07/04/2025 08:30 GMT+7

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025: Những đột phá cho công cuộc 'vươn mình'

Từ tối ưu hóa bán dẫn, xử lý khí thải đến bao bì tan trong nước và nuôi cua bằng robot, nhiều công trình được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tính thực tiễn trong Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2025.

giải thưởng sáng tạo - Ảnh 1.

Các nhà khoa học cùng thiết bị chế tạo màng mỏng bán dẫn trong suốt dẫn điện tại Phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Ngoài thể hiện chiều sâu nghiên cứu khoa học, các sáng kiến này còn chứng minh khả năng chuyển hóa thành giải pháp thực tiễn, góp phần mở đường cho công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng bền vững, vốn là những yếu tố "then chốt" trong chiến lược phát triển của TP.HCM.

Từ phòng thí nghiệm

Tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhóm nghiên cứu gồm TS Phạm Thanh Tuấn Anh, PGS.TS Trần Cao Vinh và ThS Hoàng Văn Dũng đã phát triển một giải pháp tăng cường độ linh động hạt tải trong lớp điện cực trong suốt trên nền vật liệu bán dẫn ZnO. 

Giải pháp hướng tới việc giảm điện trở và tăng hiệu suất truyền dẫn, góp phần cải thiện hiệu năng hoạt động cho các thiết bị quang điện tử như màn hình cảm ứng, pin mặt trời, OLED và các thiết bị tích hợp thông minh.

Trong bối cảnh vật liệu bán dẫn được xác định là một trong các công nghệ lõi trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, TS Phạm Thanh Tuấn Anh - phó trưởng Phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết việc làm chủ các vật liệu đầu vào, đặc biệt là các lớp dẫn điện trong suốt, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Nhóm nghiên cứu đã đưa vào các nguyên tố tạp chất như hydro, indi, nhôm, galli, flo, clo vào cấu trúc ZnO nhằm tối ưu hóa độ linh động hạt tải mà không ảnh hưởng đến độ trong suốt quang học.

Kết quả đo đạc, phân tích cho thấy các vật liệu này có độ linh động hạt tải cao, phẩm chất dẫn điện trong suốt tốt, phù hợp với các ứng dụng quang điện tử tiềm năng như: điện cực trong suốt trong pin mặt trời màng mỏng, tích hợp trong các thiết bị thông minh, màn hình cảm ứng với tốc độ đáp ứng nhanh.

Giải pháp này của nhóm được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021, cấp Trường đại học Khoa học tự nhiên năm 2023, 2024 và 10 công bố trên các tạp chí quốc tế ISI-Q1. Trong Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025, công trình dự kiến được trao giải ở lĩnh vực 6 - khoa học kỹ thuật.

Cũng từ Đại học Quốc gia TP.HCM và cũng dự kiến được trao giải ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, do PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân, GS.TS Phan Bách Thắng, PGS.TS Trần Hoàng Phương cùng các cộng sự thực hiện, đã ứng dụng vật liệu MOF (Metal-Organic Frameworks) để phát triển một quy trình tổng hợp hóa học kết hợp xử lý khí nhà kính.

Ban tổ chức đánh giá với cấu trúc xốp, diện tích bề mặt lớn và khả năng điều chỉnh linh hoạt, vật liệu MOF vừa đóng vai trò chất xúc tác hiệu quả cho phản ứng tổng hợp aldehyde, hợp chất quan trọng trong công nghiệp dược và hóa mỹ phẩm, vừa hấp thụ khí CO₂ và H₂S. 

Công nghệ vi sóng kết hợp thủy nhiệt giúp rút ngắn thời gian phản ứng đáng kể, đồng thời không sử dụng dung môi độc hại, bảo đảm an toàn cho môi trường sản xuất.

Về mặt xã hội, công nghệ MOF góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch trong cộng đồng dân cư đô thị. 

Nhóm nghiên cứu hiện đang tiếp tục thử nghiệm mô hình quy mô lớn và khảo sát khả năng tích hợp vào các dây chuyền sản xuất hóa chất, chế biến thực phẩm và năng lượng sạch.

Đến thị trường

Từ đổi mới sáng tạo đến thương mại hóa, một số giải pháp sáng tạo đã vượt qua khoảng cách giữa phòng thí nghiệm và thị trường, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất truyền thống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Được đánh giá rất cao ở lĩnh vực 7 - khởi nghiệp sáng tạo, start-up PVA PRO mang đến giải pháp sản xuất bao bì polymer tan hoàn toàn trong nước mang tên AquaFlex. Bà Thái Như Hằng - đại diện start-up - cho biết sản phẩm có thể phân hủy sinh học trong môi trường đất, nước ngọt và nước mặn, không để lại vi nhựa và hóa chất độc hại. 

Với cấu trúc dẻo, bền, trong suốt và khả năng tái chế 100%, sản phẩm được đánh giá là giải pháp thay thế bền vững cho các loại bao bì nhựa truyền thống.

Sản phẩm đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như túi giặt y tế hạn chế lây nhiễm chéo, màng tách khuôn trong sản xuất đá nhân tạo, lớp phủ giấy thay thế PE giúp giấy tái chế dễ dàng, bao bì đựng quần áo chống tia UV, và màng viên giặt thân thiện môi trường. 

Tại nhà máy ở Long An có quy mô 4.000m², sản phẩm hiện đạt công suất 80 tấn/tháng. Giá bán bao bì dao động từ 170.000 - 220.000 đồng/kg.

AquaFlex đã được cấp 3 chứng chỉ quốc tế bao gồm OK Biodegradable Water, OK Compost Industrial, OK Biodegradable Marine và nhận vốn đầu tư 1 triệu USD từ Quỹ ITI. 

Sản phẩm từng đạt giải nhất Giải thưởng Sáng kiến bền vững của EuroCham 2022 và lọt top 10 Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (I-Star) 2023.

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025: Những đột phá cho công cuộc 'vươn mình' - Ảnh 2.

Bà Thái Như Hằng cùng sản phẩm bao bì polymer tan hoàn toàn trong nước của - Ảnh: NVCC

Cũng nhắm đến thị trường quốc tế, Công ty TNHH Seamorny Việt Nam đã phát triển mô hình nuôi cua lột tự động hóa với sự hỗ trợ của AI, robot và nền tảng IoT. Kỹ sư Lê Mai Tùng - sáng lập công ty - cho biết hệ thống giúp theo dõi quá trình sinh trưởng và lột xác của cua, cho phép thu hoạch đúng thời điểm. 

Mỗi con cua được nuôi trong hộp riêng biệt, có hệ thống dọn vệ sinh tự động, giúp giảm tỉ lệ hao hụt do dịch bệnh và tập tính ăn thịt đồng loại, nâng tỉ lệ sống lên hơn 90%.

Robot giám sát tự động chạy trên giàn nuôi giúp theo dõi hình ảnh, trong khi phần mềm đi kèm lưu trữ dữ liệu từng con cua, phục vụ quản lý và truy xuất thông tin. 

Chi phí đầu tư mỗi hộp chỉ khoảng 15 USD, chu kỳ nuôi ngắn (1 - 1,5 tháng), phù hợp mở rộng tại các vùng ven biển. Sản phẩm cua lột hiện có giá bán từ 800.000 - 900.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ nâng cao hiệu quả nuôi trồng, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ sử dụng hệ thống tái tuần hoàn nước và hạn chế mở rộng diện tích canh tác, phù hợp với các khu vực ven rừng ngập mặn đã cải tạo. Dự kiến sẽ nhận Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM ở lĩnh vực 1 - phát triển kinh tế, dự án còn được kỳ vọng tạo nên những hướng đi mới cho mô hình phát triển thủy sản công nghệ cao tại Việt Nam.

giải thưởng sáng tạo - Ảnh 3.

Ông Lê Mai Tùng (trái) hướng dẫn nông dân kiểm tra cua tại trang trại ở xã Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: NVCC

52 công trình dự kiến được trao giải

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM là giải thưởng danh giá do UBND TP.HCM xét tặng định kỳ 2 năm/lần nhằm vinh danh những công trình, sáng kiến, giải pháp tiêu biểu đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, nghệ thuật của thành phố.

Năm 2025 là lần thứ 4 giải thưởng được tổ chức, thu hút 292 sản phẩm dự thi ở 7 lĩnh vực: phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, quản lý nhà nước, truyền thông, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp sáng tạo. Qua vòng sơ khảo và thẩm định, 52 công trình dự kiến sẽ được trao giải.

Mỗi công trình đoạt giải sẽ nhận bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM, giấy chứng nhận và tiền thưởng từ 100 - 200 triệu đồng tùy theo lĩnh vực. Ngoài yếu tố đổi mới và hiệu quả ứng dụng, năm nay giải thưởng có thêm điểm mới: công khai danh sách công trình trước lễ trao giải để lấy ý kiến xã hội.

Vinh danh "Ngày của phở 12-12"

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025: Những đột phá cho công cuộc 'vươn mình' - Ảnh 2.

Thực khách tìm hiểu về cách nấu phở tại Lễ hội phở Việt - Vietnam Phở Festival 2024, một hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Ngày của phở - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Ngày của phở 12-12" - chuỗi sự kiện thường niên do báo Tuổi Trẻ tổ chức - là công trình dự kiến sẽ được trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2025, thuộc lĩnh vực 4 - truyền thông. Sự kiện được đánh giá là hoạt động truyền thông - văn hóa có tác động sâu rộng, góp phần đưa phở Việt lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới.

Ra đời từ năm 2017, Ngày của phở là lễ hội đầu tiên dành riêng để tôn vinh món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Sự kiện được tổ chức thường niên với đa dạng hình thức: hội thảo, triển lãm, cuộc thi viết, lễ hội phở, giải thưởng "Hoa hồi vàng", chương trình "Phở yêu thương" trao hàng ngàn suất ăn và học bổng cho học sinh nghèo, cũng như các hoạt động giao lưu trong nước và quốc tế.

Với biểu tượng gắn liền hình ảnh hạt gạo, nguyên liệu làm nên sợi phở, chương trình đã góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, tạo điểm nhấn du lịch và hỗ trợ xúc tiến thương hiệu nông sản quốc gia. Đặc biệt, các kỳ Vietnam Phở Festival tổ chức tại Nhật Bản, Hàn Quốc mở ra tiền lệ cho việc đưa phở ra thế giới một cách bài bản và giàu bản sắc.

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025: Những đột phá cho công cuộc 'vươn mình' - Ảnh 3.Hơn 50 công trình được vinh danh Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM

TP.HCM sẽ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 vào ngày 25-4 tại Nhà hát Thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên