểm thi đua nhưng hiến máu lại được cộng đến 3 điểm. Do đó, giáo viên lại rủ nhau hiến máu cho thật nhiều. Hiến máu là công việc cao cả nhưng giáo viên cứ đi hiến máu về lại mệt nghỉ cả ngày, cả lớp phải nghỉ theo. Rất đau lòng", cô kể.

Cô hy vọng hội nghị công nhân viên chức sắp tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ dành thời gian đến dự, lắng nghe tâm tư nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ những gánh nặng của nghề giáo hiện nay.

Phải xác định động lực tăng trưởng chính cho TP Thủ Đức 

Tại hội nghị, cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức cũng được nhiều cử tri quan tâm đưa ý kiến. Trong đó, cử tri Trần Canh (phường Tam Bình) cho rằng TP Thủ Đức có nhiều tiềm năng về đất đai và địa lý nhưng chưa có cơ chế để khai thác, phát triển.

Nhiều chính sách đã được các cấp lãnh đạo đề xuất nhưng theo ông, trong điều kiện nguồn lực hạn chế thì TP Thủ Đức nên xác định ngành, lĩnh vực cụ thể nào là động lực tăng trưởng chính. 

Ông gợi mở hiện nay TP Thủ Đức có cảng biển, có khu công nghệ cao, có quỹ đất có thể nghiên cứu phát triển ngành logistics. Nên xác định đây là thế mạnh để tập trung phát triển giao thông, xây dựng kiến trúc đặc thù. Từ đó, mọi sản phẩm của ngành logistics sẽ tập trung về TP Thủ Đức.

"Cứ xin cơ chế đặc thù để phát triển nhưng không xác định được trọng tâm, phát triển dàn trải thì sẽ không thành công", ông Canh nói.

Ông cho rằng việc phát triển dàn trải để lại nhiều hậu quả, dự án thì chưa thấy mà đất đai lại lên giá chóng mặt, chính người dân là người chịu khổ. 

IMG_3327

Đại biểu Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - tiếp thu ý kiến cử tri - Ảnh: THẢO LÊ

Trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng các ý kiến đưa ra TP Thủ Đức hiện nay chưa có gì khác so với trước đây nhưng phải xác định đây là mô hình rất mới, cần có thời gian để hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, không thể một sớm một chiều mà làm được.

Theo ông Quân, kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Trong đó, Quốc hội đã cho phép TP.HCM tiếp tục kéo dài thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Quốc hội cũng giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết thay thế nghị quyết 54. Trong đó, TP.HCM sẽ đề xuất những cơ chế chính sách cho TP Thủ Đức. Khi những chính sách này được thông qua, TP Thủ Đức sẽ có đủ căn cứ để phát triển.

Về các vấn đề xăng dầu, thuốc, biên chế, giáo viên nghỉ việc, phân bổ ngân sách, thực hành tiết kiệm... ông cho biết Quốc hội cũng đã đưa ra thảo luận rất sôi nổi. Ông hy vọng các cử tri tiếp tục có ý kiến đóng góp để các đại biểu có thêm các chất liệu thực tế để có những kiến nghị sâu rộng hơn.

Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù: TP.HCM cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù: TP.HCM cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn

TTO - Đánh giá về việc tổ chức thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội, tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM - cho rằng TP.HCM cần cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên